Phúc Âm Giăng, bài 04
Sự Sáng Thật
Giăng 1:6–11
Ngôi Lời là tư tưởng, trí tuệ, sự khôn ngoan, và Lời nói của Đức Chúa Trời. Lời ấy cũng là sự sống vì chính Lời đã tạo nên vạn vật và ban sự sống cho mọi thứ tạo vật. Sự sống ấy chính là Ánh sáng của loài người, nghĩa là Ngôi Lời đã ban sự sống biết suy nghĩ, có tư tưởng, cho nhân loại. Lời hằng sống của Đức Chúa Trời là ánh sáng đã soi vào cõi tối tăm trong lương tâm thiên nhiên của loài người, nhưng loài người không thấu hiểu nổi ánh sáng ấy; và tối tăm cũng không thể lấn át nổi sự sáng. Để sửa soạn cho Ngôi Lời mang sứ điệp của Đức Chúa Trời vào thế gian nầy, Đức Chúa Trời đã sai một sứ giả đi trước để dọn đường cho Lời Sự Sống đến.
“Có một người được Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng” (6). Sứ giả được sai đến thế gian là một người, khác với Đức Chúa Giêxu Christ là Lời hiện hữu cùng Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Trời. Khi nói về Giăng Baptist thì câu nầy nói rõ ông ấy là một người thuộc nhân loại được sai đến để làm một sứ giả “Nầy Ta sai sứ giả Ta, người sẽ dọn đường trước mặt Ta; và Chúa mà các ngươi tìm kiếm sẽ thình lình vào trong đền thờ Ngài, tức là thiên sứ của sự giao ước mà các ngươi trông mong. Nầy Ngài đến, ĐứcGiêhôva vạn quân phán vậy” (Malachi.3:1). Giăng Baptist được sai đến thế gian, sống cách dị thường, mặc áo dệt bằng lông lạc đà và thắt lưng da đã khiến người Giuđa phải chú ý, vì ông gợi lại hình ảnh của tiên tri Ê-li khi xưa.
Tất cả các phần ký thuật về Giăng Baptist trong các sách phúc âm đều không nói Giăng làm bất cứ phép lạ nào, cũng không có thị tượng hay khải thị gì hết. Mọi lời chứng của Giăng đều hướng về Đức Chúa Giêxu: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng gánh tội lỗi của nhân loại. Đây chính là Đấng tôi đã nói: ‘Có một Người đến sau tôi, cao cả hơn tôi, vì Ngài hiện hữu trước tôi” (29-30). Người ta đã tìm đến học Giăng qua cách sống cũng như giáo lý khắc khổ và thanh sạch của ông. Sở dĩ chúng ta có thể xác nhận rằng ông được Chúa sai đến, bởi vì cách sống và giáo lý ấy có ý hướng biến đổi xã hội, và làm hồi sinh sự quan tâm của người Dothái về Nước của Đức Chúa Trời ở giữa loài người.
“Ông đến như một nhân chứng, để chứng thực về Ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin” (7). Các chứng cớ về Đức Chúa Trời thì luôn rõ ràng trong thiên nhiên (Công vụ 14:17). Nhưng lời chứng về Đấng Chuộc Tội thì chưa có. Đức Chúa Trời có hứa phán cho người Dothái rằng sẽ có một đấng MếtSaia được ban xuống để giải thoát họ và làm Vua trên cả thế gian. Thế mà suốt 400 năm trước khi Giăng Baptist sinh ra, thì trên trời hoàn toàn im lặng, dân Do-thái không được ban cho bất cứ một lời nào về Đấng Cứu Thế ấy. Bây giờ Giăng được sai đến để làm chứng về Ngài tức là chứng thực về Ánh sáng. Danh từ chứng cớ được viết 14 lần trong các sách phúc âm, riêng sách Giăng dùng đến 10 lần. Động từ làm chứng được sách Giăng dùng 31 lần trong số 33 lần của tất cả các sách phúc âm. Và sách Giăng dùng tới 98 lần chữ tin.
Ánh sáng chẳng cần ai chứng thực cho. Nhưng “Ánh sáng chiếu rọi trong bóng tối, nhưng bóng tối không thu nhận (hiểu thấu) Ánh sáng” (5). (Bản dịch khác: sự tối tăm không thể dập tắt ánh sáng). Như đã biết về mặt vật lý, ánh sáng là vô hình; cần phải có vật thể có khả năng phản chiếu ánh sáng thì mắt loài người chúng ta mới biết có ánh sáng hiện diện. Lòng người ta trong thế giới tối tăm đã bị thêm tăm tối vì đầy mọi thứ tội lỗi; cho nên không có khả năng phản chiếu ánh sáng. Cách sống và giáo lý thanh sạch của Giăng có khả năng phản chiếu sự sáng. Giăng là người thức canh trong đêm tối đi rao báo khắp nơi về ánh sáng ban mai sắp ló dạng. Nhiệm vụ của Giăng là báo tin cho những người đang nhắm mắt không muốn thấy ánh sáng chân lý, rằng: Đấng MếtSaia mà họ đang mong đợi đã đến rồi.
