Phúc Âm Giăng, bài 27
Giăng 14:1–15
Sau khi Đức Chúa Giêxu rửa chân cho các môn đồ của Ngài và tâm sự với họ, họ mới thấy được tình yêu thương đặc biệt mà Ngài dành cho họ. Điều đó được thể hiện qua việc Ngài muốn họ được ở gần bên Ngài luôn (3). Khi Ngài nói với họ lời dặn dò: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa” (1) thì câu ấy có nghĩa là khi các con thấy việc dữ xảy ra cho Ta thì đừng bối rối. Hãy nhớ lại lời hứa của Đức Chúa Trời và tin quyền phép của Ngài, cũng hãy tin Ta là Đức Chúa Trời. Sở dĩ Ngài nói như vậy là vì Ngài biết môn đồ mình sẽ thất vọng, ngã lòng khi thấy Ngài bị bắt, đánh đập, và đóng đinh trên thập tự giá. Họ đã theo Ngài với hi vọng tràn trề về tương lai huy hoàng, đã chứng kiến Ngài thực hiện rất nhiều phép lạ cùng uy quyền của Ngài trên linh giới và cõi thiên nhiên. Họ hi vọng rằng khi Ngài lên làm vua, thì họ sẽ trở thành các quan quyền có địa vị cao trọng. Nhưng bây giờ thì Thầy họ cho biết rằng Ngài sẽ bị bắt, chịu khổ hình, bị giết chết, và sẽ lìa họ đi xa. Sự thất vọng chán chường của họ sẽ lớn biết chừng nào nếu không có lời hứa vững chắc từ miệng Thầy!
Đức Chúa Giêxu biết các môn đồ Ngài sẽ thắc mắc tại sao trước giờ chịu thương khó sẽ diễn ra Ngài không thi thố quyền phép như Ngài đã từng làm. Ngài cũng biết họ chưa hiểu chương trình cứu chuộc lạ lùng của Đức Chúa Cha, và đức tin họ sẽ bị lung lay dữ dội; cho nên, Ngài phán trước rằng: “Hãy tin Đức Chúa Trời,” nghĩa là hãy tin quyền phép, lời hứa và chương trình khôn sáng vô cùng của Đức Chúa Trời; “cũng hãy tin Ta là Đức Chúa Trời nữa;” nghĩa là quyền phép Ngài không có gì thay đổi, vẫn còn nguyên. Đức Chúa Giêxu cho họ biết Ngài phải lìa họ đi xa là để sửa soạn chỗ ở cho họ trong nhà Cha, là nơi có nhiều chỗ ở (2), và sau khi chuẩn bị sẵn sàng thì Ngài sẽ trở lại để rước họ cùng đi để được ở luôn với Ngài. Qua những lời dặn dò và từ giã của Chúa, các môn đồ hiểu rằng Chúa sẽ vắng mặt lâu dài (3).
Mặc dù Đức Chúa Giêxu Christ đã nhiều lần nói rõ về mối liên hệ giữa Ngài với Đức Chúa Cha (Giăng 8); cũng đã nhiều lần cho họ biết rằng Ngài được Cha sai đến trần gian (Giăng 6: 26, 27, 33, 37, 38, 46, 51, 57, 62); và dù Phierơ đã công nhận Ngài là Đấng Christ của Đức Chúa Trời (6:68–69), các môn đồ của Chúa vẫn chưa hiểu rõ vấn đề. Họ vẫn luôn mang mối hi vọng rằng Ngài sẽ lật đổ ách đô hộ của người Lamã và phục hồi vương quốc Israel hùng cường; còn họ là những người theo Ngài thì sẽ được ban thưởng xứng đáng. Khi Chúa nói chẳng những họ biết nơi Ngài đi mà cũng biết đường đi nữa: “Và Ta đi đâu, các con biết đường đi đến đó” (4). Thô-ma, người rất đa nghi và nhạy phản ứng, hỏi liền: “Chúng con không biết Chúa đi đâu, làm sao biết đường được?” (5). Câu trả lời của Đức Chúa Giêxu là lời tuyên bố về nền tảng chân lý phúc âm: “Ta là Con đường, Chân lý, và Nguồn sống. Nếu không qua Ta, không ai đến với Chúa Cha được. Một khi đã biết Ta, các con cũng biết Cha Ta nữa. Từ nay các con biết Ngài và đã thấy Ngài.” (6–7).
