Chúa Nhật, August 26th, 2012
Động Lực Tìm Kiếm Ơn Tiên Tri
1Côrinhtô 14:1
Từ khi thánh vụ tiên tri được phục hồi ở một số Hội Thánh địa phương, thánh vụ nầy đã thu hút sự chú ý đặc biệt của hai giới tín hữu. Giới thứ nhất là những người vẫn khát khao được thấy các ân tứ quyền năng của Đức Chúa Trời hiển lộ để chứng minh cho quyền phép của phúc âm, thì vô cùng hào hứng theo dõi. Giới thứ nhì là những người đã dạy rằng thời kỳ quyền phép siêu nhiên đã kết thúc sau khi sứ đồ Giăng qua đời; họ không tin Đức Chúa Trời vẫn còn thi thố các dấu kỳ phép lạ ngày nay, cũng không tin các ân tứ do Đức Thánh Linh ban cho vẫn còn vận hành giữa Hội Thánh; thì theo dõi với ác cảm, nghi ngờ, chê bai và công kích kịch liệt hễ có sai trật xảy ra. Vì bên cạnh những biểu lộ ngoạn mục của ơn tiên tri tạo lợi thế vô cùng hữu ích cho Hội Thánh Chúa và ích lợi cho vô số người, thì cũng có những sai trật đầy tai tiếng do vài người nói tiên tri dỏm gây ra. Dù cho ân tứ tiên tri được sử dụng đúng cách, vẫn gây ra sự hiểu lầm.
Người ta đã áp dụng các tiêu chuẩn rất khắt khe đối với thánh vụ tiên tri, nhưng không áp dụng cách khắt khe đối với những thánh vụ khác. Ví dụ như, mặc dù đã có rất nhiều mục sư sai phạm, nhưng không ai đòi huỷ bỏ chức vụ mục sư hay giám mục; có nhiều nhà truyền giáo, giáo sư gian dối, dạy giáo lý sai trật, bậy bạ, nhưng chẳng ai đòi huỷ bỏ thánh vụ truyền giáo và chức vụ giáo sư. Thế nhưng, nếu có người phạm sai lầm trong việc nói tiên tri, thì làn sóng chống đối kịch liệt công kích, đòi huỷ bỏ thánh vụ tiên tri sẽ nổi lên ầm ầm. Đòi dẹp bỏ một thánh vụ và ân tứ Chúa ban chỉ vì một số lầm lỗi, là một đòi hỏi vô lý và lố bịch. Điều cần làm là nhận ra sai sót và học biết sửa đổi để duy trì sự chân chính của thánh vụ tiên tri.
Đối với Đức Chúa Trời thì sự phục hồi thánh vụ tiên tri trở lại tầm cỡ Kinh Thánh và sự đúng đắn của nó là rất quan trọng, nhưng điều đó không phải là mục đích tối hậu của Ngài. Nó là một phần để chuẩn bị cho một sự vận hành vĩ đại hơn nhiều sẽ đến. Hội Thánh cần phải hiểu biết mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời là đổ xuống một cơn phấn hưng huy hoàng chưa từng có cho Hội Thánh để cứu vớt thêm vô số linh hồn vào nước trời, trước khi Đức Chúa Giêxu trở lại thế gian. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không bị chi phối bởi các mục đích ít quan trọng hơn. Nếu Hội Thánh muốn hoàn thành thánh vụ thời tận thế của mình, thì phải có thánh vụ tiên tri thật chính xác có thể tin cậy được, và một sự ngay thẳng không chút khuyết điểm, để người trần gian phải nhìn Hội Thánh bằng ánh mắt nể sợ, dù cho họ có ghét sự thánh thiện của chúng ta đi nữa.
