Phúc Âm Giăng, bài 22

Giăng 11:38–57

Cách chôn cất người chết theo phong tục người Do-thái vào thời Đức Chúa Giêxu ở thế gian vẫn không khác thời tổ phụ Ápraham của họ. Người ta tẩm liệm xác chết theo khả năng tài chính của gia đình rồi đặt trong hang đá thiên nhiên, hoặc huyệt đục trong đá nếu là người giàu có. Một tảng đá lớn được lăn đến chận cửa hang. Có lẽ người ta cũng dùng vôi hoặc vật liệu có sẵn để bịt những khe hở, không cho mùi hôi thối của xác chết bốc ra khỏi huyệt. Đức Chúa Giêxu lại bày tỏ sự xúc động nhân loại trong Ngài khi người ta nhắc đến người chết (38). Việc Đức Chúa Giêxu ra lệnh lăn tảng đá chận cửa hang là một điều tự nhiên (39), vì nếu không thì người sống lại không thể đi ra được; mặc dù Đức Chúa Giêxu có đủ quyền phép siêu nhiên đem xác người chết ra ngoài mà không cần phải dời tảng đá chận cửa hang. Nếu Ngài làm như thế sẽ khiến người ta bị kinh hoảng bỏ chạy trốn hết, không có mặt để chứng kiến phép lạ gọi người chết sống lại.

Phản ứng của Ma-thê cho thấy bà chưa thật sự biết hoặc tin quyền phép của Đấng Christ, mà bà đã xác nhận trước đó Ngài là “Con Đức Chúa Trời, đấng phải đến thế gian” (27). Bà ngăn cản không cho lăn cửa mộ đi vì “bây giờ đã có mùi, vì đã bốn ngày rồi!” (39). Theo ý nghĩa của câu hỏi: “Ta chẳng từng bảo con: Nếu tin, con sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?“(40), thì có lẽ Đức Chúa Giêxu đã phán với Ma-thê như vậy trong lúc Ngài trò chuyện với Ma-thê, nhưng không được ký thuật ở phần trước. Ma-thê chỉ có thể chứng kiến quyền phép vinh hiển của Đức Chúa Trời khi vâng theo lời truyền của Đức Chúa Giêxu bảo lăn tảng đá lấp cửa mộ. Nếu bà tiếp tục phản đối việc lăn tảng đá, có lẽ Laxarơ đã không được gọi cho sống lại từ cõi chết.

Áp dụng nguyên tắc nầy: Hãy nhường cho Đức Chúa Giêxu thực hiện mọi việc theo ý muốn Ngài trong đời sống chúng ta, tất cả những điều kỳ diệu sẽ xảy ra vượt quá mức chúng ta mơ ước hoặc mong đợi. Bởi vì, nếu chúng ta hành động hay quyết định theo tâm lý thường tình trong sự hiểu biết của con người ở trần gian, thì chúng ta sẽ không thể thấy hay kinh nghiệm được phép lạ siêu nhiên mà Chúa muốn thực hiện cho chúng ta. Những người chưa từng thấy hoặc không bao giờ được thấy phép lạ, là những người không dám tin vào những quyền phép siêu phàm tuyệt đối của Đức Chúa Trời vẫn còn thể hiện ngày nay ở trần gian. Người ta đã lăn tảng đá lấp cửa mộ theo lệnh của Đức Chúa Giêxu vì thân nhân người chết không còn phản đối nữa (41).

Một lần nữa Đức Chúa Giêxu ngước mắt lên trời cầu nguyện và tin chắc Cha sẽ nhậm lời. Ngước mắt lên trời là hành động biểu lộ nâng tâm trí mình lên tầm mức cao của thiên đàng, đồng thời bày tỏ cho những người đứng xem nguồn quyền phép mà Ngài rút ra là từ đâu đến (41). Khi cầu nguyện, Đức Chúa Giêxu tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa Cha trước tiên, là điều mà Ngài làm gương để dạy chúng ta trong phận làm con phải đến gần Cha bằng lời cảm tạ và tôn vinh trước khi dâng lên lời khẩn cầu của mình. Đức Chúa Giêxu nói rằng Ngài tin chắc Cha đã nhậm lời cầu nguyện của Ngài trước khi nói ra lời cầu xin. Đây là loại đức tin Ngài thường xuyên khuyên dạy các môn đồ Ngài cần phải có để lời cầu xin được nhậm: “…Ta bảo các con, mọi điều các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất các con sẽ được điều ấy” (Mác 11:24).

Tại sao Đức Chúa Giêxu biết Đức Chúa Cha đã nhậm lời mình luôn luôn, mà Ngài vẫn phải nói ra lời? Mặc dù biết rõ Cha nhậm lời mình luôn luôn, nhưng Ngài phải nói ra lời để đoàn dân tin lời Ngài vẫn thường tuyên bố là Đức Chúa Cha đã sai Ngài đến (41-42). Việc người Do-thái đạt đến lòng tin rằng Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-sai-a được Đức Chúa Trời sai đến thế gian là điều rất quan trọng. Vì nỗi ước mong và quan niệm của người Do-thái về Đấng Mết-sai-a không phù hợp với sứ mạng của Đức Chúa Giêxu. Họ chỉ mong Đấng Christ đến để khôi phục quốc gia Do-thái hùng cường, đánh đổ ách cai trị của người La-mã, giành lại nền độc lập, rửa nỗi nhục bị mất nước trải qua nhiều thế kỷ. Họ chưa hiểu sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Giêxu.

