Phúc Âm Giăng, bài 10

Giăng 3:1–21

Cuộc trò chuyện giữa Đức Chúa Giêxu Christ với Nicôđem (1) là chỗ đầu tiên trong Kinh-thánh trình bày điều kiện căn bản để được hưởng sự sống đời đời ở thiên đàng. Lời phán của Đức Chúa Giêxu ở câu 16 mới thật là tinh túy của Tin Lành. Thật ra, dù Nicôđem chưa đặt câu hỏi, Chúa đã biết ý của ông muốn hỏi về sự sống đời đời. Khi ông nói rằng ông tin Đức Chúa Giêxu là Đấng từ trời đến thì chúng ta có thể hiểu ý ông muốn Chúa cho biết điều kiện trở thành công dân của nước thiên đàng là thế nào (2). Chúa trả lời là ông phải được sanh lại (3). Đây là một ý niệm hoàn toàn mới đối với loài người. Nicôđem hỏi: “Làm sao có thể sanh lại được?” (4). Đức Chúa Giêxu giải thích cho Nicôđem biết về sự sanh lại “Thật, Tôi nói thật với ông, nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh, người ấy không được vào nước Đức Chúa Trời,” (5) Ngài giải thích thêm “Xác thịt sinh ra thân xác; Thánh Linh sinh ra tâm linh. Đừng ngạc nhiên về điều Tôi nói: Các ông phải sinh lại.” (6–7)

Đây là sự giải thích rõ ràng hơn hết về điều kiện của cõi trời từ khi có loài người trên đất cho tới lúc bấy giờ. Sự giải thích ấy có nghĩa là: thiên đàng là cõi sinh hoạt của các thần linh, cư dân hoặc công dân thiên đàng phải được thần linh sản xuất hoặc sanh ra, có đủ các tính chất của cõi linh, và phù hợp với sự thánh khiết của cõi các thần. Nhưng chỉ Đức Chúa Trời mới có thể sinh ra hoặc sáng tạo các thân vị trong cõi linh, vì thế sự sanh lại hoặc sinh vào cõi linh chỉ có thể do Đức Chúa Trời thực hiện. Lời giải thích ấy cho thấy sự thật rất phũ phàng đối với những ý tưởng về việc tu luyện sẽ đạt đến cõi thần: “Hễ chi sinh bởi xác thịt là xác thịt.” Sự sinh bởi xác thịt ở đây không phải chỉ có nghĩa là được một người mẹ sinh ra bằng một thể xác có máu và thịt của cõi vật chất; nó có nghĩa rộng hơn: Nó bao gồm mọi thứ sản phẩm của thể xác, tư tưởng, hay tinh thần do công sức của con người tạo ra. Sản phẩm ấy dù có tốt đẹp hoàn hảo đến mấy vẫn thuộc về cõi trần tục, không phù hợp với thiên đàng.

Thế thì, mọi việc thiện hảo nhất do công sức và ý tưởng của loài người đạt đến, đều không thích hợp, không thể hiệp thông với cõi thiên đàng, bởi vì nó là kết quả của nỗ lực xác thịt hay ý tưởng trần tục. Để được thiên đàng chấp nhận, sản phẩm ấy phải là ‘thần’ được Đấng Chủ Tể cõi thiên đàng, là Đức Thánh Linh, sinh ra để có thể tương giao với Ngài. Tin mừng cho chúng ta, những người tiếp nhận Ngài, là được Chúa sinh lại, biến đổi thành các thần. Sự đổi mới lòng người là quyền phép của Đức Thánh Linh, loài người không có vai trò gì trong tiến trình ấy.

Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió đến từ đâu hay thổi đi đâu. Người được Thánh Linh sinh thành cũng thế” (8). Đức Chúa Giêxu muốn nói rằng sinh lại là một tiến trình biến đổi mà người nhận không biết nó diễn ra như thế nào. Người đó chỉ có thể biết được, hoặc bày tỏ cho mọi người chung quanh biết kết quả đã được thành hình trong lòng mình bằng hành động biểu lộ ra ngoài. Sự sinh lại là dấu hiệu chứng minh quyền phép biến đổi của Thánh Linh Đức Chúa Trời đã thực hiện trên đời sống và tâm linh của con người.

Ông Nicôđem lại càng bối rối và tỏ vẻ khó tin vì thấy rằng loài người không giữ vai trò chủ động gì trong tiến trình được sanh lại “Làm sao những điều đó xảy ra được?” (9). Đức Chúa Giê-xu hỏi: “Ông là giáo sư của dân Israel mà không hiểu những điều đó sao?” (10). Ngài vạch cho Nicôđem thấy một thực tế là Đấng đến từ trời chỉ nói sự thật về những gì mình thấy và biết ở cõi trời, còn những người mê muội về tôn giáo của họ thì khó nhận lấy lời chứng của những người đã thấy và biết sự thật; đồng thời, Ngài cũng nói rằng Ngài dùng các sự kiện và ngôn ngữ của thế gian để minh giải vấn đề, mà người trí thức như Nicôđem còn không hiểu nổi; làm sao ông có thể hiểu những gì Ngài mô tả các sự kiện ở trên trời? (11–12). Chúng ta cũng phải biết mình chỉ có thể hiểu những việc thuộc linh giới khi tâm linh ta đã được Đức Thánh Linh sinh lại.