Nếu Đức Chúa Giêxu đã tiết lộ là không một người nào có thể tự mình đến nơi Ngài đi; vậy, ai muốn tới chốn ấy, thì chỉ có thể đến được bằng cách theo Ngài, qua Ngài, hoặc nhờ Ngài dẫn đường mà thôi. Lời tuyên bố của Đức Chúa Giêxu không phải là một tiết lộ bình thường, mà là lời công bố rằng Ngài chính là Đấng Tối Thượng duy nhất. Đức Chúa Giêxu Christ, Ngôi Lời Nhập Thể, chính là Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo vạn vật và ban sự sống cho muôn loài. Vì vậy Ngài là Đấng cầm giữ sự thật, là chân lý, và là nguồn của sự sống trên khắp vũ trụ. Trong khi đó, lời nói lịch sự của Philíp bộc lộ rằng dù họ là môn đồ đã theo Chúa nhiều năm, họ vẫn chưa tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Mặc dầu ông nói rất lễ phép: “Lạy Chúa, xin chỉ Chúa Cha cho chúng con, là chúng con mãn nguyện” (8); nhưng thật ra ý của ông là cách nói ngoại giao: “Chúa ơi, Ngài tự xưng là Đức Chúa Trời thì khó tin lắm. Nếu Ngài thật sự từ Đức Chúa Cha sai đến, thì chỉ cần giúp chúng tôi thấy Đức Chúa Cha là đủ rồi.”
Đức Chúa Giêxu bộc lộ nỗi thất vọng của Ngài về các môn đồ mình (9–11). Họ đã đi theo Ngài nhiều năm, đã nhiều lần chứng kiến quyền phép siêu nhiên phi thường của Ngài, được nghe biết bao nhiêu lời Ngài nói cho họ biết rằng Ngài từ Đức Chúa Cha được sai đến trần gian. Thế mà những người gần gũi Ngài nhất vẫn chưa hiểu Ngài là Lời của Đức Chúa Cha, nghĩa là chính Đức Chúa Cha lấy xác thịt loài người đến sống giữa họ để bày tỏ cho họ biết Đức Chúa Trời là ra sao. Ngài trách, nếu họ không tin Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài, hai thân vị chỉ là một, thì hãy tin qua quyền phép Ngài làm: “Con không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao? Những lời Ta nói với các con không phải Ta tự nói, nhưng đó là công việc của Đức Chúa Cha, Đấng ở trong Ta. Hãy tin Ta: Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta. Nếu không, hãy tin vì công việc Ta làm” (10–11). Đây cũng là chỗ để chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa chữ Ngôi Lời. Những lời nói và dạy dỗ của Con Người Giêxu không phải do Ngài tự nói, nhưng từ Ngôi Lời ở trong Ngài.
