February 5th, 2016

Xuất Ai-Cập, bài 15


Xuất Ai-cập 16:1–36

Đúng một tháng sau khi lên đường thoát khỏi cuộc đời làm nô lệ tại Ai-cập, tức là “vào ngày mười lăm tháng thứ hai sau khi ra khỏi Ai-cập, cả hội chúng Israel rời Ê-lim để đi vào hoang mạc Sin, nằm giữa Ê-lim và Si-na-i” (1).

Như vậy, sau khi đóng trại một thời gian tại Ê-lim là nơi có mười hai suối nước, hội chúng Israel phải nhổ trại lên đường về đất hứa. Trong thời gian nầy, các ký thuật không cho biết Môi-se dựa vào điều gì để lập quyết định cho cả đoàn dân lên đường di chuyển tới một nơi khác.

Trong suốt một tháng ấy, họ đã dừng chân tại năm chỗ giữa Ram-se và hoang mạc Sin. Trong đó có một lần họ phải đi trọn ba ngày vượt qua hoang mạc (15:22). Như vậy, hoặc là Môi-se, hoặc là Thiên Sứ của Đức Chúa Trời cho đoàn dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi trước khi lên đường tới một địa điểm dừng chân khác.

Vấn đề phải được nêu ra, vì Đức Chúa Trời dùng trụ mây để dẫn đường ban ngày, và trụ lửa soi sáng ban đêm lúc Ngài đem dân Israel ra khỏi Ai-cập.

Về sau, khi Đền Tạm đã được thiết lập và khánh thành, thì có đám mây của Chúa ngự trên Đền Tạm. Bất cứ khi nào đám mây cất lên thì đoàn dân Israel phải nhổ trại ra đi theo đám mây. Khi đám mây dừng lại thì họ hạ trại (Xuất 40:36–38). Nghĩa là việc đi hay dừng là do Thiên Sứ của Chúa quyết định. Môi-se và dân sự chỉ đi theo sự dẫn đường của Thiên Sứ ngự trong đám mây.

Vậy thì, vào thời gian đầu của cuộc hành trình về đất hứa, có lẽ Môi-se chẳng phải là người lập quyết định lúc nào lên đường hoặc sẽ đi tới đâu, mà vẫn là Thiên Sứ của Đức Chúa Trời dẫn dắt.

Trong hoang mạc, cả hội chúng Israel oán trách Môi-se và A-rôn” (2). Đây là lần oán trách thứ ba chỉ trong vòng một tháng. Lần đầu tại bờ Biển Đỏ, lần thứ nhì tại Marah, lần nầy là hoang mạc Sin.

Các chi tiết ấy cho thấy lòng người thật là kỳ dị và mau quên. Bởi vì đoàn dân nầy từng chứng kiến mười tai hoạ mà Chúa đã giáng trên người Ai-cập, rồi phép lạ Chúa làm cho biển rẽ ra để họ băng qua bờ bên kia như đi trên đất khô, rồi chẳng bao lâu trước đó nước đắng trở thành ngọt cho họ uống; thế mà họ đã vội vàng oán trách Môi-se và A-rôn khi thức ăn đem theo đã cạn.

Người đọc Kinh-thánh thời nay có thể thắc mắc rằng: Liệu đoàn dân Israel có để ý tới trụ mây và trụ lửa vẫn dẫn đường họ hay không? Còn thái độ của tín hữu thời nay đối với Chúa và với người dẫn dắt thuộc linh của mình mỗi lần gặp hoạn nạn, khó khăn thì như thế nào?

Những lời oán trách của dân Israel thật là vô ơn và chỉ chú tâm vào sự đòi hỏi của dạ dày và sự khoái khẩu (3). Sự kiện nầy cũng làm nổi bật tính chóng quên của lòng vô tín. Thật vậy, người có lòng vô tín rất mau quên các ơn lành họ được ban cho.

