Thư Philíp, bài 04

Học Theo Gương Đức Chúa Giêxu

Philíp 2:1–11

Trong phần nầy, vị sứ đồ nói thêm những lời khuyên giục về các bổn phận của Cơ-đốc-nhân. Ông dành phần lớn cho sự đồng lòng hợp ý và tâm tình khiêm tốn theo gương Đức Chúa Giêxu, một gương vĩ đại về sự hạ mình và yêu thương. Lời khuyên răn của phúc âm được truyền lại cho chúng ta là hãy biết yêu thương lẫn nhau. Đây cũng là luật lệ của Vương-quốc Đấng Christ, môn học ở trường của Ngài, và là cách sống của gia đình Ngài. Để thực hiện mục tiêu ấy, ông khuyên tín hữu ‘hãy đồng lòng hợp ý với nhau, cùng một tình thương, một tinh thần, một mục đích” (2). Chúng ta sẽ có đồng một tinh thần khi chúng ta có cùng một thứ tình yêu thương.

Cơ-đốc-nhân nên có cùng một thứ tình cảm yêu thương; dù có đồng sự hiểu biết hay không, thì mỗi người vẫn phải có bổn phận yêu thương nhau. Tình thương mà tín hữu dành cho nhau, thì người kia cũng phải yêu thương lại bằng thứ tình thương ấy. “Một tinh thần, một mục đích” là không ai tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng nhất trí với nhau về những việc vĩ đại của Đức Chúa Trời, và giữ gìn sự hợp nhất của Đức Thánh Linh trong những vấn đề chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Người ta không thích nghe về trách nhiệm hay bổn phận. Nên, Phaolô rất nhẹ nhàng khích lệ họ về tình yêu thương huynh đệ được thể hiện qua sự chân thành, đồng thời nó là phương tiện để bảo tồn và gây dựng thân thể của Đấng Christ. Ông đưa ra những lý do xác đáng:

Nếu “trong Đấng Christ có sự khích lệ” nào (1). Sự khích lệ bởi Đấng Christ mà biểu hiện là tình yêu thương đối với anh em cùng đức tin. Sự ngọt ngào qua giáo lý của Ngài phải làm ngọt ngào tâm linh chúng ta. Chẳng thể tìm thấy sự khích lệ ấy ở bất cứ nguồn nào khác. Người nào thật lòng nương cậy Đấng Christ sẽ nhận được sự khích lệ mạnh mẽ từ Ngài “…chúng ta là những người đã chạy đến ẩn náu nơi Chúa, được khích lệ mạnh mẽ để nắm lấy hi vọng đã đặt trước mặt chúng ta” (Hêbơrơ 6:18b). “Có niềm an ủi do tình yêu thương” là sự an ủi của tình yêu thương Cơ-đốc, do chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và Ngài yêu thương chúng ta; Phaolô nói rằng nếu đã được an ủi thì hãy suy nghĩ về điều ấy mà đồng lòng hợp ý với nhau.

Nếu “có mối thông công của Thánh Linh”(1), nghĩa là do đồng một Đức Thánh Linh mà hiệp thông với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ, cũng như hiệp thông với các thánh đồ khác thì hãy đồng lòng hiệp ý với nhau. Bởi vì tình yêu thương và sự hiệp nhất Cơ-đốc sẽ gìn giữ mối tương giao của chúng ta với Chúa và với nhau. “Có lòng nhân từ thương xót” nào của Đức Chúa Trời và Đấng Christ mà chúng ta đã hưởng chăng? Nếu chúng ta mong mỏi nhận được những lợi ích từ sự thương xót của Đức Chúa Trời cho mình, thì hãy có lòng nhân từ thương xót lẫn nhau vậy. Ông cũng nêu ra một lý do nữa là “anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn” (2). Người chăn bầy luôn luôn vui mừng khi thấy anh chị em tín hữu hiệp một và yêu thương nhau.

Phaolô đề nghị vài phương cách để đạt đến mục đích trên (2b) là: “Đừng làm việc gì vì tham vọng cá nhân hay vì hư vinh” (3). Không kẻ thù nào tệ hại đối với tình yêu thương Cơ-đốc hơn là sự kiêu căng và tham vọng. Nếu ai toan tính thực hiện thủ đoạn để nghịch anh chị em mình trong Chúa vì lòng tị hiềm, ganh ghét; lấn ép vì sợ người khác được ưa chuộng hơn mình, thì đó là vì tham vọng cá nhân và hư vinh; hai thứ đó huỷ phá tình yêu thương Cơ-đốc, khơi dậy ngọn lửa tranh chấp độc hại. Đấng Christ đã đến để “tiêu trừ mối hận thù” (Êphêsô 2:15), thì những ai tự xưng là con dân Ngài không thể để cho sự thù nghịch xảy ra giữa anh em mình với nhau. Hãy ném bỏ tinh thần kiêu căng, tự phụ mà “hạ mình khiêm tốn, coi người khác là hơn mình.

