Thư Philíp, bài 08

Cảm Ơn Lòng Quan Tâm

Philíp 4:10–23

Phaolô dùng cơ hội nầy để cảm ơn sự quan tâm của tín hữu ở Philíp dành cho ông: “Tôi rất vui mừng trong Chúa vì anh em lại quan tâm đến tôi” (10). Ông là người có một tinh thần biết ơn những người giúp đỡ mình, mặc dù, món quà họ biếu ông không thể so món nợ yêu thương mà họ nợ ông. Ông nói về lòng tử tế của họ như thể đó là một món quà lớn từ lòng bác ái hào phóng đối với ông. Nếu nói về công ơn của Phaolô đối với tín hữu ở các Hội Thánh khu vực Maxêđoan vào thời ấy, thì dù mỗi người có tặng ông một nửa tài sản của họ vẫn chưa đủ. Vì họ đã nợ ông chính linh hồn của họ. Thế mà, khi họ gửi chỉ một món quà nhỏ, ông đã tiếp nhận với tinh thần vô cùng nhân hậu và biết ơn. Lời cảm ơn trong thư nầy sẽ được đọc cho tất cả các Hội Thánh ở nơi khác nghe, và sẽ được lưu truyền cho mọi thế hệ mai sau, thì những gì tín hữu ở Philíp chăm sóc vị thầy đầu tiên của mình sẽ được muôn đời biết đến và khen ngợi.

Món quà thương yêu đã được trả công xứng đáng, vì Phaolô khen họ: “… lúc bắt đầu truyền giảng … không có Hội Thánh nào dự phần trong việc chia sẻ trách nhiệm với tôi, ngoại trừ anh em” (15). Không phải chỉ khi Phaolô có mặt tại Philíp mà “khi … rời xứ Maxêđoan,” họ là những người duy nhất cung cấp các nhu cầu cho Phaolô. Kể cả “ngay khi ở Têsalônica, anh em đã đôi lần gửi cho tôi những thức cần dùng” (16). Còn những nơi khác, dù đã nhờ Phaolô nhận được vô số ơn phước tâm linh, người ta vẫn vô tình. Ông nhắc lại các món quà yêu thương, hành động tử tế trước đó của người Philíp, không phải chỉ để tỏ lòng biết ơn, mà còn để khích lệ họ. Bây giờ Phaolô bào chữa cho sự thiếu cung cấp có lẽ đã lâu “anh em lại quan tâm đến tôi. Tất nhiên, anh em vẫn quan tâm, nhưng vì chưa có cơ hội” (1). Lòng yêu thương của người thầy không khi nào trách móc các môn đồ mình, nhưng luôn tìm lý do chính đáng để bào chữa cho họ.

Hành động gửi quà của người Philíp cung cấp các nhu cầu cho Phaolô không phải chỉ là chia sẻ của cải vật chất mà “anh em đã làm một việc tốt đẹp: chia sẻ hoạn nạn với tôi” (14). Tính chất trung thực của sự cảm thông Cơ-đốc là: Không phải chỉ quan tâm lo lắng cho bạn mình khi họ gặp hoạn nạn khó khăn, mà phải thực hiện bất cứ điều gì mình có thể làm để giúp đỡ họ. Như Giacơ nêu ra: “Giá như có anh em, chị em nào không có áo mặc, thiếu thức ăn hàng ngày, nhưng trong anh em có người bảo họ: ‘Hãy đi bình an, sưởi cho ấm, ăn cho no,’ mà không cho họ những thức họ đang cần, thì có ích gì?” (Giacơ 2:15–16). Chính vì thế mà Phaolô nói ông “rất vui mừng trong Chúa” (10). Sự chia sẻ hoạn nạn với Phaolô của người Philíp là bằng cớ của tình thương yêu họ dành cho ông, và cũng là thành quả của thánh vụ mà ông đã lao khổ giữa họ.

Vì có thể sẽ có những người công kích Phaolô rằng ông đã quá chú trọng tới những món quà gửi biếu ông. Ông nói rằng: “Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói như vậy” (11). Nghĩa là không phải vì ông cảm thấy thiếu thốn hoặc sợ bị thiếu thốn. Bí quyết của ông là không trông chờ vào sự trợ giúp từ các Hội Thánh, nhưng “đã học để có thể tự túc trong mọi hoàn cảnh.” Tấm gương hài lòng hầu việc Chúa bất cứ cảnh ngộ nào của Phaolô đáng cho chúng ta suy gẫm và bắt chước. Ông luôn luôn tập hài lòng dù có ít, hoặc khi đói khát, hoặc lúc dư dật: “Tôi biết sống trong cảnh nghèo hèn cũng như sung túc. Bất kỳ hoàn cảnh nào, no hay đói, dư hay thiếu, tôi cũng đã học tập cách sống” (12).

Khi Phaolô nói rằng ông “đã học để có thể…” thì ông không nói về những ngày ông học nơi chân Ga-ma-li-ên, mà là học dưới chân Đấng Christ qua biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, khổ nhọc, nhục nhằn mà ông đã phải từng trải. “Lao tù,…đòn vọt,… hiểm nguy trong các hành trình, … chịu cực nhọc vất vả, nhiều đêm không ngủ, đói khát, thường nhịn ăn, rét mướt, trần truồng” (2Côrinhtô 11:23–27). Học để có thể chịu đựng và hài lòng trong mọi hoàn cảnh, là bài học mà mỗi chúng ta cần bắt chước. Nhất là trong cảnh lao tù bị thiếu thốn thường xuyên là điều tất nhiên, nhưng Phaolô tập luyện sự chịu đựng, không để cho các nhu cầu về ăn uống, sinh hoạt giữ vai trò điều khiển ý nghĩ và hoạt động của ông. Nghĩa là bắt tâm trí phải chịu đựng hoàn cảnh, không né tránh, không mơ tưởng ngày thể xác được thoả mãn, nhưng hài lòng với những gì mình đang có.

