Thư Philíp, bài 07

Những Lời Khuyên Nhủ Quý Báu

Philip 4:1–9

Tiếp tục nói về những điều ở cuối đoạn trước, sứ đồ Phaolô khuyên độc giả của thư ông gửi là: “Như vậy, … hãy đứng vững trong Chúa” (1). Hi vọng của niềm tin và viễn cảnh sự sống vĩnh cửu phải giúp tâm linh ta quân bình, đức tin thường xuyên vững vàng không chao đảo trong nếp sống Cơ-đốc-nhân. Lời ông khuyên rất thân tình: “Thưa anh em yêu quý, những người tôi thiết tha mong mỏi được gặp, anh em là niềm vui và vinh dự của tôi, hỡi anh em yêu quý.” Tình yêu huynh đệ phải luôn luôn đi cặp theo mối liên hệ anh em, những người vẫn mong được gặp nhau. Hơn nữa, tín hữu ở Philíp còn là niềm vui và vinh dự của Phaolô nữa.

Có lẽ hai nữ tín hữu ÊvôđiSintycơ vẫn có sự bất hoà hay bất đồng trong công việc chung của Hội Thánh, bây giờ được khuyên trực tiếp “hãy sống hoà thuận với nhau trong Chúa” (2). Kế đó, ông nhờ “người bạn đồng sự chân chính…giúp đỡ hai bà ấy” (3) giải quyết sự bất hoà của họ. Người ta tin rằng người bạn đồng sự ấy chính là Epaphroditus, người đem thư trên đường trở về.  Xung khắc giữa hai cá nhân vẫn thường có ở bất cứ tập thể nào. Dù hai bà nầy là những người đã cùng Phaolô, với Clement, có lẽ là một tín hữu tại Philíp, và “các bạn đồng sự khác” của Phaolô, “chiến đấu cho Tin Lành” tại thành phố Philíp, họ vẫn có những mối bất hoà lâu dài. Tuy vậy, tất cả những người đó đều “đã có tên trong sách sự sống.” Có một quyển sách gọi là ‘Sách sự sống’ dành để ghi tên những người sẽ hưởng phước vĩnh cửu (Luca 10:20; Khải Huyền 3:5; 21:27). Không người nào được phép lấy sách hoặc giở ra xem tên những ai được ghi trong đó. Nhưng chúng ta có thể kết luận rằng những người nào đã chịu khó nhọc vì Tin Lành, trung thành với ích lợi của Đấng Christ và linh hồn người khác, thì chắc có tên trong sách sự sống.

Vui mừng trong Chúa” (4) là niềm vui thánh, ý nghĩ về Chúa là tư tưởng hân hoan. Lòng cứ vui mừng trong mọi hoàn cảnh, vì biết và kinh nghiệm sự tốt lành của Chúa, và ơn cứu chuộc mà chúng ta đã nhận được. Đồng thời lý do chúng ta cứ luôn vui mừng vì “Chúa gần trở lại rồi” (5), chúng ta sẽ nhận được điều mình vẫn hằng mong đợi. “Tinh thần hoà nhã” là dịu dàng và có ý tứ trong mọi cách cư xử; cũng là không quá khích, tránh mọi hình thức cố chấp, thù địch; và có thái độ nhân hậu khi đối xử với người khác. “Đừng lo lắng gì cả” (6) là lời dạy của Đức Chúa Giêxu về nỗi bận tâm thông thường của loài người: “Ta bảo các con: Đừng lo cho đời sống: sẽ ăn gì, uống gì; cũng đừng lo cho thân thể: sẽ mặc gì… Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ cho thêm các con mọi điều ấy nữa” (Mathiơ 6:25, 33).

Sự không lo lắng về mọi việc trong đời sống khác hẳn với thái độ ỷ lại, nhắm mắt trước hoàn cảnh thực tế, của người có tính nết cẩu thả. Con cái Chúa vẫn phải làm việc cực khổ để nuôi thân và gia đình; dù làm hết sức mình kiếm sống, nhưng vẫn mang một lòng tin và hi vọng vững chắc rằng Đức Chúa Trời biết rõ các nhu cầu thiết yếu của chúng ta. Bằng sự “cầu nguyện, nài xin và cảm tạ, trình dâng các lời thỉnh cầu lên cho Đức Chúa Trời” (6), chúng ta tin rằng Ngài đã dự liệu về các nhu cầu ấy rồi. Sự chăm lo làm việc để giải quyết các nhu cầu thường ngày thì không phải là sự thiếu lòng tin, không dám tin cậy thiện ý của Đức Chúa Trời. Lòng không tin Chúa có thể thoả đáp các nhu cầu của chúng ta, thật ra, là một tội lỗi và là sự dại dột. Người có thái độ và tư tưởng như thế thì đừng mong gì nhận được các ơn phước thiên đàng.

