Phúc Âm Giăng, bài 20
Giăng 10:1–42
Đức Chúa Giêxu mô tả sự khác nhau giữa người chăn chiên và kẻ trộm là: Người chăn thì vào chuồng qua cửa chính, còn kẻ trộm cắp thì trèo vào bằng ngõ khác; nghĩa là không có tư cách hợp pháp để vào chuồng chiên. Người chủ chiên có thẩm quyền vào chuồng qua cửa chính (1–2). Thời xưa, người Do-thái làm chuồng chiên bên trong các cổng ngoài của nhà họ, giữ sự an toàn tối đa cho bầy chiên. Người giữ cổng sẽ mở cửa, hoặc chủ nhà đưa chìa khoá cho người chăn (3). Chiên quen tiếng nói và cách nói của người chăn nên chúng yên tâm đi theo sự dẫn dắt của người chăn (4,27). Để có thể yên tâm sống đạo giữa một thời đại có nhiều lý thuyết thần học trái nghịch nhau trong Cơ-đốc-giáo giới, thì bí quyết để nhận ra sự dạy dỗ chân chính và nghe rõ tiếng Chúa phán mà không sợ lầm lẫn, là phải thường xuyên dành giờ ở riêng với Ngài để làm quen với lời nói và cách nói của Ngài qua việc đọc Lời Ngài trong Kinh Thánh.
Nếu ai là chiên của Chúa thì sẽ nhận ra tiếng nói yêu thương của Ngài, sẽ không theo người nào nói cách khác lạ (5). Đức Chúa Giêxu vẫn thường dùng ẩn dụ, nhưng trong ngụ ngôn nầy thì người Giu-đa không hiểu ai là kẻ trộm cướp, và ai là người chăn chiên tốt (6). Vì vậy, Đức Chúa Giêxu phải giải thích “Ta là Cửa của chiên” (7), và “Ta là cái Cửa”(9). Trước đó Ngài cho biết dấu hiệu để phân biệt giữa kẻ trộm với chủ chiên là trèo vào khác với vào chuồng qua cửa. Bây giờ việc Ngài ví chính mình là cái ‘Cửa của chiên’ có nghĩa là ai qua Ngài, là Đấng Trung-bảo, đều sẽ được cứu rỗi. Ngài là cái Cửa sẽ đóng lại đối với kẻ trộm cướp nào muốn vào cướp chiên. Không những chỉ được an ninh và an toàn, chiên còn được hạnh phúc vào ra; vì Ngài là cái Cửa mở ra để Đức Chúa Trời đến thăm và trò chuyện với con dân Ngài trong Hội Thánh.
Đức Chúa Giêxu là Cửa của chiên, là Cửa vào Hội Thánh, tức là chuồng chiên. Bất cứ ai từ khước việc Ngài làm trong Hội Thánh Ngài ngày nay, thì không phải là chiên của Ngài. Ai dạy Kinh Thánh mà không tôn trọng thẩm quyền của Lời Chúa, nhưng gài ý riêng, quan niệm riêng của mình, chẳng quan tâm đến sự an toàn tâm linh của tín hữu, những người đó chỉ là quân trộm cướp tìm cách trèo vào chuồng chiên mà không qua ‘Cửa của chiên,’ là Đức Chúa Giêxu Christ. Không thể nghe theo loại giáo sư ấy. Đức Thánh Linh sẽ xác nhận ai là người chăn thật mà Ngài đã giao cho trách nhiệm chăn bầy, và Ngài cũng sẽ xác nhận ai là chiên của bầy Ngài.
