Phúc Âm Giăng, bài 09

Giăng 2:13–25

Sự kiện Đức Chúa Giêxu Christ lên thành Giêrusalem dự lễ Vượt Qua là một gương mẫu về sự nghiêm chỉnh làm tròn bổn phận của con cái Đức Chúa Trời: Chuyên cần tham dự các buổi nhóm họp của dân sự Chúa (13). Việc Ngài vào đền thờ (14) là sự ứng nghiệm lời tiên tri: “Nầy, Ta sai sứ giả của Ta đến để dọn đường trước mặt Ta; và Chúa mà các con tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là sứ giả của sự giao ước mà các con trông mong. ‘Kìa Ngài đang đến!’ Đức Giêhôva vạn quân phán vậy.” (Malachi 3:1).

Người đọc bốn sách phúc âm và biết so sánh thời điểm của cùng một sự kiện thường bối rối về việc Đức Chúa Giêxu làm sạch đền thờ được đề cập đến trong phân đoạn nầy. Ba sách phúc âm đồng quan thì đặt sự kiện nầy vào tuần cuối của thánh vụ Đức Chúa Giêxu trên đất, trước khi chịu khổ hình. Giăng lại đặt sự kiện ấy vào lúc khởi đầu thánh vụ của Ngài. Chưa ai thực sự hiểu lý do của hai cách sắp xếp nầy và cũng không thể giải quyết nổi câu hỏi về vấn đề thời điểm. Chỉ biết là Giăng thường không sắp xếp sự kiện theo thứ tự thời gian, mà theo tầm quan trọng của sự việc. Nhưng điều cần phải lưu ý là tất cả các sách đều liên kết việc Đức Chúa Giêxu làm sạch đền thờ với sự chết của Ngài.

Khi đọc những lời Đức Chúa Giêxu phán và các câu Kinh Thánh Cựu-Ước được trích dẫn, chúng ta có thể đoán mục đích của sứ đồ Giăng khi đưa sự kiện nầy vào đầu sách phúc âm do ông viết là để làm rõ ý nghĩa của sự kiện. Lời phán đầu tiên của Đức Chúa Giêxu khi vào đền thờ là “Mang những thứ đó khỏi đây! Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.” (16). Ngài đã đến trần gian để biến cải thế giới; và Ngài muốn rằng những ai đến với Ngài phải biến cải tấm lòng và đời sống của họ. Ngài đã dạy về điều nầy bằng cách tẩy sạch đền thờ của Ngài.

Những gì cần phải được tẩy sạch? Đức Chúa Giêxu gặp một cái chợ ngay trong sân đền thờ. Do luật pháp Môise về đền thờ rất nghiêm khắc, không ai có thể lập chợ trong khuôn viên đền thờ nếu các thầy tế lễ không cho phép; nên trước đó có lẽ người ta buôn bán thú vật làm sinh tế cạnh ao Bethesda bên ngoài đền thờ. Các thầy tế lễ đã cho buôn bán để hưởng lợi: tiền thuê chỗ, tiền lời do bán với giá cắt cổ, tiền thuế, và tiền lời đổi bạc có lẽ theo cách gian lận, Cho nên Chúa gọi cái chợ trong sân đền thờ là sào huyệt trộm cướp (Mác 11:17). Đây không phải là lần đầu tiên Đức Chúa Giêxu Christ tới đền thờ. Ngài đã nhiều lần dự lễ Vượt qua ở đó, nhưng Ngài chưa bao giờ đuổi những người buôn bán. Ngài đã chờ đến lúc công khai chính thức thi hành thánh vụ của một Đấng Tiên Tri. Ngài không cần phàn nàn điều đó với thầy tế lễ thượng phẩm; chính Ngài đứng ra thực hiện công việc, vì Ngài biết những người đó đã bị hủ hóa đến mức nào.

Đức Chúa Giêxu không bao giờ buộc ai VÀO đền thờ nhưng Ngài ĐUỔI RA khỏi đền thờ những thứ phàm tục. Ngài đã bện dây thành roi (15) không phải để đánh người nhưng để đuổi cái chợ buôn bán bò và chiên. Những người bán bò và chiên dĩ nhiên phải chạy theo bầy thú của mình ra khỏi đền thờ để gom chúng lại. Ngài lật bàn của người đổi bạc vì họ có thể lượm lại được. Nhưng đối với những người buôn bán bồ câu thì Ngài ra lệnh cho họ phải đem hết chim ra khỏi đền thờ (16); bởi vì nếu Ngài tháo cửa lồng chim cho chúng bay ra ngoài, thì những người bán có thể không bắt lại được, họ sẽ bị mất hết vốn liếng. Ngài chỉ làm sạch đền thờ, không làm mất mát của ai. Mặc dù Đức Chúa Giêxu được thúc giục mạnh mẽ bởi lòng nhiệt thành về Nhà của Đức Chúa Trời (17), Ngài không làm gì lợi cho mình cũng chẳng thiệt hại người khác.