Bí quyết hay chìa khoá để đạt đến thành công trong những việc khó khăn, vượt quá khả năng bình thường của con người, là năng lực Chúa ban: “Tôi làm được mọi sự nhờ Chúa ban năng lực cho tôi” (13). Chúng ta cần sức lực từ Đấng Christ, chẳng phải chỉ dành riêng cho các bổn phận thuần thánh vụ, mà cũng dành cho những gì là hoa trái của tánh hạnh đạo đức nữa. Mục đích của Phaolô khi nói câu trên là quy vinh hiển cho Đức Chúa Giêxu, vì trước đó ông đã nói: “Tôi biết sống trong cảnh nghèo hèn cũng như sung túc.” Như ông từng thúc giục: “Hãy mạnh mẽ trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài,” hay “sự phong phú vô hạn của vinh quang Ngài, làm cho tâm hồn anh em được mạnh mẽ bởi quyền năng của Thánh Linh Ngài.” (Êphêsô 6:10; 3:16). Ai nhờ cậy Chúa để nhận sức mạnh tâm linh, sẽ không bao giờ thất vọng. Vinh quang thuộc về Ngài.

Phaolô trình bày rằng khi nhắc lại những lần Hội Thánh Philíp gửi quà cho ông, thì mục đích của ông là điều ấy mang lợi ích đến cho họ: “Không phải tôi chuộng quà cáp, nhưng tôi cầu điều gì có lợi cho anh em” (17). Nghĩa là ông cảm ơn lòng tử tế của họ, không phải để ông vui hưởng quà cáp, nhưng vì nghĩa cử đó của họ đã được thiên đàng ghi công. Họ đã dùng của cải vật chất ở dưới đất để chuyển thành vốn liếng trong trương mục trên thiên đàng. Cũng không phải vì ông muốn bòn rút thêm từ họ, nhưng khuyến khích họ tiếp tục thực hiện các nghĩa cử thanh cao, nhờ đó họ được sự ban thưởng vinh quang sau nầy.

Về phần mình, Phaolô nói rằng: “Tôi đã nhận được hết các món quà anh em gửi qua tay Ép ba-phô-đích, và hiện nay tôi có dư dật” (18). Khi một người nhận được nhiều hơn phần mình cần, thì còn mong muốn gì hơn? Tín hữu Philíp gửi cho Phaolô một món quà mọn, Ông không muốn gì thêm nữa. Một người có lòng tham của cải trần gian, thì chẳng bao giờ thấy điều mình đang có là đủ, lúc nào cũng muốn có thêm nhiều hơn. Nhưng để trở thành một công dân thiên đàng đúng nghĩa, chúng ta cần rèn luyện một tinh thần của người dù có ít cũng đã thấy đủ rồi.

Phaolô xác nhận rằng Đức Chúa Trời đã chấp nhận lòng tốt của họ, và Ngài sẽ đền bồi: “Đó là một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, được Ngài chấp nhận” (18b). Trong sự dâng hiến, không gì vui hơn là biết của mình dâng hiến được Chúa chấp nhận. Sự dâng hiến nầy không phải là một lễ vật hi sinh hoặc chuộc lỗi (chỉ Đấng Christ mới là tế lễ chuộc tội). Sự trung tín dâng hiến giúp đỡ những người đang hầu việc Chúa trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, chẳng phải chỉ được Chúa chấp nhận, mà còn là một lễ vật được Ngài vui lòng; bởi vì nó là hoa trái của lòng rộng rãi. Kết quả mà người dâng hiến sẽ nhận được là: “Đức Chúa Trời tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu của anh em, theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh quang, trong Đức Chúa Giêxu Christ” (19).

Đức Chúa Trời, nguồn sự sáng, mọi vinh quang đều thuộc về Ngài. Đấng đã tạo dựng muôn loài là Cha đời đời củng chúng ta (20). Chúng ta sẽ hiểu biết vinh quang là như thế nào khi được về thiên đàng trong thân thể bất tử đã được biến hoá sau nầy. Những câu cuối cùng của thư dành cho những lời chào đầy tình thương yêu đậm đà. Phaolô, người đang ở xa “chào thăm tất cả các thánh đồ trong Đức Chúa Giêxu Christ.” Thật ra, dù bị lao lý nhưng Phaolô không cô đơn vì có “Các anh em đang ở đây với tôi gửi lời chào thăm anh em” (21).

Đời lao tù của Phaolô đã đem ơn cứu độ đến “những người nhà của Caesar” (22) tại kinh đô La-mã. Đức Chúa Trời đã dùng cơ hội lao tù của Phaolô để thực hiện nhiều mục đích tuyệt diệu của Ngài. Sự khôn ngoan của Ngài thật quá cao diệu. Ai có thể biết trước được thân nhân hoàng đế Caesar sẽ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Đấng Cứu Tinh của họ? Lời chúc phước của vị sứ đồ (23) không phải chỉ là thông lệ. Nó có hiệu quả cho tâm hồn người nhận.

Philip08.docx

Rev. Dr. CTB