Khi bức màn sắt ở các nước Đông Âu cộng sản vẫn còn bịt kín, một vài thánh vụ tiên tri đã nói tiên tri trong thập niên 1980 rằng, bức màn sắt ấy sẽ bị dẹp bỏ một thời gian để Tin Mừng có thể được rao truyền ở các nước cựu cộng sản trong thời gian ấy. Tuy vậy, những người được biết các lời tiên tri đó chẳng ai chịu chuẩn bị để tận dụng tình thế khi nó xảy ra. Vì vậy, Hội Thánh đã không kịp trở tay khi hoàn toàn bị bất ngờ lúc bức màn sắt sụp đổ, một sự kiện đã làm thay đổi cục diện chính trị toàn thế giới. Nhiều tà giáo và các nhóm tâm linh có chuẩn bị kỹ hơn đã tràn vào để lấp chỗ trống đói khát tâm linh ở các nước nầy, bây giờ vẫn gây ra biết bao tai hại.
Vào cuối thập niên 1980, một vị tiên tri tiết lộ sẽ có động đất lớn ở miền Bắc California và còn nói rõ là sẽ xảy ra ở khu nam San Francisco với cường độ lớn hơn 7 độ Richter; cầu Oakland sẽ không an toàn; cả thế giới sẽ chứng kiến trận động đất nầy trong mùa thu. Trận động đất đã nổ ra giữa lúc đang diễn ra trận đầu tiên của loạt trận chung kết bóng chày tại sân Candlestick Park, San Francisco, trực tiếp truyền hình cho khắp thế giới vào mùa thu năm 1989 y như lời tiên báo. Sau đó cũng vị tiên tri ấy tiên báo năm 1993 sẽ có trận bão tuyết dữ dội đi qua hai tiểu bang Carolinas và vùng Đông Bắc, ở một thời điểm đầu mùa xuân trước đây chưa bao giờ có. Rồi tiên báo lụt lớn khắp khu vực Trung Tây thuộc lưu vực sông Mississippi chỉ vài tuần trước cơn lụt.
Để biết tại sao con người có được ơn tiên tri chính xác đến như vậy, chúng ta phải tìm trong Kinh Thánh nói gì về vấn đề nầy. Động lực giúp tín hữu được Chúa ban ơn phải nằm trong lòng, vì Đức Chúa Giêxu có phán: “Người nào tin Ta, từ trong lòng người ấy sẽ tuôn trào những dòng sông hằng sống;” đó là Ngài nói về Đức Thánh Linh (Giăng 7:38). Nhưng động lực ấy phải trong sáng, như Châm Ngôn 4:23 nói: “Hãy cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” Sứ đồ Phaolô nói: “Anh em hãy tự xét, xem mình có đức tin không” (2Côr.13:5). Sự tự xét nầy chủ yếu là về sự trong sáng của động lực trong lòng. Sự công chính của chúng ta không phải là kết quả do tâm trí tin tưởng, nhưng do niềm tin trong lòng. Khi chúng ta tìm kiếm Chúa không phải là tìm kiếm tri thức để hiểu biết, nhưng để yêu mến chân lý. Mỗi lần nghe việc mà mình đã biết, nhưng khiêm nhu lắng nghe những gì Chúa muốn phán với lòng mình, ân điển Chúa sẽ chuyển sự biết từ tâm trí sang tấm lòng; vì mục tiêu không phải để biết, mà để trở thành.
Trở thành một người bước đi thân mật gần gũi với Chúa, phải là động lực căn bản của người mong muốn một thánh vụ tiên tri. Cốt lõi của ơn tiên tri là được thân mật với Chúa đến nỗi Ngài sẽ không làm một điều gì mà Ngài chưa cho chúng ta biết: “Chúa Giêhôva chẳng làm một việc gì mà không tỏ sự kín nhiệm Ngài cho các đầy tớ Ngài là các nhà tiên tri” (A-mốt 3:7). Thế thì người được ban cho ơn tiên tri chính xác phải là một người có tình bạn rất thân cận đặc biệt với Chúa; do đó, mục tiêu chủ yếu và tối hậu của chúng ta phải là tình bạn và tình thân mật với Đức Chúa Trời, không phải là sẽ được ban cho khả năng nói tiên tri vô cùng chính xác để được anh chị em tín hữu tôn trọng và kính phục, nhưng chỉ để được gần bên Ngài, nghe tiếng và ngắm xem Ngài.
