Lợi Ích Vững Bền
Mathiơ 6:19–21; 2Phierơ 3:10–11
Đức Chúa Giêxu đã dạy các môn đồ: “Đừng chứa của cải ở dưới đất là nơi có sâu mối ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.” Phierơ thì nói cách thẳng thừng: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt và tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả. Vì mọi vật đó đều phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào!”
Tất cả những nơi chứa tiền bạc, của cải an toàn hơn hết trong xã hội văn minh hiện thời như, ngân hàng, tủ sắt kiên cố chịu được nhiệt độ khá cao trong vài giờ, đều sẽ trở thành vô ích trước những thiên tai, thảm hoạ chiến tranh, các thứ tai hoạ không ai lường trước được, vv. Thế thì sẽ phải làm gì để của cải mình được an toàn? Nếu mọi thứ của cải vật chất mà chúng ta hiện có đều sẽ bị đốt cháy tiêu tan cả, thì biết bao công lao đầu tư dành dụm, bỏn xẻn thu góp, mua sắm, thật là vô ích. Không người làm ăn khôn ngoan nào chịu bỏ vốn liếng đầu tư vào những thứ sẽ không tồn tại lâu dài. Nhưng nhiều tín hữu không nghĩ đến điều đó, cứ nhắm vào những mục tiêu trước mắt tưởng là có lợi nhưng sẽ chóng tàn, lại còn tai hại cho linh hồn mình nữa. Vì chỉ nước thiên đàng sẽ tồn tại vĩnh viễn; cho nên, tín hữu nào hăng hái làm cho niềm tin của mình dễ lây nhiễm qua người khác sẽ được một lợi ích vô cùng quan trọng khác nữa, ấy là trở nên người có sự khôn ngoan thật, người biết đầu tư mọi điều mình có vào chỗ sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Đầu tư như thế nào? Mọi thứ đầu tư vào tiền bạc của cải đều phải tốn thì giờ và công lao sức lực. Dành thời gian và sức lực để đầu tư vào tương lai trên trời sẽ khiến chúng ta bắt đầu tham dự đều đặn các buổi nhóm thờ phượng, học Kinh Thánh, sinh hoạt nhóm nhỏ, cùng các sinh hoạt khác bổ ích và làm tăng trưởng đời sống tâm linh của mình. Không phải chỉ lo dâng hiến tiền bạc để dành dụm kho tàng trên trời, nhưng chuẩn bị chính mình được trang bị kỹ lưỡng, sẵn sàng để nhắm vào những con người là đối tượng yêu thương của Chúa. Những người khôn ngoan đầu tư cho cõi thiên đàng là những người quan tâm giải thoát số phận hư mất của người khác. Việc nầy phải trở thành niềm đam mê chính yếu của chúng ta, vì phần thưởng trên trời sẽ rất lớn cho mọi người nào làm như vậy. Người nào bước đi với Chúa trung tín và thân mật, người ấy sẽ được ban cho sự khôn ngoan mọi mặt, dễ thành công trong đời, và hiệu quả lớn cho nước Chúa.
Sự đầu tư thì giờ và sức lực cách khôn ngoan trong việc chuẩn bị chính mình, sẽ đem đến lợi ích khác nữa là lòng tự tin thuộc linh. Học sinh muốn thi đậu các kỳ thi phải nắm vững các môn học thể nào, thì các tín hữu đã bắt đầu công việc lây nhiễm niềm tin của mình cũng dần dần vững vàng trong đức tin; bởi vì nếu họ muốn nói cách chính xác về niềm tin Cơ-đốc, họ phải biết vững kiến thức Kinh Thánh. Trong khi chia sẻ niềm tin, họ sẽ phải đối diện với những câu hỏi, những thắc mắc, kể cả những sự chống đối nữa. Người nào giữ vững niềm tin của mình trước những sự chống đối, sẽ gia tăng vững vàng về lòng tự tin. Nếu một trong những người chống đối ấy trở lại tin Chúa, thì lòng tự tin ấy sẽ bay lên tới mây xanh. Tín hữu sẽ tìm thêm người đang hư vong để cứu giúp họ, vì người đó ý thức rằng họ là quý trọng trước mặt Chúa. Lòng tự tin gia tăng, thánh vụ cũng mở rộng theo.
