Thư Philíp, bài 05

Rạng Ngời Như Sao Sáng

Philíp 2”12–30

Sự cứu rỗi mà mỗi con cái Chúa nhận được hiện nay là sự cứu rỗi linh hồn của chính chúng ta: “Vì anh em nhận được kết quả của đức tin mình, đó là sự cứu rỗi linh hồn” (1Phierơ 1:9). Cũng là sự cứu rỗi vĩnh viễn: “Ngài trở nên nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng lời Ngài” (Hêbơrơ 5:9). Cho nên, điều ưu tiên nhất mà tất cả chúng ta cần quan tâm là làm sao bảo đảm phúc lợi của chính linh hồn mình đang được hưởng. Về điều nầy thì Phaolô nhắc nhở “anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (12). Có nghĩa là phải tận tình thực hành cách rốt ráo, tới nơi tới chốn. Sự an nguy của linh hồn chúng ta không phải là trò đùa để hành xử cách cẩu thả vì muốn thoả mãn dục vọng tầm thường của mình. Sự cứu rỗi là một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta phải giữ gìn, chú tâm vào; vì chúng ta không thể đạt đến ngày cứu rỗi nếu không siêng năng tận tình chăm sóc linh hồn mình.

Cách thực hành là phải “lấy lòng kính sợ run rẩy.” Như một chỗ khác dặn dò: “Trong khi lời hứa cho vào nơi an nghỉ của Ngài vẫn còn đó, chúng ta hãy lo sợ kẻo có người nào trong anh em bị bỏ rơi chăng” (Hêbơrơ 4:1). Sự kính sợ là cách đề phòng và gìn giữ tốt nhất tránh khỏi điều ác. Phaolô khuyên rằng: “Vì anh em lúc nào cũng vâng lời, không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, lúc tôi vắng mặt” (12). Tín hữu ở Philíp luôn luôn vâng lời mỗi khi họ được biết ý muốn của Đức Chúa Trời, vì lòng kính sợ Ngài; cho nên, dù Phaolô có mặt hay vắng mặt, họ đều vâng lời dạy dỗ của ông. Sở dĩ họ phải làm như thế “vì Đức Chúa Trời đang tác động trong lòng” họ (13). Nếu Đức Chúa Trời đang tác động trong lòng chúng ta, thì chúng ta phải cộng tác với Ngài cách tận tình để đạt đến sự cứu rỗi; vì chúng ta sẽ không khổ công vô ích.

Mặc dù chúng ta phải “kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi”(12), nhưng sự thực hiện ấy dựa trên ân điển, tức là ơn, của Đức Chúa Trời. Nghĩa là mọi sự thực hành của chúng ta đều dựa trên sự hành động của Ngài trong chúng ta. Đừng đùa giỡn với Ngài bởi tánh tắc trách và trì hoãn, vì điều đó có thể chọc giận Ngài rút lại sự giúp đỡ, khiến cho mọi nỗ lực của chúng ta thành vô ích. Đức Chúa Trời không bắt chúng ta làm điều mình không làm nổi, Ngài ban toàn thể năng lực để con cái Ngài có thể làm, “để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (13). Vì chúng ta không có năng lực, nên cũng chẳng có công lao gì để khoe khoang; vì chúng ta không thể thực hành mà không có ân điển của Đức Chúa Trời giúp đỡ, thì cũng không thể tuyên bố hoặc giả vờ xem mình là xứng đáng nhận công lao. Ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời là nguyên nhân của sự tác động Ngài trong lòng chúng ta. Mọi điều nầy có được là do lời hứa hậu hĩ của Ngài.

Để thực hành sự cứu rỗi thì “hãy làm mọi việc không một lời than phiền, phản đối” (14). Làm công việc của Chúa, không cần phải tìm lý do để phản đối, thoái thác, cãi cọ gì về việc ấy. Mệnh lệnh Chúa truyền là để con dân Ngài vâng lời, không phải để tranh cãi. Nếu tín đồ thực hiện xuất sắc, chứng tỏ rằng họ đang phục vụ một Vị Chủ tốt lành. Tinh thần hoà bình và yêu thương nhau sẽ không xảy ra tranh chấp trong công việc. Mục đích là “để … trở nên người trong sạch, không ai chê trách được, làm con cái toàn vẹn của Đức Chúa Trời” (15); (chê trách [amometa] là tánh cằn nhằn từ điển-tích thần Momus thần thoại Hylạp, người chẳng làm gì hết, nhưng chuyên môn chỉ trích mọi người). Ý chỗ nầy là hãy làm để dù là Momus cũng không cách gì chỉ trích được. Dù chúng ta đang ‘ở giữa một thế hệ lừa đảo, đồi bại” thì vẫn “rạng ngời như sao sáng giữa trần gian” (15). Người vô đạo hay những người mê đắm trong các đạo lạc thì không thể tránh việc sa vào hành vi lừa đảo, đồi bại tầm thường của nhân gian.

Đức Chúa Giêxu Christ là sự sáng của thế gian; chúng ta, con dân Ngài, cũng là sự sáng của thế gian. Chúa dạy: “Hãy chiếu ánh sáng các con trước mặt mọi người” (Mathiơ 5:16). Chẳng phải chúng ta chỉ nỗ lực để được Đức Chúa Trời đẹp lòng, mà còn phải làm gương cho những người ở quanh mình nữa, “để họ thấy việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con trên trời.” Khi Đức Chúa Trời đặt người lành của Ngài ở một nơi nào, có nghĩa là Ngài thiết lập một ngọn đèn ở nơi ấy, thì con dân của Ngài hãy chiếu sáng qua cách sống chân thành của mình. “Anh em hãy giữ chặt lấy lời hằng sống” (16), là lời của Đức Chúa Trời đã khải thị và cống hiến cho chúng ta sự sống đời đời qua Đức Chúa Giêxu Christ. Nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là nắm chắc lời sự sống cho lợi ích của mình mà còn phải trương lời ấy lên vì ích lợi của người khác nữa, như chân đèn giữ chắc và giương ngọn nến lên soi sáng khắp chung quanh.