Trong mọi sự hãy cầu nguyện” (6) có nghĩa là không phải chỉ cầu nguyện vào những giờ đã định thường ngày, nhưng là dâng lời cầu nguyện lên Chúa mỗi khi tâm linh mình nặng trĩu nan đề nào đó; dùng sự cầu nguyện làm cho tâm trí chúng ta được giải toả; khi các mối liên hệ hoặc công việc trở nên bối rối và buồn khổ, chúng ta cần tìm kiếm sự chỉ dẫn và nâng đỡ từ Cha trên trời. Cầu nguyện, nài xin phải kèm theo sự cảm tạ của lòng biết ơn. Không phải chỉ tìm kiếm sự tiếp trợ các nhu cầu vật chất, nhưng còn phải biết tiếp nhận ơn nhân từ thương xót. Tạ ơn là công nhận rằng đã nhận được những gì mình từng khẩn nài, cũng như sự bình an do ơn chăm sóc, gìn giữ của Cha yêu thương. Cầu nguyện cũng là trình bày cho Đức Chúa Trời những nỗi niềm ước ao của chúng ta. Không phải Chúa cần chúng ta trình bày thì Ngài mới biết nỗi niềm của chúng ta. Ngài biết trước khi ta mở miệng cầu nguyện. Chúa muốn con dân Ngài tỏ ra những vấn đề họ quan tâm lo lắng, và bộc lộ sự nương cậy vào Ngài.

Kết quả của tinh thần cầu nguyện như vậy sẽ khiến cho “sự bình an của Đức Chúa Trời, là bình an vượt quá trí hiểu biết, sẽ giữ tấm lòng và tâm trí anh em trong Đức Chúa Giêxu Christ” (7). Sự bình an của Đức Chúa Trời là một cảm nhận thoải mái, dễ chịu về việc đã được phục hoà với Đức Chúa Trời, chờ đợi ân huệ của Ngài, hi vọng về các ơn phước từ thiên đàng, và mãi mãi vui thoả trong Ngài. Chúng ta chưa tưởng tượng ra nổi sự bình an đó, vì thế nó “vượt quá trí hiểu biết” của chúng ta. Nó gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội khi trải qua hoạn nạn, cũng không bị gánh nặng đó đè nén; nó giữ chúng ta bình tĩnh và yên ổn, không bị niềm đam mê hoặc nỗi thống khổ làm cho không yên, và trong lòng ta thực sự thoả mãn, vì chúng ta nhận ra mình được giữ trong Đức Chúa Giêxu Christ. Đây là điều mà Phaolô trích Êsai 64:4 “Những điều mắt chưa thấy, tai chưa nghe, lòng người chưa nghĩ tới, là điều Đức Chúa Trời dành sẵn cho người yêu mến Ngài” (1Côrinhtô 2:9). Hơn nữa, “người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Êsai 26:3).

Lời Phaolô khuyên tín hữu Philíp cũng là lời khuyên cho mỗi con cái Chúa ở mọi thời phải biết giữ tiếng tốt cả đối với Danh Chúa và đối với người nữa: “Hễ điều gì chân thật, điều gì cao trọng” (8). Đây nói về sự chân thật trong lời nói và các mối giao thiệp của chúng ta. Vì ‘nhất sự bất tín, vạn sự bất tin.’ Cách ăn ở, hành xử cũng vậy, phải đàng hoàng đứng đắn trong mọi hoàn cảnh và điều kiện của đời sống, thật là cao trọng. “Điều gì công chính, điều gì thanh sạch,” thích hợp với các luật lệ về công lý và chính trực trong các cuộc giao thiệp, làm ăn với người ta, không có sự bất khiết và pha trộn của tội lỗi. “Điều gì đáng yêu chuộng, điều gì có tiếng tốt” có nghĩa là dễ mến, được người ta xem là dễ thương, khi họ nhắc đến hoặc nghĩ tới chúng ta thì chỉ có tiếng khen và thiện cảm đặc biệt.

Điều gì đức hạnh, điều gì đáng khen ngợi” (8), tất cả những gì thật sự có đức hạnh và xứng đáng được khen ngợi. Điều nầy có nghĩa là tín hữu phải học những mặt đạo đức đáng kính trọng của những người láng giềng của mình còn ở ngoài Hội Thánh nữa, không phải chỉ chú trọng các đức tính trong nội bộ mà thôi. Bắt chước mọi thứ đức hạnh đáng khen ngợi, để Hội thánh không bị thua kém người đời về những phương diện đó. “Nghiền ngẫm” là thường xuyên suy nghĩ, rút tỉa điều tốt nhất.

Những điều anh em đã học hỏi, đã tiếp nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, hãy mang ra thực hành” (9). Giáo lý và đời sống của Phaolô đi đôi với nhau. Những gì mọi Hội Thánh thấy nơi ông là những gì ông đã giảng dạy. Ông không hổ thẹn mà có thể mạnh mẽ dùng bản thân làm gương. Nếu chúng ta hành xử đúng theo những gì mình giảng dạy, thì những lời khuyên giục thật sự có sức mạnh thuyết phục người nghe làm theo.

Và Đức Chúa Trời, Chúa của sự bình an sẽ ở với anh em” (9). Hãy để ý rằng sự bình an của Đức Chúa Trời, và Chúa của sự bình an là hai ý niệm khác nhau. Đức Chúa Trời là tác giả của sự bình an. Vì vậy Ngài là Chúa của sự bình an. Mặc dù chúng ta rất muốn và luôn luôn mong ước có sự bình an của Đức Chúa Trời giữ gìn lòng và tâm trí chúng ta trong Đức Chúa Giêxu Christ. Nhưng chúng ta cần Đức Chúa Trời, Chúa của sự bình an ở với chúng ta hơn. Vì có Ngài thì sự bình an của Ngài chắc chắn bao phủ trên chúng ta. Và mọi thế lực tối tăm đều phải bị giày đạp vì có sự hiện diện của Ngài (Rôma 16:20). Hãy thực hành những điều đã học để được Đức Chúa Trời, Chúa của sự bình an ở cùng chúng ta luôn luôn.

Philip07.docx

Rev. Dr. CTB