Phần thưởng kế tiếp là được vinh hạnh làm đại diện cho Chúa. Ngày xưa, các môn đồ của Đức Chúa Giêxu được ban cho quyền phép để làm chứng nhân cho Ngài khắp thế gian. Bây giờ điều đó vẫn y như vậy. Ngày nay chúng ta được nghe phúc âm cứu rỗi của Đức Chúa Trời và vui mừng tiếp nhận món quà vô giá ấy, thì đó là kết quả biết bao nhiêu công lao của biết bao thế hệ môn đồ của Chúa kế tục nhau rao truyền tin mừng ấy đến chúng ta. Nếu ngày nay chúng ta thấy khó khăn trong việc rao truyền tin mừng cho người khác, chắc hẳn nhiều thế hệ môn đồ đi trước thấy khó hơn bội phần. Biết bao con cái Chúa phải liều mạng sống để rao truyền phúc âm, kể cả trong thời đại của chúng ta ngày nay, và họ đã làm được, họ đã được vinh hạnh làm đại diện của Chúa trên trần gian.
Hãy đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của các môn đồ của Đức Chúa Giêxu lúc đang ở với Ngài trên núi Olive nghe Ngài dặn dò: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về Ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Côngvụ 1:8). Hãy hình dung sự suy nghĩ của họ lúc ấy ngỡ ngàng biết chừng nào. Họ mới vừa hoàn hồn khi biết chắc thầy mình đã sống lại. Thầy họ lại đột ngột về trời, bỏ họ lại trần gian, và giao nhiệm vụ cho họ là phải truyền rao tin mừng ra khắp thế giới. Chắc chắn là họ thắc mắc không biết sẽ phải thực hiện nhiệm vụ như thế nào, quyền phép mà họ sẽ nhận là ra sao? Tuy nhiên, có lẽ họ thấy rất vinh hạnh được làm đại diện cho Đấng từ trời đến và đã trở về cõi vinh quang của Ngài. Chính Đấng ấy đã trao vinh dự cho họ làm đại diện Ngài trên thế gian.
Vinh dự ấy cũng được trao cho những ai sẵn lòng rao truyền Tin Mừng của Đức Chúa Trời cho người đang hư vong ngày nay. Nếu ngày xưa Đức Chúa Giêxu cho các môn đồ Ngài biết họ sẽ nhận lãnh quyền phép để làm chứng nhân cho Ngài, thì ngày nay cũng vậy, quyền phép cũng được ban cho chúng ta, nếu chúng ta sẵn lòng làm chứng nhân rao truyền ơn cứu chuộc của Ngài cho những người đang sống quanh mình. Được làm đại diện của Chúa là một vinh hạnh tột bậc.
Không cần phải là một diễn giả lừng danh nói năng lưu loát trước hàng trăm, hay hàng ngàn thính giả; mà có thể chỉ là nói chuyện với người hàng xóm qua hàng rào, qua bàn làm việc, hoặc bàn ăn trong một nhà hàng, ở một công viên, bãi đậu xe, trên ghế khán giả của một trận đấu thể thao, vv… Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta vinh dự được làm phát ngôn nhân của Ngài. Hễ ai sẵn lòng làm lây nhiễm niềm tin của mình cho người khác, thì Chúa sẽ tôn trọng lời hứa Ngài đã phán, ấy là ban cho chúng ta quyền phép để hoàn thành nhiệm vụ.
Cái được đầy hào hứng nữa là những người nghe chúng ta được thoát khỏi hoả ngục, vào sự sống đời đời. Họ cũng sẽ nhận được những điều chúng ta đã được: Dự những cuộc phiêu lưu kỳ thú, đời sống có mục đích, đời sống hữu ích, tâm linh tăng trưởng, đời sống riêng thanh sạch, có sự khôn ngoan thật, có kho báu bền vững trên trời, có lòng tự tin thuộc linh, và cũng vinh dự làm đại diện cho Chúa.
Chẳng phải chỉ chúng ta được ích lợi, mà Đức Chúa Trời cũng ích lợi nữa. Ngài rất hân hoan nhìn các đứa con yêu quý của Ngài làm lan toả tình yêu của Ngài cho những người đang hư vong một niềm vui mà các bậc cha mẹ đều hiểu được. Đức Chúa Giêxu phán: “Nầy, Cha Ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả” (Giăng 15:8). Ngài cũng tiết lộ niềm vui của thiên đàng “Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn” (Luca 15:10).
Thế thì, khi chúng ta trở nên hăng hái và biết áp dụng chiến lược trong việc lây nhiễm niềm tin vào Đấng Christ cho người khác cách có hiệu quả, chúng ta được lợi, người khác được lợi, cả Đức Chúa Trời cũng được ích lợi qua chúng ta nữa. Còn một câu hỏi đặt ra mà chúng ta phải trả lời trong bài học kế tiếp là: Để được những ích lợi trên, thì chúng ta phải trả những giá gì?
Rev. Dr. CTB
(Xin đừng sao chép)