Những ai trước đây tự xưng là cứu nhân độ thế mà không đem được sự sống gì, chẳng có sự mặc khải nào từ thiên đàng, thì đều bị Đức Chúa Giêxu gọi là quân trộm cướp (8). Mục tiêu của kẻ trộm luôn luôn là cướp, giết, và huỷ diệt; ngược lại, Đức Chúa Giêxu đến để ban sự sống và sự sống sung mãn cho bầy chiên của Ngài (10). Ngài đã ban chính mạng sống của Ngài để cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu bất cứ người nào tin. Ngài là Người chăn tốt bởi Ngài đã hi sinh tính mạng vì đàn chiên của Ngài (11). Sự sống sung mãn trong Ngài là dư dật hơn đời sống đã mất và bị từ bỏ vì tội lỗi; dư dật hơn đời sống được hứa bởi luật pháp Môise. Đấng Christ đến để ban sự sống, không phải chỉ sống, nhưng sống thoải mái, dư dật, và vui thoả. Truyền thống lễ nghi khô cứng không phải là sự sống sung mãn như lời hứa của Đức Chúa Giêxu Christ đối với bầy chiên. Vì vậy một danh xưng Ta Là nữa được bày tỏ rằng Đức Chúa Giêxu là Người Chăn Hiền Lành.
Sự khác nhau giữa người chăn tốt với kẻ chăn thuê là rõ ràng khi kẻ chăn thuê bỏ chiên chạy trốn, không lo nghĩ đến đàn chiên, để muông sói cắn nuốt chiên, làm cho bầy tan tác (12-13). Đức Chúa Giêxu xưng Ngài là Người Chăn Tốt vì Ngài biết chiên Ngài và chiên biết Ngài. Ngài ví sự quen biết giữa chiên với Ngài “cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy” (14-15). Sự biết nầy rất khác với mối tương quan giữa tín đồ của các tôn giáo loài người với giáo chủ của họ. Đức Chúa Giêxu không loại trừ một ai; vì Ngài “còn nhiều chiên khác không thuộc chuồng nầy.” Ngài phải dẫn chúng về và họ sẽ nghe theo tiếng Ngài, để “chỉ có một bầy chiên với một Người chăn” (16); tức là đem những người hiện đang có quan điểm sai lầm về đạo của Ngài vì bị lừa dối bởi giáo lý sai lạc, không hiểu biết chân lý, hoặc người đang theo các tôn giáo của quỷ dữ do truyền thống tổ tiên trao lại; để họ đều trở thành chiên của Ngài, và chỉ Ngài là Người chăn.
Đức Chúa Giêxu đã tình nguyện hi sinh để cứu rỗi loài người. Vì vậy, Ngài được Đức Chúa Cha yêu mến. Sở dĩ không ai có thể lấy mạng Ngài được, vì Ngài là nguồn của sự sống. Người ta chỉ có thể giết Ngài khi Ngài bằng lòng chịu chết. Việc Ngài sẵn sàng hi sinh là hành động bày tỏ ân điển thiên đàng mà xưa nay cả cõi vũ trụ lẫn linh giới chưa từng thấy (17–18). Những lời nói lạ lùng, đầy quyền năng nầy khiến cho nhiều người nghe phải lập quyết định. Những người cứng cổ không thể hiểu lời sự sống thì cho là Đức Chúa Giêxu bị quỷ ám, điên cuồng. Những người sáng suốt hơn đã nói đúng: “Người bị quỷ ám đâu nói được những lời ấy!” (19–21). Dù họ đã chia phe, vẫn còn những người thắc mắc và chất vấn Đức Chúa Giêxu khi Ngài đi trong khuôn viên đền thờ (22–24). Họ muốn Ngài nói rõ Ngài là Đấng Christ, thay vì cứ dùng các ẩn dụ “Ta Là.”
Người nào nghe Lời Chúa mà không hiểu là vì người ấy không tin, không chịu quan sát các dấu kỳ phép lạ Ngài đã làm để chứng thực cho lời Ngài nói (25). Họ cũng không phải là chiên của Chúa. Nếu là chiên của Chúa thì phải nghe và quen thuộc tiếng nói của Ngài (26–27). Một giáo lý hiện đang hoành hành, lừa dối dựa vào câu: “Ta cho chúng sự sống vĩnh cửu, chúng chẳng bao giờ bị hư vong, và chẳng ai có thể cướp chúng khỏi tay Ta” (28). Giáo lý nầy nói rằng hễ ai đã từng tin Chúa thì dầu cho có phạm tội gì hoặc sống yếu đuối ra sao vẫn được cứu rỗi. Lời Chúa nói ở chỗ nầy cũng như nhiều phần khác của Kinh Thánh không đồng ý với lập luận ấy (25-29).
