Quyền Hạn của Sứ Đồ Phaolô

2Côrinhtô 10:1–18

Côrinhtô là nơi mà sứ đồ Phaolô bị các sứ đồ giả chống đối kịch liệt. Những đầy tớ chân thật của Đấng Christ sẽ không ngạc nhiên khi bị những kẻ thù, là những tín hữu giả mạo, chống đối. Mặc dù Phaolô không làm điều chi sai trái; ngược lại ông rất mực thương yêu, tận tình dạy dỗ chăm sóc những Hội Thánh địa phương do ông truyền giáo và thành lập, nhưng vẫn có những người ganh tị, thù ghét, mong có thể dùng lời nói xấu, vu khống để khiến cho tín hữu ở Côrinhtô có ác cảm, xem thường và xa lánh vị thầy đầu tiên của mình. Khi nghiên cứu hai thư của Phaolô gửi cho Hội Thánh Côrinhtô, người đọc có thể đoán có lẽ động lực thúc đẩy những người ấy là Hội Thánh nầy đang sung túc về vật chất so với các nơi khác trong thời kỳ đó.

Cách đối xử của Phaolô đối với anh em tại Côrinhtô thật là dịu dàng: “Tôi Phaolô … lấy đức dịu dàng và nhân từ của Đấng Christ mà khuyên bảo anh em” (1). Ở phần chào thăm đầu thư nầy Phaolô có kèm theo cả tên của Timôthê, nhưng bây giờ ông chỉ nói về mình chống lại những sứ đồ giả mạo, những người phao truyền lời nói chọc tức Phaolô. Tuy nhiên, lời lẽ trong thư vẫn tỏ bày lòng khiêm nhường, mềm mại, nói rằng ông “lấy đức dịu dàng và nhân từ của Đấng Christ” để khuyên bảo tín hữu ở Côrinhtô. Đây là cách Phaolô làm gương để Hội Thánh nhận thư sẽ bắt chước tâm tình của ông trong nếp sống đạo của họ. Như vậy, mỗi khi chúng ta nhận thấy mình có ý muốn hoặc khuynh hướng đối xử cứng rắn và nghiêm khắc với một người nào đó, hãy nhớ và lấy “đức dịu dàng và nhân từ của Đấng Christ” làm phương châm cho cách cư xử của mình.

Điều mà Phaolô không bao giờ muốn là “phải dùng biện pháp mạnh” đối với các tín hữu ở Hội Thánh Côrinhtô, là biện pháp mà ông “định dùng cho những người khác,” những người vu khống ông đang “sống theo xác thịt”(2). Những người nầy rêu rao rằng Phaolô đang bị điều khiển bởi tánh xác thịt trong cách cư xử, điều hành thánh vụ bằng các biện pháp xác thịt, là quan điểm của thế gian. Phaolô có ý nói rằng tánh xác thịt chính là điều mà ông từ khước, loại trừ khỏi đời sống và cả trong mọi việc ông làm; bởi vì nó chống nghịch Đức Thánh Linh và kế hoạch của tin mừng. Một sứ đồ thật không bao giờ mang quan điểm hoặc sống như vậy.

Ông nói rằng: “Chúng tôi dù sống trong xác thịt, nhưng không chiến đấu theo xác thịt” (3). Nghĩa là dù vẫn đang phải sống trong thế gian, nhưng không chiến đấu theo cách thức của người đời. Gọi là chiến đấu vì công việc thánh vụ là một cuộc chiến tranh trong linh giới chống lại một kẻ thù thuộc linh giới, và nhắm tới những mục đích thuộc linh. Vì thế, không thể chiến đấu theo kiểu xác thịt. Phaolô nhắc tới vũ khí dùng trong cuộc chiến nầy không phải thuộc cõi vật chất (4). Ông từng nói “chúng tôi sống thanh sạch, hiểu biết, nhẫn nhục, nhân từ, sống trong Đức Thánh Linh với tình yêu thương chân thành, nói lời chân thật trong quyền năng Đức Chúa Trời, cầm khí giới công chính trên tay phải và tay trái” (6:6–7). Như vậy vũ khí ấy là sự thuyết phục mạnh mẽ bởi bằng cớ của sự thật, quyền năng của chân lý và sự dịu dàng mềm mại của sự khôn ngoan, được rút ra từ những giáo lý của Tin Mừng và kỷ luật của Hội Thánh.

“Các đồn luỹ” (4) bị triệt hạ chính là “các lý luận, mọi sự kiêu căng nổi lên chống lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời” (5). Chúng gồm có sự ngu dốt, thành kiến, yêu thích nhục dục, tưởng tượng hư đản vô lý, lý luận phàm tục, và tự cao vô lối chống lại phúc âm bởi các quyền lực tội lỗi và sa –tan trong lòng người. Những đồn luỹ đó chỉ có thể bị triệt hạ bằng sự thật của tin mừng được sử dụng bởi ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời cặp theo. Sự “trừng phạt kẻ bất tuân” (6), là dùng những sự khiển trách của Hội Thánh để trừng phạt sự không vâng phục Tin Lành và những thành viên nào làm rối loạn Hội Thánh. Vì có một số người so sánh cách hời hợt bề ngoài về sứ đồ Phaolô với những kẻ kình địch với ông (7), Phaolô nhắc nhở họ rằng “Nếu có ai tự cho mình thuộc về Đấng Christ,” thì cũng nên biết là người thật sự thuộc về Đấng Christ phải có năng lực của Chúa ban cho qua những bằng chứng cụ thể của sự giảng dạy, dấu kỳ phép lạ và quyền năng của Đức Thánh Linh cặp theo lời giảng; nếu là sứ đồ thật thì cũng phải có khả năng dẫn dắt dân ngoại đến sự vâng phục Tin Lành của Đấng Christ (Rôma 1:5).

