Chúa Nhật, May 29th, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (15)
Sức Mạnh của Đức Hi Sinh
Philíp 2:12–18
Trong nỗ lực mà chúng ta phải làm nên sự cứu chuộc mình, thì rèn luyện các phẩm hạnh con cái thật của Chúa là mục tiêu đầu tiên. Các phẩm hạnh ấy giống như chất mặn mà muối phải có và phải duy trì mãi. Có thể là những người chưa tin Chúa không để ý bao nhiêu đến tính chân thực của người tín đồ Cơ-đốc, hoặc cũng có thể người ta nghĩ rằng lòng thương xót, đức nhân ái của con cái Chúa có lẽ chỉ là hành động biểu diễn hiếm hoi, chứ chưa chắc là thật lòng. Nhưng có một nghĩa cử luôn luôn làm người nhận phải xúc động và suốt đời ghi nhớ, đó là hành động hi sinh quên mình phát sinh từ đức nhân ái và lòng quan tâm chân thành. Có một người đi mua hoa tặng vợ nhân kỷ niệm ngày cưới. Trong lúc đang trả tiền thì nghe một bà cụ kể rằng chồng bà đã qua đời, nên đã lâu không được diễm phúc nhận bó hoa do chồng tặng. Tín hữu ấy đã tặng bà cụ bó hoa đẹp. Bà cụ quá cảm xúc trước nghĩa cử ấy. Trong 10 năm sau đó, anh tín hữu đã dọn nhà 5 lần, nhưng bà cụ vẫn cố gắng dò ra tung tích, gửi tặng một gói quà và một lá thư cảm ơn.
Thực tế trong cuộc sống đã chứng minh rằng nghĩa cử hi sinh luôn luôn được ghi nhớ. Kinh thánh dạy chúng ta nên sống cách nào để đức tin của chúng ta làm cho người chưa tin Chúa phải cảm phục: “Anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi;………. Để anh em trở nên người trong sạch, không ai chê trách được, làm con cái toàn vẹn của Đức Chúa Trời; ở giữa một thế hệ lừa đảo, đồi bại, anh em rạng ngời như sao sáng giữa trần gian” (Philíp 2:12,15). Người ta khó quên nghĩa cử hi sinh quên mình của một người đã thật lòng yêu thương và quan tâm đến họ. Hi sinh không có nghĩa là phải chết thay cho người khác. Có muôn ngàn hình thức hi sinh.
Hãy tạm ví ba phẩm chất mà tín hữu phải có như là chất mặn của muối: Tính chân thực của phúc âm, đức nhân ái, và đức hi sinh; trong ba điều nầy thì đức hi sinh có vị mặn hơn hết, nghĩa là nó có sức thu hút mạnh mẽ nhất. Hãy suy gẫm về cuộc đời của Đức Chúa Giêxu; phần lớn cuộc sống của Ngài trên thế gian là một đời hi sinh. Do đó, Ngài luôn kêu gọi chúng ta bước theo dấu chân hi sinh của Ngài trong ba lãnh vực:
1. Thì giờ: Nhịp sống hối hả của xã hội bận rộn đã lôi cuốn chúng ta đến nỗi hầu như không thể thay đổi thời biểu của mình. Luca 19:1–10 kể rằng khi Đức Chúa Giêxu đi ngang qua thành Giê –ricô, một đoàn dân đông đi theo Ngài như đám hội. Bỗng Chúa dừng lại trò chuyện với Xa-chê, một người thu thuế lùn leo lên cây sung để nhìn thấy Đức Chúa Giêxu; rất bất ngờ, Chúa vào nhà Xachê để thảo luận vấn đề tâm linh với ông; tiệc chưa tàn, Xachê đã biến thành người mới. Đức Chúa Giêxu đã dành thì giờ cho tội nhân Xachê. Có lẽ nhiều người khắc khoải tìm kiếm chân lý đang sống quanh chúng ta; có thể họ cũng muốn hỏi chúng ta nhiều điều, nhưng vì chúng ta quá bận rộn nên họ chưa có dịp. Có bao giờ quý vị nghĩ đến việc hi sinh bớt thì giờ của mình để nói chuyện với họ không? Một sự hi sinh chân thành sẽ chứng minh điều mình tin tưởng chắc chắn có thật. Giảm chậm nhịp sống dù không dễ dàng nhưng cần thiết, vì chúng ta sẽ thấy kết quả sự hi sinh của mình vượt xa cái giá mình đã tốn kém.
2. Của cải: Trong một thời đại mà mọi người đều mê mẩn chạy theo tiền bạc và của cải vật chất, người chưa tin Chúa sẽ rất ngạc nhiên và cảm phục khi thấy chúng ta đặt nhu cầu vật chất của họ trước nhu cầu của chính chúng ta. Họ sẽ phải suy nghĩ xem điều gì đã khiến cho có những người sở hữu một tấm lòng rộng lượng, hào phóng phi thường như vậy. Khi họ tiếp xúc tìm hiểu chúng ta, thì họ mới có thể khám phá ra rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể nới lỏng được cái đai ích kỷ mà người ta ràng kỹ lưỡng quanh tài sản của họ. Chỉ Ngài mới có thể thay đổi được máu tham lam vơ vét thành những tấm lòng vui vẻ rộng rãi áp dụng Lời Chúa: “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20:35). Sứ đồ Giăng viết: “Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1Giăng 3:18). Kinh Thánh không dạy chúng ta thách thức Chúa, nhưng chính Lời Chúa bảo chúng ta hãy thử nghiệm lời hứa của Ngài bằng cách dâng hiến tiền bạc (Malachi 3:10). Nghĩa là chúng ta có thể dùng đức tin vâng lời Chúa trong lãnh vực tiền bạc để kinh nghiệm sự thành tín của Ngài là thế nào. Hãy đem đức tin của mình vì sự ích lợi của người khác mà hành động. Đây là thứ hành động đòi hỏi phải có sự đầu tư, rồi chúng ta sẽ thấy kết quả mà Chúa làm khi Ngài thay đổi lòng người.
