Thư Philíp, bài 02
Tâm Tình của Phaolô
Philíp 1:7–20
Sự tin chắc của Phaolô về ‘việc lành,’ mà tín hữu ở Philíp sẽ được Đức Chúa Trời thực hiện xong cho họ vào ngày của Đức Chúa Giêxu Christ, căn cứ vào tình yêu thương vô cùng sâu đậm mà Phaolô dành cho họ. Ông yêu họ như yêu chính linh hồn mình: “Tôi nghĩ về anh em như thế là đúng, vì anh em ở trong lòng tôi” (7). Ông nêu lý do của tình yêu đó là: “Trong khi tôi bị giam cầm, cũng như khi tôi đứng ra bênh vực và củng cố Tin Lành, anh em đã cùng tôi chia sẻ ân điển.” Sự chia sẻ nầy có hai nghĩa: Họ nhận được lợi ích bởi ông và thánh vụ của ông; qua ông, họ được dự phần ân điển của Đức Chúa Trời ban cho. Tín hữu thân cận và yêu mến mục sư của mình khi họ được ích lợi từ sự phục vụ của vị nầy. Cũng có nghĩa là đồng chia sẻ khổ nạn của Phaolô bằng sự cảm thông và lo lắng, sẵn sàng tiếp trợ những gì ông cần. Dấu hiệu chân thật của sự tôn trọng dành cho mục sư của mình là tiếp nhận và giữ gìn các giáo lý mà người đã dạy.
Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể chứng thực tình yêu nồng nàn của Phaolô đối với anh em tín hữu ở Philíp là ông “mong mỏi được gặp lại họ với tấm lòng ưu ái của Đức Chúa Giêxu Christ” (8). Bắt chước lòng ưu ái của Đức Chúa Giêxu là thương xót những linh hồn đáng thương, mong mỏi được gặp mặt, được nghe tin tức về họ, cũng là mong cho họ có đời sống tâm linh mạnh mẽ, được gia tăng về tri thức và sự hiểu biết, là lời cầu nguyện Phaolô vì họ dâng lên Chúa mỗi ngày (9). Mỗi người chúng ta đều được khích lệ khi biết mình được anh chị em, bạn bè thường xuyên cầu thay cho mình. Những lời cầu thay xuất phát từ lòng yêu thương chân thành thì chắc chắn sẽ lên thấu ngai Đức Chúa Trời; nhất là lời cầu xin “cho tình yêu của anh em ngày càng chan chứa, cho anh em được sự hiểu biết và tri thức tâm linh.” Không phải tình yêu mù quáng tiến cử chúng ta lên Đức Chúa Trời, nhưng là tình yêu có nền tảng hiểu biết và giỏi nhận định.
Chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời vì sự tuyệt hảo đáng yêu vô hạn của Ngài; chúng ta cũng yêu mến anh chị em mình trong đức tin, vì chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Đức Chúa Trời trong họ. Những sự hăng say quá mức nhưng thiếu hiểu biết và thiếu nhận định vững vàng, sẽ dẫn đến nhiều điều tai hại hơn là tốt lành. Vì lý do đó, ‘sự hiểu biết và tri thức tâm linh’ sẽ giúp cho họ có thể “thử nghiệm cho biết điều gì là tuyệt hảo, và như thế, giữ được lòng đơn thuần (chân thành), không chỗ chê trách cho đến ngày của Đấng Christ” (10). Chân lý và luật lệ của Đấng Christ đều là những điều tuyệt hảo; mỗi chúng ta đều cần phải biết chấp nhận và hết sức tôn trọng. Nhờ đó chúng ta mới có thể là những người ngay thẳng chân thành. Sự chân thành là Tin Lành hoàn hảo của chúng ta rao truyền cho thế giới, là vinh quang của mọi ân điển chúng ta đã tiếp nhận.
“Không chỗ chê trách” tức là không gây cớ vấp phạm cho anh em mình hoặc làm Chúa buồn lòng. Đức Chúa Giêxu vẫn hằng chấn chỉnh con cái của Ngài để có thể trình diện Hội Thánh lên Ngài như một tân nương không có khuyết điểm nào (Êphêsô 5:26–27); và “Đấng có quyền giữ anh em khỏi vấp ngã, cho anh em đứng vững trước vinh quang Ngài, không chỗ chê trách, đầy niềm vui” (Giuđe 24). Cũng nhờ sự “thử nghiệm cho biết điều gì là tuyệt hảo,” thì tín hữu Philíp “được đầy trái công chính ra từ Đức Chúa Giêxu Christ, để Đức Chúa Trời được tôn vinh ca ngợi” (11). Những trái công chính là bằng chứng và hiệu quả của sự thánh hoá. Một tấm lòng được đổi mới qua tiến trình thánh hoá sẽ sinh ra các bổn phận của sự thánh khiết. Và qua những đời sống như vậy thì “Đức Chúa Trời được tôn vinh ca ngợi.”
Phaolô dùng lời giải thích để ngăn chặn sự ngã lòng có thể xảy đến cho những tân tín hữu ở Philíp, khi họ thấy ông bị lao tù vì Tin Lành. Họ có thể suy nghĩ rằng: ‘Nếu các giáo lý Tin Lành là từ Đức Chúa Trời, thì tại sao một người được Ngài sử dụng cách hiệu quả như vậy lại bị bỏ lơ trong lao tù như một cái bình vỡ không ai thèm xài nữa?’ Suy nghĩ nầy có thể khiến họ nghi ngờ, sợ hãi, không còn muốn dính líu gì tới các giáo lý ấy, vì không muốn bị vướng vào sự rắc rối như Phaolô đang bị. Do đó ông viết: “Tôi muốn anh em biết rằng những điều xảy đến cho tôi thật ra đã làm cho Tin Lành phát triển mạnh mẽ hơn” (12). Nghĩa là tình cảnh lao tù của ông do sự khôn ngoan và nhân từ của Đức Chúa Trời đã sắp đặt để mở mang Vương quốc của Ngài.