Để biết chắc chắn được cứu rỗi thì trước hết người theo đạo phải là chiên thật của Đức Chúa Giêxu, sẽ tin những việc Ngài thực hiện là đến từ Đức Chúa Trời. Kế đến chiên phải có khả năng hiểu Kinh Thánh và nhận ra lời Chúa phán cho riêng mình. Nghĩa là nhận ra tiếng Chúa và được Chúa quen biết. Chiên lại phải kinh nghiệm về sự sống đời đời Chúa đã ban và biết chắc mình sẽ không bao giờ bị hư vong; không phải là loại chiên sống đạo yếu đuối, bạc nhược và không kết quả. Cuối cùng chiên ấy phải do Đức Chúa Cha giao cho Đức Chúa Giêxu. Không ai có thể cướp nổi loại chiên đó ra khỏi tay Đức Chúa Giêxu. Người nào thiếu các phẩm cách vửa nói, thì dù có theo đạo, vẫn không phải là chiên của Chúa; nên sự tin đạo ấy không bảo đảm sẽ được cứu rỗi.
Lời phán “Ta với Cha là một” (30) trong bối cảnh nầy, là để xác định sự an toàn cho những ai được làm chiên của Chúa. Kế hoạch cứu chuộc nhân loại là một sự phối hợp hoàn hảo giữa Ngài với Đức Chúa Cha. Cha và Con có đồng bản thể, thuộc tính, quyền phép, và vinh quang. Câu hỏi của Đức Chúa Giêxu làm bộc lộ ý tưởng của người Giu-đa vẫn không tin Ngài đến từ trời (31–33). Và những lời phân tích của Ngài cũng làm cho kẻ thù cứng họng (34–36). Ngài nhắc lại sự thật về việc Ngài là Đấng đến từ trời, và nhắc lại những việc quyền năng Ngài đã thực hiện, để chứng tỏ tâm địa cứng cỏi của những người quyết lòng không tin (36-38). Người ta có thể không tin lời nói của ai đó, nhưng nếu có những việc đầy quyền phép đã được thực hiện để chứng minh cho lời đã nói, thì người nào có thái độ không tin sẽ bộc lộ tinh thần vô tín trong người đó.
Thời ấy, nhóm người Pharisi đã cứng cỏi không tin Đấng đã đến từ trời để cứu chuộc họ, dù đã thấy trước mắt các phép lạ chỉ có thể do bàn tay Đức Chúa Trời thực hiện, thì ngày nay vẫn có một giới người tự nhận là con dân của Đức Chúa Trời nhưng hoàn toàn không tin các việc quyền năng mà Đức Thánh Linh đang dùng con dân Ngài thi thố khắp nơi trên thế giới. Mỗi khi nghe ai kể lại những việc đó, họ cho rằng người ta đang kể chuyện thần thoại đời xưa hay chuyện bịa đặt không đáng để ý tới. Đức Chúa Giêxu thì nói “dù các ông không tin Ta, hãy tin công việc Ta, và nhờ đó các ông mới biết và hiểu rõ được là Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (38).
Khi Chúa chưa cho phép thì không ai bắt được Ngài (39). Những người biết lẽ phải và tin lời Giăng Baptist làm chứng về Đức Chúa Giêxu, đã đi theo Ngài sang bên kia sông Giô-đanh để tin nhận Đấng Mết-sai-a của họ (40–42). Giăng không làm phép lạ nhưng lời chứng vô cùng hữu ích.
PhucAmGiang20.docx
Rev. Dr. CTB