Để tôi được vui mừng trong ngày của Đấng Christ, vì tôi đã không chạy đua vô ích, không khó nhọc uổng công” (16). Niềm vui lớn của người chăn bầy là khi thấy mình đã không khó nhọc luống công, “trong ngày của Đấng Christ” tức là ngày mà bầy chiên họ đã dẫn dắt trở thành mão miện vinh hiển của họ:,“Ai là niềm hi vọng, niềm vui, mũ miện vinh hiển của chúng tôi trước mặt Đức Chúa Giêxu chúng ta khi Ngài trở lại? Không phải là anh em hay sao? Thật, chính anh em là vinh hiển và niềm vui của chúng tôi” (1Têsalônica 2:19–20). Vị sứ đồ không những chỉ khó nhọc vì họ để được thoả lòng, nhưng cũng sẵn sàng vì họ mà chịu khổ “Dù huyết tôi phải đổ ra làm lễ quán tưới trên sinh tế và của lễ anh em lấy đức tin dâng lên, tôi rất vui mừng và chia sẻ niềm vui ấy với anh em” (17). Ông sẵn lòng hi sinh tính mạng của mình để gây dựng Hội Thánh, phúc lợi của linh hồn người ta và phục vụ đức tin của những người được chọn. Đối lại, tín hữu cũng nên bày tỏ sự vui mừng khi thấy mục sư vì yêu thương mình hết lòng, đã tận tuỵ phục vụ (18).

Phaolô lo lắng cho các Hội Thánh thân yêu của ông vì đã lâu không được nghe tin họ. Vì thế ông giới thiệu Timôthê, một mục sư, một môn đồ và là người có đồng tâm tình với ông: “Tôi đặt niềm hi vọng trong Đức Chúa Giêxu, có thể gửi Timôthê đến với anh em sớm, để khi biết tin tức anh em, tôi được khích lệ. Vì tôi chẳng có ai khác cùng một tâm tình, lo lắng cho anh em” (19-20). Mục sư phải là người chăm sóc tình trạng và phúc lợi tâm linh của tín hữu: “Tôi không muốn tiền bạc của anh em, nhưng muốn chính anh em” (2Côrinhtô 12:14). Phaolô thấy bị cô đơn vì thực trạng đáng buồn: “Ai nấy đều lo nghĩ đến công việc riêng tư, không nghĩ đến việc của Đức Chúa Giêxu Christ” (21). Phẩm chất mà tín hữu Philíp có thể tin cậy Timôthê là được chính Phaolô luyện tập, phục vụ Tin Lành với ông như con với cha (22). Timôthê sẽ lên đường đi Philip ngay sau khi biết kết quả vụ xử án của Phaolô (23). Dù vậy, Phaolô tin rằng ông sẽ được trả tự do để sớm đến thăm anh chị em của mình ở Hội Thánh Philíp (24).

Nói về Epaphroditus, Phaolô gọi là “anh em, bạn đồng lao và chiến hữu… vừa là sứ giả của anh em gửi đến giúp đỡ tôi về các nhu cầu cần thiết” (25). Ông nầy đã bị bệnh nặng (26), và được Chúa chữa lành nhờ ơn thương xót của Ngài (27). Mọi người đều có nguy cơ bị bệnh, không loại trừ ai. Dù Phaolô là người có ân tứ quyền năng khác thường, nhưng không phải lúc nào ơn quyền cũng có thể vận dụng hiệu quả. Mọi việc đều nằm trong chương trình của Chúa theo ý muốn tốt lành của Ngài. Sự buồn rầu mà Phaolô nói đến ở đây là nếu Epaphroditus không được chữa lành mà qua đời, thì ngoài cái buồn bị lao tù, Phaolô còn buồn rầu về sự qua đời của một anh em thân yêu. Vì tín hữu ở Philip đã nghe tin Epaphroditus bị bệnh nặng gần chết và lo lắng nhiều, nên sự trở về của ông sẽ làm cho người Philíp “vui mừng khi gặp lại” còn Phaolô thì bớt lo (28).

Phaolô nhắn nhủ tín hữu Philíp “hãy hân hoan tiếp đón anh trong Chúa, và tôn trọng những người như thế” (29). Sở dĩ nên tôn trọng Epaphroditus vì ông đã “suýt bỏ mạng khi làm công việc Đấng Christ, xả thân làm những việc anh em không làm được để giúp tôi” (30). Những người thật lòng yêu mến Đức Chúa Giêxu Christ, chân thành quan tâm đến lợi ích của Vương-quốc Ngài, sẽ hết sức tôn trọng những người đã xả thân cho công việc Chúa, mà tính mạng hay sức khoẻ bị lâm vào tình trạng nguy hiểm; cũng sẽ vui mừng tiếp nhận những anh chị em nầy. Nhất là sau khi họ được phục hồi sức khoẻ, mối hiểm nguy đã rời xa. Họ là quý báu vì đã trải qua lửa thử nghiệm.

Philip05.docx

Rev. Dr. CTB