3. Giữ nếp sống gương mẫu lâu dài: Đây là sự hi sinh do lòng kiên nhẫn, nếp sống thánh thiện. Thái độ hoài nghi của người chưa tin rất là sâu đậm. Họ cần phải quan sát nếp sống đạo của các tín hữu một thời gian rất lâu trước khi họ biết rõ Cơ-đốc-giáo không phải là giả mạo. Chúng ta thường không để ý rằng có rất nhiều người chung quanh đang quan sát cách sống và cách cư xử của chúng ta. Sự quan sát của họ dù không phải là cố tình, nhưng họ vẫn thường xuyên xem xét nếp sống đạo đức và thiêng liêng của chúng ta có bền bỉ như lời chúng ta tuyên bố hay không; vì vậy, nếp sống của chúng ta phải hỗ trợ cho lời mình nói. Không một sự giả vờ khoác áo thiêng liêng nào có thể loè bịp người khác lâu dài, vì trước sau gì sự giả mạo cũng sẽ bị bại lộ.
Anh chị em con cái Chúa đừng ngạc nhiên khi thấy những người có thái độ nghi ngờ nhiều nhất đối với chúng ta là những người thân của mình, vì họ là những người sống gần gũi với mình nhất. Chúng ta có sẵn sàng chứng minh sự chân thật của mình qua một nếp sống Cơ-đốc bền bỉ hi sinh, liêm khiết lâu dài không? Vàng thật chẳng sợ gì lửa! Muối có chất mặn thật sẽ chứng tỏ cho môi trường chung quanh biết mình mặn như thế nào. Vậy thì, nếu những người thân có quan sát chúng ta cũng là dịp để chúng ta bày tỏ sức mặn của mình mạnh tới đâu. Rôma 12:2 căn dặn “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hoá bởi sự đổi mới của tâm thần mình.” Có nghĩa là chúng ta phải sống ngay thẳng liêm khiết trong mỗi lãnh vực của đời sống. Phải dứt khoát cự tuyệt đối với mọi điều dù chỉ có vẻ là tội lỗi; nhưng sẵn sàng vui vẻ chấp nhận thực hành mọi điều công nghĩa, nhân ái và thành thật, dù cho có bị tổn thương thiệt thòi.
Lịch sử Hội Thánh hiện đại đã ghi nhận rất nhiều người có bước khởi đầu hầu việc Chúa rất dũng mãnh trong các công tác thánh vụ, giống như các lực sĩ chạy đua tốc độ ở mức khởi hành. Nhưng chỉ mới qua hai ba vòng đầu họ đã bỏ cuộc ra đứng ngoài lề. Các sự kiện nầy làm cho người ta thêm nghi ngờ và khó tin phúc âm. Sự bền bỉ không phải do ý chí chúng ta quyết định mà được, nhưng do lòng chân thành kiên trì sống một đời sống hi sinh dựa trên quyền phép và sức nâng đỡ của Đức Thánh Linh. Mục sư Billy Graham là một gương mẫu tuyệt vời về việc nầy. Hơn 60 năm trong chức vụ, ông vẫn kiên trì giữ vững nếp sống gương mẫu của mình trong lúc nhiều người đồng thời với ông đã mệt mỏi, một số người đã bỏ cuộc. Ông là người duy nhất thăm viếng, nâng đỡ các mục sư vì lầm lỗi nếm mùi tù ngục. Có lẽ đức hi sinh ấy là lý do khiến ông được Chúa dùng cách đặc biệt.
Mặc dù nói thì dễ hơn làm, tuy nhiên chúng ta phải nhờ cậy Chúa để luyện tập hầu đạt được và duy trì chất mặn của đức hi sinh hết sức quan trọng nầy. Khi chúng ta biểu lộ được tình yêu hi sinh cho người khác thấy, thì ấy là chúng ta đang thực hiện lời dạy của Đức Chúa Giêxu “Điều răn của Ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau như Ta đã yêu các ngươi, chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12–13). Khi chúng ta biết hi sinh một phần đời sống của mình cho người khác, thì gương mẫu đó giúp họ hiểu dễ hơn rất nhiều về tình yêu và đức hi sinh cao quý mà Đức Chúa Giêxu đã chết thay cho họ. Hãy nhờ cậy Chúa mà sắp đặt và hi sinh thì giờ để giúp nhiều người đang khát khao chân lý. Hãy đặt nhu cầu vật chất của người nghèo khó thiếu thốn lên trên nhu cầu riêng của mình. Hãy sống cuộc sống hi sinh bền bỉ kiên trì, làm cho nếp sống đạo không phải là một sự cố gắng, mà thành thật xuất phát từ lòng ao ước. Vì mục tiêu của chúng ta là bày tỏ và duy trì chất mặn của thứ muối mà thế gian rất cần.
QuyenNangThuocLinh15.docx
Rev. Dr. CTB