Đức Chúa Trời đã dự liệu mọi chuyện, và Ngài dùng việc ban lương thực hàng ngày để thử sự vâng lời và tin cậy Ngài của người Israel đến mức nào (4–5).

Người thiếu tin cậy Chúa sẽ lượm và để dành mana cho các ngày sau. Nhưng Đức Chúa Trời thì muốn họ chỉ lượm đủ dùng mỗi ngày, ngoại trừ ngày thứ sáu thì lượm đủ cho cả ngày thứ bảy.

Môi-se đã kinh nghiệm về sự thành tín và quyền phép của Chúa. Ông nói bằng niềm tin vững chắc rằng Chúa sẽ ban cho thịt và bánh như lời Ngài hứa, dù ông chưa thấy hình dạng của thịt và bánh Chúa hứa ban sẽ như thế nào cả; còn sự oán trách của dân Israel, thì Môi se nói rõ là họ đang oán trách Chúa, vì Ngài là Đấng dẫn dắt, bảo vệ, còn họ thì quá vô ơn (6–8).

Để xác nhận cho lời của Môi-se và A-rôn vâng lệnh Chúa truyền cho dân Israel, Ngài hiển lộ hào quang Ngài trong đám mây (9–10). Ngài cũng phán với Môi-se, bảo ông hãy nói với đoàn dân một lần nữa về lời hứa của Ngài, để họ “sẽ biết Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con” (11–12).

Chiều hôm ấy, chim cút bay đến và bao phủ trại quân; còn buổi sáng thì có một lớp sương đọng quanh trại quân. Khi lớp sương đó tan đi, trên mặt hoang mạc hiện ra thứ gì nho nhỏ, tròn mịn như hạt sương đọng trên mặt đất. Thấy vậy, dân Israel hỏi nhau: ‘Cái gì vậy?’ Vì họ chẳng biết vật đó là gì. Môi se nói với dân chúng: ‘Đó là bánh mà Đức Giê-hô-va ban cho anh em làm thức ăn’” (13–15).

Chim cút thì vẫn thường có ở các cánh đồng hoang, nhưng số lượng nhiều bay đến bao phủ cả trại quân là điều hoàn toàn không bình thường. Vì chẳng có điều gì mà Đức Chúa Trời không làm được.

Còn bánh ‘mana’ là một điều kỳ diệu khác nữa. Nó xuất hiện cho dân Israel dùng làm lương thực từ sau khi ra khỏi Ai-cập được một tháng, nó xuất hiện mỗi ngày cho dân sự của Chúa suốt bốn mươi năm lòng vòng trong hoang mạc; nó chỉ chấm dứt khi họ đặt chân vào đất hứa và được ăn thổ sản của xứ ngay sau ngày kỷ niệm lễ Vượt Qua đầu tiên tại đất hứa (Giô-suê 5:11–12).

Điều Chúa dặn dò về thể lệ lượm mana rất rõ ràng (16–19), thế mà trong đám đông vẫn có một số người không vâng lời. Việc lượm mana nhiều hơn sức ăn và để dành cho ngày mai là thái độ của người có tâm tính không tin cậy sự thành tín của Chúa (20).

Sự thu góp, để dành quá lố của nhiều người thời nay cũng ra từ tâm lý đó. Vì loài người vẫn tin vào cách mình tính toán hơn là tin cậy Chúa.

Mặc dù là lương thực từ trời, nhưng hễ để dành đến ngày hôm sau thì mana sinh ra sâu và có mùi hôi thối; đồng thời khi trời nắng nóng thì mana còn nằm trên đất bị tan ra (21).

Theo đúng lời dặn dò, “vào ngày thứ sáu, dân chúng lượm gấp đôi số bánh, mỗi người hai ô-me.” Các trưởng toán hoảng sợ, đến trình cho Môi-se rõ (22). Môi-se xác nhận đó là lệnh của Chúa bảo phải lượm sẵn cho ngày sa-bát, vì thứ bảy là ngày nghỉ ngơi, cũng sẽ chẳng có mana rơi ngoài đồng vào thứ bảy.