Bằng cớ là: “Đến nỗi cả đoàn ngự lâm quân và mọi người khác đều biết tôi chịu xiềng xích vì Đấng Christ” (13). Toàn thể hoàng gia, triều đình và đoàn ngự lâm quân của hoàng đế La-mã đều biết Phaolô bị lao lý không phải vì phạm tội ác như những người khác, nhưng bị ghen ghét vì rao tin mừng của Đấng Christ. Chính thời gian lao tù của Phaolô tại kinh đô Rôma của đế quốc La-mã đã đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho nhiều người trong hoàng gia của Caesar (4:22). Trong khi đó những người khác thấy sự bạo dạn của Phaolô trong cảnh xiềng xích “họ càng bạo dạn rao truyền lời Đức Chúa Trời hơn nữa, không sợ hãi gì” (14). Thế thì, lao tù của Phaolô không phải là điều xấu theo cách nhìn của những người xa lạ với chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời. Đấng khôn ngoan vô hạn và toàn tri biết rõ những gì sẽ xảy ra trong sự dàn xếp của Ngài. Phần chúng ta là cứ tin cậy thiện ý của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đức Chúa Trời từng phán với con dân rằng: “Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi là ý tưởng bình an, không phải tai hoạ, để các ngươi được sự hi vọng trong lúc cuối cùng của mình” (Giêrêmi 29:11).
Không phải người nào cũng làm công việc truyền giáo vì động lực đúng. “Có những người rao giảng Đấng Christ vì ganh tị và tranh cạnh” (15), người khác thì “rao giảng Đấng Christ vì tham vọng cá nhân, không chân thành” (17). Con người ta thường ganh tị với những ai giỏi hơn mình, hoặc được tiếng khen giữa các Hội Thánh nhiều hơn mình. Tất cả những việc đó xảy ra chỉ vì bản chất kiêu căng mong muốn danh vọng từ người đời. Những người ấy quên mất rằng được Chúa khen hoặc quý chuộng, hay Chúa nghĩ thế nào về mình, mới là điều quan trọng nhất. Tâm lý sợ bị thua kém người khác, là nguyên nhân gây ra biết bao đổ vỡ các mối liên hệ lành mạnh trong Hội Thánh của Chúa. Sự ganh ghét cũng xảy ra vì có quan điểm thần học khác nhau nữa. Đây là trường hợp của những người đi rao giảng Tin Mừng với mục đích mà họ tưởng rằng có thể gây thêm khổ đau cho xiềng xích của Phaolô, bằng việc rao giảng Đấng Christ kèm theo sự giữ luật pháp Môise. Ngày nay thì người ta nghi kỵ các ân tứ của Đức Thánh Linh.
Động lực thấp thỏi tầm thường đó khác hẳn với những người có động lực vì tình thương rao giảng với thiện chí, do biết Phaolô “được Chúa uỷ nhiệm để bênh vực cho Tin Lành” (16). Điều quan trọng đối với Phaolô là: “Dù thế nào đi nữa, giả vờ hay chân thật, Đấng Christ cũng được rao giảng” (18). Thái độ và tâm tình của người đầy tớ thật của Đức Chúa Giêxu là Danh Ngài sẽ được rao giảng khắp nơi. Người đầy tớ trung thành sẽ vui mừng khi thấy tên tuổi của Chủ mình và ơn cứu độ của Ngài được rao truyền cho mọi người. Phaolô thì vui mừng thêm, vì điều ấy sẽ khiến cho ông “sớm được giải thoát nhờ lời cầu nguyện của anh em và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Giêxu Christ phù trợ” (19). Nghĩa là nhờ đó ông sớm được giải thoát khỏi chốn lao tù.
Điều Phaolô luôn luôn mong chờ và hi vọng là Đấng Christ được tôn vinh. Vì thế, “sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn cả” (20). Khi Đấng Christ được rao giảng càng nhiều thì càng thêm nhiều người được biết rõ nguyên nhân Phaolô bị cầm tù. Vì Chúa mà bị bỏ tù là một vinh dự lớn, như lời hứa của Đức Chúa Giêxu đã phán: “Phước cho các con khi bị người ta nhục mạ, bắt bớ và vu cáo đủ điều vì Ta. Hãy hân hoan mừng rỡ, vì phần thưởng của các con ở trên trời là lớn lắm.” (Mathiơ 5:11–12). Những ai ước ao thấy Chúa được vinh danh, thì chắc chắn sẽ đạt được ước muốn đó. Vì sự ước ao đó hoàn toàn trùng hợp với lời cầu nguyện của Đức Chúa Giêxu đã được đáp lời: “‘Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha!’ Có tiếng vang dội từ trời: ‘Ta đã tôn vinh rồi, Ta sẽ còn tôn vinh nữa’” (Giăng 12:28). Từ hi vọng đó Phaolô tuyên bố: “Dù hiện tại hay tương lai, dù sống hay chết, thân nầy cũng tôn vinh Đấng Christ” (20).
Philip02.docx
Rev. Dr. CTB