Một sự thật không ai chối cãi được là chưa hề có người nào trong nhân loại đã lên trời và trở về (13); vì thế không ai biết được điều kiện đòi hỏi của cõi thiên đàng trừ ra Đấng từ trời xuống là Đức Chúa Giêxu, Đấng vốn ở trên trời như Nicôđem đã nghĩ về Ngài. Đến đây, Chúa tiết lộ cho Nicôđem biết chương trình cứu độ của Đức Chúa Trời là: Ngôi Lời phải bị án phạt đóng đinh treo trên cây gỗ, vì Ngài sẽ gánh chịu mọi tội ác độc dữ nhất của nhân loại, mà hình ảnh con rắn là biểu tượng (14–15), như khi xưa Môise treo con rắn lửa bằng đồng trên cây sào trong hoang mạc, để người Israel nào bị nọc độc của rắn lửa cắn nhìn lên thì được chữa lành (Dân số 21:8–9). Ý nghĩa hình bóng của việc nhìn con rắn là nhận biết tội ác của mình đang chất lên Đấng Công Nghĩa Giêxu Christ. Như vậy, ai tin Đấng Cứu Thế sẽ bị treo lên cây gỗ để thay thế cho tội lỗi của mình, thì sẽ người ấy được sự sống đời đời. Bây giờ, Nicôđem mới hiểu dần.

Tin mừng từ Đức Chúa Trời đã được Đức Chúa Giêxu Christ gói gọn trong một câu trở thành tinh túy của phúc âm, nền tảng đời đời của Tin Lành “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân thế, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để tất cả những ai tin Con ấy không bị hư vong, nhưng được sống vĩnh cửu” (16). Đây là chỗ đầu tiên đề cập việc tin Đức Chúa Giêxu là Đấng từ Đức Chúa Trời đến hi sinh cứu vớt nhân loại để người tin được cứu độ. Tình yêu thương được Đức Chúa Trời bày tỏ bằng cách gửi xuống trần gian Con Một của Ngài, Ngôi Lời, là tư tưởng và lời nói của chính Ngài, không phải để xét đoán thế gian, nhưng để cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu (17). “Ai tin Ngài đều không bị kết tội, ai không tin đã bị kết tội rồi, vì không tin đến danh Con Một của Đức Chúa Trời” (18).

Đức Chúa Giêxu phân tích về sự phán xét để giúp cho Nicôđem hiểu thêm về sự tin: “Lý do để kết tội là: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta ưa thích bóng tối hơn Ánh sáng, vì các việc họ làm là xấu xa” (19). Tin có nghĩa là tiếp nhận Ánh sáng để những ác uế của mình bị Ánh sáng phô bày và tiêu trừ. Vì thế, ai tin rằng Con Một của Đức Chúa Trời đã xuống trần gian chết thay chỗ cho tội lỗi của mình là sự công khai nhận rằng mình có tội, nghĩa là chấp nhận những xấu xa của mình bị Ánh sáng phơi bày ra và tẩy sạch. Cho nên, ai sợ Ánh sáng, nhờ bóng tối che giấu lòng dạ xấu xa của mình, thì không thể hưởng ơn cứu rỗi, nhưng phải bị đoán phạt.

Đức Chúa Giêxu tiếp tục trình bày cho Nicôđem thấy cái nhìn của thiên đàng về thực tế của lòng người và một lần nữa cho ông thấy rõ hơn điều kiện đòi hỏi của cõi trời “Ai làm điều ác đều ghét Ánh sáng, không dám đến gần Ánh sáng, vì sợ công việc mình bị phát hiện. Ngược lại, người làm điều chân thật đến gần Ánh sáng, công việc họ làm được bày tỏ, vì họ làm cho Đức Chúa Trời” (20–21). Những người có lương tâm trong sạch và chân thành tìm kiếm chân lý sẽ vui mừng khi thấy Ánh sáng và sẵn sàng đến gần Ánh sáng, là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời.

Suốt lịch sử, người ta cố công tìm kiếm sự giải thoát cho mình bằng nỗ lực của loài người, nhưng chưa ai thành công cả. Bây giờ Đấng đến từ trời đã tiết lộ điều kiện đòi hỏi của cõi trời mà xưa nay chưa ai được biết. Ngài cũng trình bày chương trình cứu độ nhân loại của Đấng Tạo Hoá là gửi Ngôi Lời của chính Ngài xuống trần gian bày tỏ tình yêu một cách thực tiễn nhất ấy là làm một người vô tội để chết thay cho loài người đang hư vong mà Ngài rất yêu thương. Chương trình ấy vượt quá xa sự hiểu biết và suy tưởng của người có tri thức sâu nhiệm hơn hết.

Tin Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Cứu Độ của mình có nghĩa là nhìn nhận và biết xấu hổ về con người xấu xa bề trong của mình – là con người thật mà mình luôn luôn giấu giếm che đậy không muốn ai biết – rồi tiếp nhận món quà vô giá đã được Đức Chúa Trời ban miễn phí, thì người tin sẽ được Ngài rửa sạch tội và sinh ra một tâm linh mới bên trong. Người đó sẽ trở thành một tạo vật mới như Kinh Thánh chép: “Vậy, ai ở trong Đấng Christ là con người mới; những điều cũ đã qua, kìa, những điều mới đến!” (2Côrinhtô 5:17). Mỗi con cái Chúa cần phải hiểu cặn kẽ ý nghĩa phần Kinh-thánh căn bản nầy để áp dụng cho mình và trình bày cho người khác biết nữa.

PhucAmGiang10.docx

Rev. Dr. CTB