Lý do nào khiến những người Giuđa bị đuổi phải bỏ chạy? Có lẽ họ biết việc lập chợ trong đền thờ là phạm luật pháp; nhưng việc vi phạm đó diễn ra thường xuyên trở thành bình thường. Khi có một người lạ mặt có vẻ rất có uy quyền và thẩm quyền ra lệnh thì họ chột dạ và đành phải trở lại với những luật lệ đã có từ xưa. Sự trở lại tuân theo nề nếp của luật pháp đã gây ra một sự xáo trộn nếp sinh hoạt phạm luật bình thường của các thầy tế lễ và những thương gia thân thiết với họ. Những người ấy tức giận vì vừa bị mất mối lợi, vừa bị vạch trần là phạm luật và vừa bị thách thức quyền lực. Họ đã hạch hỏi: “Thầy làm phép lạ gì cho chúng tôi thấy để chứng tỏ thầy có quyền làm những điều đó?” (18). Ý nghĩa của câu nói nầy là “chỉ có đấng tiên tri mới có thẩm quyền nhắc nhở về luật pháp; mà nếu Thầy là tiên tri thì phải có quyền phép gì đó để chứng tỏ mình được Đức Chúa Trời sai đến. Thầy thử làm cho chúng tôi xem?

Phản ứng của những người Giu-đa có nhắc chúng ta về những việc mình vẫn thấy diễn ra thường xuyên trong các nhà thờ ngày nay không? Thói quen coi thường sự thánh khiết, không tôn trọng giờ giấc, và thiếu lòng cung kính trong các buổi nhóm thờ phượng Chúa của Hội-thánh. Đại đa số tín hữu bây giờ hầu như chẳng bao giờ thấy bằng mắt sự hiện diện của Chúa trong các buổi thờ phượng. Do đó sự khinh lờn đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Ví bằng có ai đó chẳng may lên tiếng nhắc nhở thì sẽ bị đủ mọi thứ thách thức và tẩy chay.

Khi người Giuđa thách thức Chúa làm dấu lạ thì Ngài đáp bằng lời tiên tri về sự chết và sự sống lại sắp đến của Ngài: “Phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại” (19). Lời đáp ấy khiến người Giuđa càng tức giận hơn (20), vì họ không hiểu nghĩa bóng của câu nói. Bí quyết để hiểu ý nghĩa lời đáp của Chúa được Giăng trình bày: “Nhưng đền thờ Ngài nói đây là thân thể Ngài” (21). Nghĩa là người Giuđa không hiểu rằng Đức Chúa Giêxu nói về đền thờ của thân thể mình. Chỉ sau khi Chúa phục sinh, các môn đồ mới nhớ lại và tin lời của Ngài (22). Có lẽ lúc ấy các môn đồ cũng bối rối vì không biết lời nói của Chúa có ý nghĩa chi. Họ biết Ngài có thể làm nhiều phép lạ, nhưng xây lại đền thờ trong ba ngày thì họ không nghĩ là Chúa có thể làm được.

Ngày nay chúng ta có thể cũng phải đối diện với một số thách thức đức tin tương tự như thế: Chúng ta có thể dễ dàng tin Chúa chữa được một số bệnh thông thường hay thậm chí nan y. Nhưng đứng trước các bệnh quá nặng hoặc tật nguyền thì hầu hết chúng ta thấy đức tin mình bị lung lay. Sự thật là lòng tin quyết vững vàng chỉ có trong những người đã từng thấy hoặc kinh nghiệm qua lịch sử bản thân hay gia đình mình. Ước sao mỗi con cái Chúa đều có thể ghi nhớ một số câu Kinh-thánh làm nền tảng để kinh nghiệm quyền năng Chúa và đứng vững vàng trong đức tin nơi Chúa của mình.

Những chi tiết về việc Đức Chúa Giêxu dọn dẹp cho đền thờ được sạch, làm nẩy lên một số ý nghĩa cho chúng ta suy gẫm. Đền thờ cũ và Do-thái-giáo bị thanh tẩy. Sự thờ phượng mới, chân thật trong Hội-thánh, thân thể Đấng Christ, được thành hình. Trong cách thờ phượng ấy, chiên, bò, bồ câu không cần đến nữa. Chỉ cần lòng tin nơi sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Giêxu Christ là đủ. Đó là sự thờ phượng mà Đức Chúa Trời hài lòng.

Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã không làm dấu lạ gì vào thời điểm dân Giuđa thách thức Ngài, nhưng trong suốt những ngày lễ Vượt qua, Ngài đã làm nhiều phép lạ khiến cho một số người tin Ngài (23). Giăng đã không ghi chi tiết các phép lạ đã diễn ra là những gì. Nhưng nếu có nhiều người Giuđa tin Đức Chúa Giêxu là tiên tri sau khi chứng kiến Ngài làm nhiều phép lạ, thì các phép lạ ấy phải diễn ra cách rõ ràng và ngoạn mục. Tuy nhiên, Giăng ghi rằng “Nhưng Đức Chúa Giêxu không tin cậy họ, vì Ngài biết rõ mọi người. Ngài chẳng cần ai chứng thực cho con người, vì Ngài biết hết lòng dạ con người” (24–25). Điều nầy có nghĩa là có thể những người thấy phép lạ và tin Đức Chúa Giêxu là tiên tri, có ý muốn tôn Ngài lên làm vua của họ. Ngày nay cũng vậy, Chúa vẫn biết rõ động lực nào khiến chúng ta đi nhà thờ, giữ đạo, vv.

Nếu người Giu-đa tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Mếtsaia thì họ muốn Ngài phải làm những việc mà họ nghĩ là Đấng Mếtsaia phải làm. Tuy nhiên, vì Chúa biết bản chất của lòng loài người rằng có thể họ vừa reo hò tung hô xong, sẽ quay lại phỉ nhổ, hất hủi, chống báng Ngài ngay lập tức “Đức Giêhôva biết tư tưởng loài người, chúng chỉ là hư ảo” (Thi 94:11). Chúa không muốn làm Vua trên những người chưa được biến đổi bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

PhucAmGiang09.docx

Rev. Dr. CTB