Nói xong, Ngài gọi lớn: ‘La-xa-rơ, ra đây!’” (43). Tiếng gọi của Đức Chúa Giêxu trong bối cảnh nầy không phải là lời nói bình thường của loài người. Để khiến sự sống vào thân thể đang bị phân huỷ của một người chết đã bị chôn bốn ngày, làm cho tất cả các tế bào trong thân thể ấy sống lại và hoạt động bình thường, thì phải cần đến lời nói của Đấng Sáng Tạo; tức là Đấng dùng lời phán của Ngài dựng nên toàn vũ trụ và trái đất. Mọi tế bào đã chết của thân thể La-xa-rơ phải nghe tiếng gọi của Đức Chúa Giêxu để sống lại, phục hồi mọi chức năng của chúng.

Theo phong tục khâm liệm người chết ở vùng Trung-cận-đông vào thời ấy, người ta lấy vải liệm bó quanh thân thể người chết. Như vậy lúc La-xa-rơ được Đức Chúa Giêxu gọi cho sống lại đi ra, thì mặt còn phủ khăn liệm, và toàn thân còn bị vải liệm quấn quanh. Trong tình trạng đó thì La-xa-rơ không thể từ hang mộ thong thả đi ra như một người bình thường. Việc ông sống lại đã là một phép lạ cực kỳ phi thường, việc ông đi ra từ hang mộ trong bộ vải liệm lại là một phép lạ khác nữa. Khúc Kinh-thánh nầy không mô tả cách thức La-xa-rơ đi ra. Hoặc là thân thể bị quấn vải của ông lơ lửng trôi ra, hoặc là hai chân ông nhúc nhích từng bước nhỏ đi dần ra ngoài. Tác giả chỉ mô tả: “Người chết ra khỏi mộ, tay chân còn quấn vải liệm, mặt phủ khăn. Đức Chúa Giê –xu bảo: ‘Tháo vải liệm, để cho anh ấy đi’” (44).

Thời nào cũng vậy, khi phép lạ xảy ra thì có người tin và người vẫn giữ quan điểm của mình là không tin dù đã thấy tận mắt (45–46). Những người đã tìm cách phao vu, bác bỏ và hạ thấp các dấu lạ Đức Chúa Trời làm thời nay là những người liều lĩnh, vì họ chưa bao giờ lường nổi sự báo ứng của Đấng Toàn Năng. Sự tối tăm chiếm hữu tâm linh và trí não của những người ghét Chúa. Sự tối tăm ấy đã khiến họ không nhận ra công việc của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giêxu, mà cứ bàn nhau cách đối phó với Đấng làm phép lạ (47–48).

Lời nói của Cai-phe, thầy tế lễ thương-phẩm đương-niên, là lời tiên tri về Đấng Cứu Thế sẽ hi sinh mạng sống để cứu chuộc cả nhân loại, mà ông không biết mình đang nói tiên tri. Vì Đức Chúa Giêxu chưa đổ huyết Ngài ra để thiết lập giao ước mới với loài người, luật pháp căn cứ trên giao ước cũ vẫn còn giá trị; cho nên, lời nói từ chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm vẫn có thẩm quyền về vấn đề sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời (49–52). Có những điều người ta tưởng rằng họ chủ động, nhưng Đức Chúa Trời mới là Đấng quyết định mọi việc của loài người: “Ông nói như thế không phải tự ý mình, nhưng ở cương vị thầy tế lễ thượng phẩm tại chức, ông nói tiên tri về việc Đức Chúa Giêxu sẽ hi sinh vì dân tộc” (51).

Trong khi lập mưu giết Đức Chúa Giêxu (53) để che giấu những thất bại của mình, các thầy tế lễ và giới Pha-ri-si không biết họ đang liều mình chống công việc của Đức Chúa Trời. Chứng tỏ họ không từ bỏ một hành động thô bỉ và gian xảo nào chỉ nhằm cứu vãn thể diện của những kẻ sai lầm; cũng chẳng biết Người mà họ thù nghịch đó là Đấng toàn tri. “Vì thế, Đức Chúa Giêxu không công khai đi lại giữa người Do-thái như trước” (54). Ngày nay bọn người chống trả các ân tứ của Đức Thánh Linh cũng vậy. Họ tưởng rằng vì họ chưa từng nghe tiếng phán từ Đức Thánh Linh, thì chắc cũng chẳng ai có khả năng nghe được. Họ tưởng rằng vì họ cầu nguyện chữa bệnh mà người bệnh không lành, thì sự cầu nguyện chữa bệnh ngày nay không còn hiệu quả. Họ tưởng rằng họ chưa bao giờ thấy phép lạ xảy ra, thì ngày nay Chúa không còn làm phép lạ nữa.

Người Do-thái từ thôn quê kéo về Giêrusalem trước ngày lễ Vượt-qua để chịu thanh tẩy (55), theo luật Môise, trước khi tới đền thờ để dự lễ. Vì ai chưa chịu thanh tẩy mà vào đền thờ thì sẽ bị khai trừ khỏi hội chúng (Dân Số 19:20). Đức Chúa Giêxu chỉ mới thi hành thánh vụ của Ngài được ba năm rưỡi, nhưng toàn thể người Do-thái thời ấy đều nghe về các phép lạ Ngài đã thực hiện và chịu ảnh hưởng của thánh vụ Ngài. Vì thế, ai cũng bàn tán về Đức Chúa Giêxu (56). Trong khi đó “các thầy trưởng tế và phái Pha-ri-si đã ra lệnh hễ ai biết Ngài ở đâu, phải báo cáo để họ đến bắt” (57). Đây là tuần lễ cuối của Đức Chúa Giêxu trên trần gian trước khi Ngài hi sinh.

PhucAmGiang22.docx

Rev. Dr. CTB