Thư Philíp, bài 06

Điều Cao Quý Nhất

Philíp 3:1–21

Hội Thánh Philíp đang bị quấy rối bởi những giáo sư của Do-thái-giáo, đem việc giữ luật pháp Môise trộn với các giáo lý về sự cứu chuộc Đấng Christ; vì thế, Phaolô khuyên tín hữu Philíp cảnh giác với những kẻ đang dụ dỗ họ. Ông khuyên “hãy vui mừng trong Chúa” (1), nghĩa là hài lòng về những lợi ích mà họ có được trong Ngài cũng như những phước lành mà họ hi vọng nơi Ngài. Hễ chúng ta càng được thoả mãn với tôn giáo của mình mực nào, thì mình càng gắn bó với tôn giáo ấy hơn chừng nấy: Chúng ta càng vui mừng trong Chúa chừng nào, càng dễ sẵn sàng phục vụ và chịu khổ vì Ngài chừng nấy, và ít cơ nguy bị lôi kéo xa Chúa mình; “vì sự vui vẻ của Đức Giêhôva là sức lực của các ngươi” (Nêhêmi 8:10b).

Phaolô nói rằng: “Tôi phải viết đi viết lại một điều không chán,” ấy là tín hữu phải cẩn thận về các loại giáo sư giả “vì nó là điều an toàn cho anh em” (1). Điều mà ông cứ viết đi viết lại mà không chán là: “Hãy coi chừng loài chó, hãy coi chừng những công nhân gian ác, hãy coi chừng sự cắt bì giả” (2). Người chăn bầy không được chán nản khi phải nhắc đi nhắc lại những gì mình thấy là an toàn và ích lợi cho bầy chiên. Tín hữu sẽ được ích lợi khi được thường xuyên nhắc nhở và củng cố về những điều quan trọng. Chúa lên án các tiên tri giả là “chó câm” và “là chó mê ăn, không biết no” (Êsai 56:10,11). Phaolô gọi các giáo sư giả là loài chó, vì mánh khoé xảo quyệt mà họ dùng chống lại những người dạy phúc âm của Đấng Christ. Họ là ‘công nhân gian ác’ vì xúi giục làm việc lành để chống lại đức tin vào Đấng Christ. Họ quan trọng hoá việc cắt bì, nhưng làm tan nát Hội Thánh, nên sự cắt bì ấy là giả mạo, chỉ là cắt da thịt cách vô nghĩa.

Sự cắt bì thật “là người nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà thờ phượng, hãnh diện trong Đức Chúa Giêxu Christ, và không cậy xác thịt” (3). Sự thờ phượng trong tâm linh trái ngược với các lễ nghi của Cựu Ước bao gồm thịt, rượu tế lễ, và sự tắm rửa bề ngoài. Đức Chúa Giêxu dạy chúng ta “phải thờ lạy Đức Chúa Trời trong tâm linh và chân lý” (Giăng 4:24). “Không cậy xác thịt” nghĩa là không dùng lễ nghi bề ngoài để thờ phượng. Phaolô lấy bản thân làm ví dụ về việc chỉ tin cậy Đấng Christ. Nếu cần lấy xác thịt để hãnh diện, ông có đủ điều kiện hơn những người khác về các đặc quyền Pharisi từ lúc sinh ra, cắt bì vào ngày thứ tám, và được dạy luật bởi giáo sư Gamaliên, đầy lòng nhiệt thành, và không bị chê trách về nếp sống công chính (4–6).

Khi nói rằng “Nhưng những gì vốn có lợi cho tôi, tôi đều vì Đấng Christ coi là thua thiệt”(7), ý ông là nếu duy trì những lợi thế đó, ông đã bị thua thiệt vô cùng vì không được Đấng Christ. Điều ông thấy vô cùng ích lợi và hạnh phúc là “được biết Đức Chúa Giêxu Chist Cứu Chúa tôi, là điều cao quý nhất,” cho nên ông sẵn lòng “vì Ngài, tôi chịu mất tất cả, coi mọi sự đó là rơm rác” (8). Sự “biết Đấng Christ” ở đây không phải là một ý niệm hay tin tưởng vu vơ, mà là một sự hiểu biết thực tiễn và kiến hiệu về Ngài. Như đã chép “Tôi tớ công nghĩa của Ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công chính”(Êsai 53:11). Đạo của Đức Chúa Giêxu vượt lên trên mọi tri thức về thiên nhiên, cải thiện sự khôn ngoan của loài người; bằng ân điển và sự khôn ngoan từ thiên đàng trang bị cho tội nhân những gì họ khát khao, cần thiết và hi vọng. Vì vậy Phaolô chịu mất tất cả, coi mọi lợi thế của ông là rác rưởi.

Phaolô từ bỏ các lợi thế từ quan điểm loài người “để được Đấng Christ, được ở trong Ngài,” giống như đoạt được một giải thưởng. Vì dù có sống hoàn hảo đến đâu đi nữa, khi ứng hầu trước toà án Đức Chúa Trời, vẫn bị kể là tội nhân vì các việc thiện và tuân giữ luật pháp không chuộc được những hành động xấu xa, tội lỗi. Cho nên sự được ở trong Ngài “không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính bởi luật pháp, nhưng nhờ sự công chính bởi tin Đấng Christ, tức là sự công chính của Đức Chúa Trời kể cho, căn cứ trên đức tin” (9); “hầu cho tôi được biết Ngài, và biết quyền năng phục sinh của Ngài,”(10); đức tin chính là sự thông biết; biết Chúa tức là tin cậy Ngài, nhờ vậy mới kinh nghiệm được quyền năng phục sinh của Ngài. Việc “được dự phần trong nỗi thương khó của Ngài, trở nên giống Chúa trong sự chết Ngài” có nghĩa là “đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” (Galati 6:14b). Phaolô đạt đến kết quả là: “và như thế, tôi có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết” (11) qua đức công chính và công trạng của Đấng Christ chứ không phải của ông.