Dân Israel làm theo lời chỉ dẫn, và mana để dành từ ngày thứ sáu sang thứ bảy không bị hôi thối hoặc sinh sâu bọ (23–26). Mặc dù vậy, vẫn có người không tin và không vâng lời nên ra đồng tìm mana, nhưng “họ chẳng tìm được gì hết” (27). Dù chỉ một số người trong hội chúng vi phạm mệnh lệnh của Chúa, nhưng toàn dân tộc đều bị khiển trách (28).

Đức Chúa Trời đã đặt luật cho dân sự Ngài phải nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, là ngày sa-bát, và Ngài mong họ sẽ tuân theo. Để họ có thể nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời ban gấp đôi lượng mana vào sáng thứ sáu (29).

Đối với con cái Chúa ngày nay, sự kiện phải dành ra một ngày nghỉ trong tuần làm việc vẫn phải áp dụng. Thứ nhất là để tuân theo mệnh lệnh phổ quát từ Chúa cho mọi người; bởi vì chính Đức Chúa Trời cũng nghỉ ngơi sau “sáu ngày” làm việc dựng nên trái đất cùng mọi loài trên đó (Sáng-thế 2:2). Thứ nhì là để cho cơ thể có thời gian hồi phục sức lực sau sáu ngày làm việc cực nhọc. “Như vậy, vào ngày thứ bảy dân chúng được nghỉ ngơi” (30).

Mana trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “cái gì vậy?” (15). Bởi vì dân Israel cho đến ngày nay vẫn không biết nó là cái gì. Tổ phụ của họ đặt tên là Mana, và mô tả “nó giống như hột ngò, màu trắng, vị như bánh ngọt pha mật ong” (31).

Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se:“Hãy đong đầy một ô-me mana và lưu giữ qua các thế hệ, để họ thấy thứ bánh Ta đã cho các con ăn nơi hoang mạc, khi Ta đem các con ra khỏi đất Ai-cập” (32). Môi-se bảo A-rôn hãy lấy một cái bình đựng đầy một ô-me mana; rồi bình đó được đặt trước mặt Đức Giê-hô-va (33).

Sau nầy, khi Rương Giao Ước đã được đóng xong, thì họ đặt bình mana vào trong rương để làm kỷ niệm đời đời (34). Nhưng khi nước Giu-đa bị quân đội của vua Babylôn đánh bại và giải thể, thì không ai biết Rương ấy được Đức Chúa Trời đem đi đâu; vì thế, ngày nay chưa ai thấy hình dạng bánh mana ra sao cả.

Sự chu cấp lương thực của Đức Chúa Trời cho đoàn dân đông khoảng hai triệu người thật là kỳ diệu. Nếu cho rằng thứ ấy là một sản phẩm thiên nhiên, thì nó chỉ có thể xuất hiện ở một khu vực đặc biệt nào đó mà thôi; đồng thời nó cũng không đủ nhiều để nuôi đoàn dân đông như vậy, vì phải cần tới hai triệu ô-me mỗi ngày trong năm ngày hàng tuần, riêng ngày thứ sáu thì cần tới bốn triệu ô-me bánh mana.

Và hễ dân Israel đi đến đâu thì mana xuất hiện theo đến đó trong suốt bốn mươi năm (35). Mana đã lượm còn dư lại mỗi ngày trong tuần đều bị hư thối vào hôm sau, nhưng mỗi ngày thứ bảy, thì mana lượm từ hôm thứ sáu, lại không bị hư chi hết.

Tất cả đều là sự chu cấp trong quyền phép của Đức Chúa Trời.

Dung lượng một ô-me khoảng hơn một lít (36).

XuatAiCap15.docx

Rev. Dr. CTB