Về việc có những người ưa tự phụ họ thuộc về Đấng Christ, coi thường người khác, thì cũng không nên xem là họ khác với chúng ta; hãy tạm xem là như vậy để không loại trừ anh em mình hoặc chính mình khỏi thân thể của Đấng Christ. Có nhiều chỗ rất rộng rãi trong Chúa đủ cho mọi người. Những người rất khác nhau vẫn có thể đồng thời ở trong Chúa. Không ai nên tự nghĩ rằng mình là những người duy nhất ở trong Đấng Christ chứ không có ai khác. Nếu có ai tự phụ kiểu ấy, họ phải biết rằng chúng ta có đồng một đức tin, bước đi với Chúa cùng một luật lệ, được xây dựng trên cùng một nền tảng, có cùng một hi vọng về sản nghiệp sẽ được hưởng, và được hướng dẫn bởi cùng một Đức Thánh Linh.

Phaolô không hổ thẹn dù “có hơi quá tự hào về quyền hành” (8) do Chúa ban cho chức vụ sứ đồ. Vì có người nói “Thư từ ông ấy viết thật đanh thép, mạnh bạo, nhưng đến khi gặp mặt lại là một người yếu ớt, nói năng tầm thường” (10), nên Phaolô nói ông “không muốn ra vẻ doạ nạt anh em bằng thư từ” (9), mà “lúc vắng mặt, lời trong thư thế nào, khi có mặt … cũng hành động thế ấy” (11). Phaolô không có ý làm cho những anh em vẫn hằng vâng phục phải sợ hãi; nhưng ý ông là những người nghịch với ông phải hiểu rằng ông sẽ sử dụng quyền hạn của sứ đồ, là uy quyền Chúa đã giao thác cho ông, để hành xử khi tới Côrinhtô.

Khi nói rằng: “Chúng tôi đâu dám xếp mình ngang hàng, hay tự so sánh với những người tự đề cao đó” (12), thì Phaolô muốn tỏ ra ông sẽ không hành xử theo cách thức những sứ đồ giả vẫn làm. Ông nói rõ rằng việc tự “lấy mình để đo mình, lấy mình so sánh với mình” là hành động rất “thiếu khôn ngoan” (12). Bởi vì tự khen mình mà không để ý tới những người khác đã được ban ân tứ, ơn phước, uy quyền, và quyền phép nhiều gấp bội mình, là hành động vô cùng lố bịch. Khi cần phải so sánh với người khác, chúng ta nên so sánh với những người hơn mình, vì đó là cách tốt nhất để giúp chúng ta biết khiêm nhường. Dù cho không ai bằng hoặc cao hơn mình, Phaolô vẫn từ chối không hành xử như những người dại dột, lố bịch nọ. Ông đưa ra cách cư xử tốt hơn: “Không tự hào quá mức, chỉ giới hạn trong phạm vi Đức Chúa Trời phân định cho… Không tự hào quá giới hạn, không tự hào về công lao người khác.” (13, 15). Mức hoặc giới hạn ở đây có nghĩa là ân tứ, ân điển, quyền phép hay uy quyền mà Chúa ban cho ông; cũng là vùng hoạt động đã được Chúa trao phó. Dù ông là sứ đồ cho dân ngoại, không bị giới hạn ở một chỗ, nhưng ông chỉ rao giảng nơi nào Đức Thánh Linh cho phép.

Dù Phaolô là người “đem Tin Lành của Đấng Christ đến [Côrinhtô] trước tiên,” ông cũng đã “không vượt giới hạn khi đến với” họ (14). Nghĩa là ông cư xử theo luật nầy khi giảng dạy và vận dụng uy quyền của một sứ đồ khi ở Côrinhtô. Ông nói “Tôi chỉ mong đức tin anh em tăng trưởng  và như thế,… công việc được phát triển bởi anh em” (15). Nhờ hành xử theo cách ấy, Phaolô “có thể truyền giảng Tin Lành tại các miền xa xôi hơn nữa, mà không tự hào về công việc đã được thực hiện trong phạm vi của người khác” (16). Dường như cảm thấy đã đề cập quá nhiều về mình Phaolô tự nhắc nhở: “Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa” (17).

Trong tất cả những sự ca ngợi, việc tự ca tụng mình là tệ hại nhất! Tự khen mình chẳng khác nào tự nịnh bợ và tự lừa dối. Cho nên, thay vì tự khen hay tự ca ngợi mình, chúng ta hãy cố gắng để được Đức Chúa Trời khen ngợi và chấp nhận. “Vì người được chấp nhận không phải người tự đề cao, nhưng là người được Chúa khen” (18). Đây chính là phẩm chất của một tôi tớ chân chính của Đức Chúa Trời. Sự được Chúa khen và chấp nhận phải là mục tiêu chính mà chúng ta nhắm tới khi được Chúa dùng để hầu việc Ngài.

2Corinhto10.docx

Rev. Dr. CTB