Dù cho sự tự xét cách nghiêm khắc với bản thân và xét đoán người khác cách nhân ái là khó, nhưng mọi con dân Chúa phải luyện tập tinh thần khiêm tốn, hạ mình, nhanh chóng nhận ra lầm lỗi và sai trái của bản thân; bỏ qua và cảm thông các nhược điểm của những anh chị em khác. Chúng ta cần phải biết kính trọng điều thiện hảo trong anh chị em khác hơn là chú trọng vào các ưu điểm của chính mình. Đồng thời “đừng chỉ biết quyền lợi của mình, nhưng cũng hãy nghĩ đến quyền lợi người khác nữa” (4), vì một tinh thần ích kỷ sẽ huỷ phá tình yêu thương trong Chúa. Sợ người khác giỏi hơn hay được ưa chuộng hơn mình là tinh thần đến từ tánh xác thịt và ma quỷ.

Gương mẫu được nêu ra để chúng ta làm theo là: “Hãy có một tâm tình giống như Đức Chúa Giêxu Christ” (5); tín hữu phải biết tâm trí của Đấng Christ để bắt chước theo Ngài. Nếu ai muốn nhận các lợi ích của sự chết Ngài thì phải sống giống như Ngài. Vì “nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, người đó không thuộc về Đấng Christ” (Rôma 8:9b). Đức Chúa Giêxu bộc lộ tâm tình của Ngài là: “Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng; hãy mang lấy ách của Ta và học theo Ta, các con sẽ được an nghỉ trong tâm hồn” (Mathiơ 11:29). Nếu chúng ta có tâm tình khiêm tốn, thì cũng phải có tâm tình giống như Ngài: “Ngài vốn có hình thể của Đức Chúa Trời, nhưng không coi sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều phải nhất mực duy trì, nhưng Ngài đã tự trút bỏ tất cả, nhận lấy thân nô lệ, trở nên giống như loài người” (6–7).

Đức Chúa Giêxu Christ có hai bản thể, thần tánh và nhân tánh, “Ngài vốn có hình thể của Đức Chúa Trời,” là Đấng vĩnh hằng và là Con Một của Đức Chúa Trời, như Giăng tiết lộ: “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời hiện hữu cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Ngài cũng “là hiện thân của Đức Chúa Trời vô hình” (Côlôse 1:15), và “là sự chói sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời, là hiện thân của bản thể Ngài” (Hêbơrơ 1:3). Về nhân tánh thì “Ngài trở nên giống như loài người…. Mang hình dạng của con người” (6, 8). Trong nhân loại chưa có ai từ bỏ vinh quang tột đỉnh mình đang có để nhận lấy thân phận thấp hèn nhất trong loài người. Chỉ có Đức Chúa Giêxu Christ từ ngôi vị cao nhất trên thiên đàng, sẵn lòng “tự trút bỏ tất cả,” để xuống thế gian khoác lấy hình thể thấp hèn của loài người so với vinh quang cõi trời. Điều đó đưa Ngài đến hai tình trạng: Tự khiêm tốn hạ mình xuống và được Chúa Cha tôn cao.

Ngài không chỉ xuống mang hình dạng của con người, mà còn “nhận lấy thân nô lệ!” Nghĩa là thân phận thấp hèn nhất trong loài người; lớn lên trong một gia đình tầm thường làm nghề thợ mộc. Trọn đời Ngài trên đất sống nghèo cực, thấp thỏi và nhục nhã; thậm chí “không có chỗ gối đầu” (Luca 9:58). “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem” (Êsai 53:3). Nơi tột cùng của nỗi nhục nhã Ngài đã chịu là “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (8b). Tuân phục luật pháp, Ngài tự đặt mình vào vai trò trung bảo có nhiệm vụ chịu chết đền tội cho nhân loại bởi một cái chết bị nguyền rủa, cực kỳ đau đớn và nhục nhã, chỉ dành cho tầng lớp nô lệ.

Cũng vì thế, Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên tột đỉnh” (9a). Đức Chúa Giêxu đã được Cha Ngài tôn lên tột đỉnh cả thần tánh lẫn nhân tánh, bởi vì Ngài mang cả hai tánh chất ấy khi chịu bị đóng đinh và được làm cho sống lại. Về thần tánh thì không phải Ngài nhận được vinh quang chi mới, vì Ngài từng cầu nguyện “xin Cha lấy vinh quang Con đã có bên Cha trước khi có thế gian mà tôn vinh Con cùng với Cha” (Giăng 17:5). Chính nhân tánh của Ngài mới được tôn lên tột đỉnh mặc dù đi đôi với thần tánh. Sự tôn cao nầy gồm có vinh dự và quyền phép. Vinh dự là vì Ngài được “ban cho Danh trên hết mọi danh” (9b), về quyền phép thì “khi nghe đến danh Đức Chúa Giêxu, mọi đầu gối trên trời, trên đất, bên dưới của đất đều quỳ xuống” (10). Không phải là bởi thanh âm của Danh Ngài, mà bởi uy quyền của chính Đức Chúa Giêxu mà mọi đầu gối đều phải quỳ xuống phục tùng.

Và mọi lưỡi đều tuyên xưng Giêxu Christ là Chúa” (11). Như Ngài đã phán trước khi về trời “Tất cả uy quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta” (Mathiơ 28:18). Vương quốc của Ngài gồm cả thiên đàng lẫn trần gian, cai trị trên mọi tạo vật, thiên sứ và loài người, cả người sống lẫn người đã chết. Xưng Đức Chúa Giêxu Christ là Chúa để “tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha,” quy vinh quang đời đời cho Ngài. Vì “tôn kính Con cũng như tôn kính Cha” (Giăng 5:23).

Philip04.docx

Rev. Dr. CTB