Chúng ta cũng phải tha thiết ước ao các ân tứ thuộc linh để có thể được ban cho, nhưng động lực phải là do đức bác ái muốn hoàn thành các mục đích của Đức Chúa Trời và thoả đáp nhu cầu của con dân Ngài. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thân mật gần gũi với Chúa để biết những gì Ngài sẽ làm, thì đó là một động lực muốn lợi dụng Ngài. Chúng ta tìm kiếm Ngài vì muốn được gần gũi với Ngài, chứ không phải vì muốn được Ngài ban cho điều chi. Sự khải thị về các mục đích của Chúa sẽ đến với chúng ta khi chúng ta ước ao mong mỏi được thân mật gần gũi với Ngài. Nếu ơn khải thị là động lực chính yếu thúc đẩy chúng ta tìm cách gần gũi Chúa, thì ta sẽ chẳng được gì.
Thế còn những sự sai trật thì sao? Trên bước đường tăng trưởng ơn tiên tri, sự sai trật lầm lỗi là điều không tránh khỏi. Khi sai trật xảy ra, chúng ta phải biết rút ra bài học từ kinh nghiệm ấy để tránh không lặp lại lỗi lầm. Những người có ơn tiên tri chân thật chẳng bao giờ tự xưng là tiên tri, cũng chẳng màng chức vụ. Họ chỉ hết sức học hỏi để có thể nghe Chúa một cách chính xác và mong cho toàn thể Hội Thánh đều đạt đến khả năng đó. – Một số tín hữu có thành kiến rằng hễ là người tiên tri thật, thì không thể nói tiên tri sai. – Vào thời đại chúng ta đang sống, khi ơn tiên tri mới được phục hồi cho Hội Thánh, chưa có tiên tri nào đạt mức chính xác 100%. Mặc dù những người có ơn tiên tri vẫn nhắm tới mục tiêu nói tiên tri chính xác 100%, không ai dám quả quyết rằng họ chẳng bao giờ nói tiên tri không chính xác. Ai tự xưng như vậy thì không đáng tin.
Sứ đồ Phaolô giải thích rằng, “Vì tri thức chúng ta thiếu sót, nên nói tiên tri bất toàn” (1Côr. 13:9). Nếu lời tiên tri do Đức Thánh Linh mặc khải, thì tại sao có sự sai trật xảy ra? Có một số lý do. Người ta bị sai trật khi cho phép mình quá chú ý vào các ý nghĩa bất thường của sứ điệp, hơn là mục đích của Đức Chúa Trời qua sứ điệp đó. Nghĩa là, có thể người có ơn tiên tri thấy một thị tượng, hoặc nhận được một ý tưởng chi đó về một người nào đó. Thay vì cầu hỏi và chờ đợi Đức Thánh Linh ban sự giải nghĩa, người nầy nhắm vào hình ảnh hay ý tưởng không bình thường, rồi phán đoán ý nghĩa và nói ra những điều sai với mục đích Chúa muốn bày tỏ. Do đó, lời tiên tri bị sai hoàn toàn. Nhiều khi, người ta cho rằng chức vụ tiên tri phải hoàn hảo. Nhưng phương pháp của Đức Chúa Trời đôi khi rất kỳ dị. Tiên tri Ô-sê bị Đức Chúa Trời sai đi cưới một đàn bà ngoại tình trắc nết làm vợ, để Ngài bày tỏ sự phản bội của nước Israel. Ông vâng lời làm theo (Ôsê 1:2).
HieuBietOnTienTri02.docx
Rev. Dr. CTB