Ông tỏ bày mình là bất toàn: “Không phải tôi đã đạt mục đích hay đã trở nên toàn thiện đâu, nhưng tôi đang bươn bả tiến tới để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Giêxu đoạt lấy rồi” (12). Khi ân điển được ban cho chúng ta nhờ được Đức Chúa Giêxu đoạt lấy, không phải do chúng ta nắm lấy Chúa trước, nhưng là Chúa nắm lấy chúng ta trước; đó là hạnh phúc và sự cứu rỗi của chúng ta, cũng là sự an toàn của chúng ta nữa. Đấng Christ đoạt lấy chúng ta để đem con dân Ngài về thiên đàng. Nghĩa là Ngài nắm lấy chúng ta để đem hạnh phúc toàn hảo đến. Phaolô giải thích: “Tôi không coi mình đã đoạt được giải, nhưng cứ làm một điều: quên hẳn những gì ở đàng sau, lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để nhận phần thưởng Đức Chúa Trời dành cho người được kêu gọi từ trên trời, trong Đức Chúa Giêxu Christ” (13–14). Không phải là quên những tội lỗi cũ chưa ăn năn, hoặc sự nhân từ đã qua.Chúng ta phải nhớ để thường xuyên ăn năn và dâng lời cảm tạ, biết ơn Đức Chúa Trời.

Người chạy đua nhắm đích mà chạy; vẫn tiếp tục chạy đến đích dù đã thấy thiên đàng trước mặt. Giải thưởng sẽ có là “món quà của Đức Chúa trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giêxu Christ” (Rôma 6:23). Đó là ý nghĩ mà mọi tín hữu trưởng thành phải có, cứ tiếp tục tiến dù đang ở mức nào. Hãy bắt chước gương ấy của Phaolô và những người làm theo gương ông để lại (15–17). Có nhiều người mang danh là Cơ-đốc-nhân nhưng sống như kẻ thù của thập tự giá (18). Đặc tính của cách sống ấy là chăm chú phục vụ cái bụng của mình, “lấy điều nhục làm vinh, chỉ nghĩ đến những việc trần tục” (19). Bụng tiêu biểu cho sự ăn uống, tấm lòng, sự suy nghĩ, những điều ham muốn thoả mãn ý thích, quan niệm, thành kiến, hoặc tánh tình trần tục. Phaolô cũng dạy: “Hãy coi chừng những người gây chia rẽ, gây vấp phạm, đi ngược giáo lý anh em đã học hỏi; hãy lánh xa những người đó. Những người như thế không phục vụ Đấng Christ, Chúa chúng ta, nhưng phục vụ cái bụng của họ, dùng lời ngọt ngào tâng bốc để lừa dối những người nhẹ dạ” (Rôma 16:17–18).

Một bài giảng đã giảng rồi có thể phải được giảng lại trong nước mắt. Những gì vẫn thường nói có thể phải nói lại nhiều lần nữa, nếu phải nói trong tình cảm thương yêu. Vì nhiều người vẫn chưa bằng lòng cho Đức Thánh Linh biến đổi mình thành con người mới, vẫn để cho tâm tính cũ cai trị mình. Hãy cố gắng nhờ quyền phép Chúa trị phục cái lưỡi độc địa của mình (Giacơ 3:1–12). Bởi vì nếu không làm thì những người lấy cái bụng làm chúa mình “cuối cùng, họ sẽ hư vong.” Để thực hiện mục tiêu nầy, cần phải áp dụng câu: “Đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy.

Sở dĩ chúng ta phải tránh không phạm tội vừa nói ở trên, bởi vì “chúng ta là công dân nước trời,” khác hẳn người trần gian chưa biết Chúa. Hãy chứng tỏ mình đã được đổi mới qua lời nói, việc làm chứng minh được là “chúng ta nóng lòng mong chờ Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Giêxu Christ” (20) trở lại thế gian gặp chúng ta. Người thật lòng muốn gặp Chúa thì không thể để cái bụng làm chủ mình. Chẳng lẽ chúng ta cứ tiếp tục “làm những việc mà ngày nay phải xấu hổ. Vì cuối cùng, các việc ấy chỉ dẫn đến cái chết” (Rôma 6:21).

Chúng ta nóng lòng mong chờ Đức Chúa Giêxu Christ đến “biến hoá thân thể hèn yếu của chúng ta ra giống thân thể vinh quang của Ngài,” vì Ngài có “quyền năng tể trị vạn vật” (21). Có một hi vọng vinh quang dành cho thân thể của mọi thánh đồ. Vào ngày Chúa trở lại, ngày diễn ra sự sống lại thứ nhất (Khải Huyền 20:5–6), khi mọi thánh đồ còn sống sẽ cùng với vô số thánh đồ đã qua đời được biến hoá thành thân thể bất tử, bất hoại của nước thiên đàng (1Côrinhtô 15:52–53).

Philip06.docx

Rev. Dr. CTB