Ba câu kế tiếp là lời chỉ dẫn về cách để giúp người thân quen với mình tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời: “Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho, để Chúa Cha được tôn vinh bởi Con Ngài” (13). Nghĩa là Đức Chúa Giêxu sẽ thực hiện bất cứ việc gì chúng ta nhân danh Ngài mà cầu xin, miễn rằng việc đáp lời đó sẽ làm sáng danh Đức Chúa Cha. Như thế Ngài sẽ thực hiện các lời cầu xin nào của chúng ta? Hay, những lời cầu xin nào sẽ được đáp ứng để Đức Chúa Cha được tôn vinh? Cha đã được tôn vinh trên thiên đàng, chỉ chưa được tôn vinh giữa người chưa tin Chúa. Vậy bất cứ lời cầu xin nào cho nhu cầu khẩn thiết của người chưa tin sẽ được nhậm để phép lạ phải xảy ra, và người ta sẽ ca ngợi quyền phép của Đức Chúa Trời qua Danh Đức Chúa Giêxu Christ. Vì thế Chúa hứa rằng: “Ai tin Ta sẽ làm việc Ta làm, lại làm việc lớn hơn nữa” (12). Làm những việc Chúa làm tức là nhân danh Ngài trị bệnh, đuổi quỷ, và xin cho những dấu kỳ phép lạ phải xảy ra. Đây là cách dâng người thân quen của mình lên cho Đức Chúa Trời trước khi giới thiệu Đức Chúa Trời cho họ. Người ta phải kinh nghiệm tình yêu và quyền phép của Chúa trước khi họ có thể tin Ngài để tiếp nhận Ngài.
Đức Chúa Giêxu nói lý do mà người tin sẽ làm được việc Ngài làm, thậm chí có thể làm việc lớn hơn nữa là “vì Ta đi về với Chúa Cha” (12b). Ý thứ nhất của lý do nầy là: “Bởi vì khi Ta vắng mặt, các con cần phải có quyền năng để duy trì cho công việc khỏi bị tổn hại.” Ý thứ hai là “Khi Ta đi về với Chúa Cha, Ta sẽ trang bị cho các con quyền năng ấy bằng cách sai Đấng An Ủi đến để mặc lấy quyền phép cho các con.” (Trước khi về trời, Đức Chúa Giêxu lại nói cho các môn đồ biết họ sẽ được trang bị quyền phép ấy để làm chứng nhân cho Ngài, khi Đức Thánh Linh giáng trên họ, Công vụ 1:8). Những việc kỳ diệu, mà người tin Đức Chúa Giêxu nhân danh Ngài làm, là một phần của vinh quang mà Đức Chúa Giêxu nhận được khi Đức Chúa Trời ban cho Ngài danh vinh quang trên hết mọi danh và tôn Ngài lên cao hơn hết trên trời và cả dưới đất (Philíp 2:9–11).
Những lời hứa của Đức Chúa Giêxu sẽ được thực hiện khi con dân Ngài làm theo điều kiện Ngài đưa ra: “Nếu các con nhân danh Ta cầu xin điều gì, Ta sẽ làm điều đó” (14). Mọi lời cầu xin muốn được nhậm đều phải được cầu xin qua danh Đức Chúa Giêxu. Bời vì ngoài Ngài thì không ai có thể đến với Đức Chúa Cha. Chúa cũng cho biết một dấu hiệu rất rõ ràng mà người yêu mến Ngài sẽ có. Chữ ‘nếu’ nói về các điều kiện. Người ta có thể nói hay phô trương cho người ta thấy mình có lòng yêu mến Chúa. Nhưng Đức Chúa Giêxu thì biết rõ người thật lòng yêu mến Ngài. Dấu hiệu đó là sự giữ gìn các điều răn của Ngài. “Nếu các con yêu mến Ta, thì vâng giữ điều răn Ta” (15). Vâng giữ nghĩa là phải thường xuyên đem ra áp dụng. Đức Chúa Giêxu đã truyền cho các môn đồ một điều răn mới để họ áp dụng; đó là họ phải biết yêu thương nhau, vì ấy chính là dấu hiệu để người đời nhận biết họ là môn đồ của Ngài (Giăng 13:34–35).
Đức Chúa Giêxu đề cập rất nhiều về tình yêu thương, là điều răn các môn đồ phải vâng giữ; đồng thời nó còn là biểu hiện về mối liên hệ giữa họ với Chúa nữa.
PhucAmGiang27.docx
Rev. Dr. CTB