Giăng đã được sai đến dọn đường để qua ông ai nấy đều tin vào Đấng là Ánh sáng thật sẽ tới nay mai. Không phải tin Giăng là Đấng ấy, nhưng tin Đấng đến sau ông là Chúa Cứu Thế. Giăng dùng cách sống của mình để giảng giáo lý về sự ăn năn tội lỗi; nhiệm vụ của ông là chuẩn bị một dân sẵn lòng hoan hỉ tiếp nhận Đấng Cứu Thế và phúc âm của Ngài, bằng cách khiến họ mở mắt ra thấy tội ác của họ là trầm trọng. Người đọc được nhắc nhở rằng “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông làm chứng về Ánh sáng” (8). Nhiệm vụ của Giăng là phản chiếu sự sáng; cho nên, ông nói trong các đoạn tiếp theo về thân phận và bổn phận của ông là người dọn đường. Làm chứng hoặc phản chiếu sự sáng là nói ra những gì mình thấy và biết rõ. Các ngôi sao mà chúng ta thấy gần mình nhất và sáng nhất đều là các hành tinh tự chúng không phát sáng mà chỉ phản chiếu ánh sáng mặt trời. Giăng Baptist là hình bóng về các tín hữu trong Hội-thánh Chúa được thành lập sau nầy, những người làm chứng lại những gì mình đã nhận biết, thấy, nghe, và kinh nghiệm.
“Ánh sáng thật xuống thế gian chiếu sáng mọi người” (9). Ánh sáng thật hay nguồn sự sáng ở đây là Đức Chúa Giêxu Christ. Ngài là nguồn của mọi thứ tri thức. Các tia sáng từ Ngài chiếu xuống trần gian tăm tối khiến trần gian chúng ta được soi sáng về các thứ hiểu biết mà trước đây loài người chưa hiểu nổi. Đức Chúa Giêxu đã soi sáng mọi người bằng ánh sáng của lẽ phải. Tất cả những sự khám phá và những sự chỉ dẫn về lẽ phải, mọi hạnh phúc mà lẽ phải đem lại với tất cả vẻ cao quý của lẽ phải đều từ Đấng Cứu Thế mà đến. Đấng Christ là sự sáng đã soi sáng mọi dân tộc; phúc âm vĩnh cửu của Ngài được giảng ra cho mọi dân và mọi thứ tiếng. Giống như bất cứ ai trên thế giới nầy mở mắt ra đều thấy ánh sáng mặt trời soi sáng cho mình; cũng vậy, ai chịu tiếp nhận phúc âm rao giảng ra cho họ, sẽ nhận lấy sự soi sáng lẽ phải của Đức Chúa Giêxu trên cuộc đời họ.
Trước kia đã có vài người tự xưng là thầy dạy các triết lý, giới răn, để sửa những sai sót của nhân loại, nhưng họ đều đã bị sự tối tăm dập tắt. Họ đều đã chết, không thể tự cứu mình, và cũng không tìm ra được con đường đi đến chân lý mà họ mong mỏi. Khi Đức Chúa Giêxu đến, không thế lực nào có thể dập tắt nổi Ánh sáng mà Ngài đã đem lại. Cho tới nay, Ánh sáng thánh ấy vẫn tiếp tục soi sáng cho trần thế thấy mọi sai lầm của họ. Nghĩa là hễ ai nhìn vào Đức Chúa Giêxu sẽ thấy vinh quang của sự thánh khiết thiên đàng mà Ngài đem đến. Ánh sáng thánh ấy làm bộc lộ tất cả các thiếu sót, ô uế và sai lầm của những điều mà loài người cho là thanh sạch. Sứ đồ Phaolô có viết: “Đức Chúa Trời là Đấng đã phán: ‘Ánh sáng phải soi chiếu trong nơi tối tăm,’ Chính Ngài soi sáng lòng chúng tôi, khiến chúng tôi ý thức được vinh quang Đức Chúa Trời hằng chiếu sáng trên gương mặt Đấng Christ.” (2Côrinhtô 4:6).
“Ngài ở trong thế gian, và chính thế gian do Ngài tạo dựng; nhưng thế gian không nhận biết Ngài” (10). Thảm cảnh của người trần gian là không hiểu nổi sự sáng, kém đến nỗi không nhận ra Đấng đã tạo dựng nên mình. Con của Đấng Tối Cao đã xuống trái đất thấp hèn; Ánh sáng đã vào nơi tối tăm. Vì người trần gian nầy do chính Ngài tạo dựng, nên Đấng thánh khiết phải vào trần thế đã bị ô nhiễm tội lỗi, để cứu vớt thế gian đang hư vong. Trần gian đã không nhận ra Chúa bởi vì Ngài không hiện ra theo cách họ mong đợi. Tâm lý loài người tưởng rằng Đấng Tạo Hóa phải xuất hiện bằng hào quang và oai nghi. Vương quốc của Chúa không đến cách rõ ràng cho người ta thấy được, vì đó là một vương quốc của sự thử thách lòng người (Luca 17:20–21). Sau nầy, khi Chúa đến bằng cương vị Đấng Phán Xét thì lúc ấy thế gian sẽ biết Ngài.
“Ngài đã đến xứ mình, mà dân mình không tiếp nhận” (11). Chúa không chỉ đến thế gian mà thôi, Ngài đến trong xứ của tuyển dân Ngài, là dân Dothái. Dòng họ Lêvi đã được chọn chuyên lo việc tế lễ, nghĩa là một chi tộc thuộc riêng về Đức Chúa Trời. Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm lại là đầu đảng của bọn chống đối và bắt bớ Đức Chúa Giêxu. Dân Do-thái ở thời điểm ấy là một dân tộc bị khinh bỉ và bị trị, vì “Mão triều thiên đã rơi khỏi đầu” họ (Ca Thương 5:16). Mặc dù họ phạm đủ mọi thứ gian ác, và trong tình trạng khốn khổ vì tội ác mình, Chúa vẫn nhớ lại giao ước đã lập với tổ phụ họ, Đấng Christ đã không hổ thẹn xem họ là dân của Ngài. Thế nhưng dân Ngài đã không nhận giáo lý của Ngài, không chịu tiếp nhận Ngài là Đấng MếtSaia. Ngài đã đến để tìm và cứu họ, nhưng họ đối xử lại Ngài thật là vô ơn và ác độc.
PhucÂmGiang04.docx
Rev. Dr. CTB