Chúa Nhật, August 14th, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (24)
Nếp Sống Tâm Linh Nề Nếp (a)
Philíp 2:12–13
Mỗi khi người ta nghe nói tới vấn đề nề nếp, kỷ luật, hay khuôn khổ, vv., thì thường nghĩ tới một số điều nào đó mà mình ưa thích phải bị từ bỏ, hi sinh. Phản ứng thường là buồn rầu hợp tác cách miễn cưỡng, không mấy hăng hái. Trái ngược với quan niệm ấy, việc tự khép mình vào kỷ luật thiên đàng chẳng bao giờ có nghĩa là mình phải mất một cái gì đó mà không được đổi lại cái chi khác tốt hơn. Đức Chúa Trời kêu gọi con cái của Ngài hãy đổi những thứ mình đang ưa thích ở trần gian để nhận lãnh những điều quý trọng hơn bội phần; Ngài chẳng khi nào ép con cái Ngài phải bỏ một thứ gì mà trong lòng vẫn còn quyến luyến, tiếc rẻ. Những ai theo đuổi một nếp sống tâm linh có nề nếp sẽ sở hữu hoặc đạt đến những khả năng đặc biệt của tâm linh cách có hiệu quả nhất. Có nhiều người sau khi áp dụng nguyên tắc nầy và nhận được những ơn phước diệu kỳ, thì suýt xoa nói rằng nếu không quyết định áp dụng là một lỗi lầm không chi dại dột bằng.
Trong lãnh vực theo đuổi sự tăng trưởng tâm linh, có hai thái cực mà tín hữu thường áp dụng hoặc cái nầy hoặc cái kia: Một là quá chú trọng tới yếu tố con người và hạ thấp vai trò của Chúa. Quan điểm nầy cho rằng chúng ta cần phải phấn đấu để sống cho Đức Chúa Giêxu, cho nên nhấn mạnh tới kiến thức tâm linh, luật lệ, nỗ lực tận hiến, và các hoạt động trong khả năng con người. Quan niệm nầy bỏ qua hoặc coi nhẹ vai trò của Đức Thánh Linh trong việc nắn đúc bản chất của con người mới. Thái cực thứ nhì nhấn mạnh vai trò của Chúa và giảm thiểu bổn phận của người tín hữu. Quan điểm nầy làm cho tín hữu thụ động, chỉ quan tâm tới những kinh nghiệm và việc siêu nhiên, chú trọng tới thân vị và công tác của Đức Thánh Linh, đánh giá thấp phần nỗ lực của tín hữu trong tiến trình trưởng thành tâm linh.
Kinh Thánh dạy rằng sự trưởng thành của đời sống tâm linh phải quân bình cả hai yếu tố con người và Đức Thánh Linh. Như có chép: “…, anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi; vì Đức Chúa Trời đang tác động trong lòng anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Philíp 2:12–13). Về phía loài người, chúng ta có trách nhiệm thực hành sự cứu rỗi đã ban cho ta (không phải tạo thành tích để được kể công); về phía thiên đàng thì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chúng ta lòng mong muốn và sức mạnh để hoàn thành các mục đích của Ngài.
Mẫu mực hợp tác giữa loài người với thiên cung ra sao? Đức Chúa Giêxu đã dùng một ví dụ rất cụ thể và dễ hiểu trong lời dạy của Ngài ở Giăng 15:4–11: Như nhánh nho cứ ở yên duy trì vị trí nối liền với gốc nho của mình, liên tục nhận lấy nhựa sống từ thân nho rồi sinh ra trái; về phần thân nho là nâng đỡ nhánh, cung cấp nhựa sống cho nhánh. Tương tự như thế, chúng ta phải duy trì địa vị của mình ở trong Chúa để nhận lấy sức sống từ Ngài tuôn tràn vào tâm linh ta qua Đức Thánh Linh, rồi nhờ sự sống đó mà chúng ta kết quả bởi sự biến đổi từ tâm tánh con người cũ ra tâm tánh của con người mới, có đầy đủ phẩm chất của con cái Chúa, đến nỗi những người chung quanh chưa tin Chúa sẽ bị thu hút bởi sự sống thiên đàng liên tục tuôn tràn trong ta, dẫn họ nhận biết Đức Chúa Giêxu là chân lý, và tiếp nhận Ngài làm Chúa của đời họ.
Một điển hình khác ghi ở Rôma 12:1–2 “…, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời; đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng đồng hoá với đời, nhưng được biến hoá nhờ tâm trí đổi mới, …” Quyết định dâng thân thể mình làm sinh tế sống và thánh, không đồng hoá với đời mà biến hoá theo sự đổi mới của tâm trí mình đều là phần trách nhiệm của tín hữu. Chúa không làm thay chúng ta những phần việc nầy. Các lời khuyên về những điều lành phải làm (Rôma 12:17–21), cũng là phần của mỗi tín hữu phải làm.
Thư Côlôse cũng chỉ dẫn: “… xin Chúa cho anh em được thấu triệt ý muốn Đức Chúa Trời, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết thuộc linh, để anh em sống xứng đáng cho Chúa, làm đẹp lòng Ngài về mọi phương diện, kết quả trong mọi việc lành, ngày càng hiểu biết Đức Chúa Trời hơn, được sức lực vạn năng, theo quyền phép uy dũng của Ngài, hầu cho anh em kiên tâm chịu đựng mọi gian khổ, vui mừng tạ ơn Cha, vì Ngài làm cho chúng ta có thể cùng hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ trong miền ánh sáng” (1:9–12). Nghĩa là Chúa sẽ ban cho chúng ta đầy dẫy tri thức về ý muốn của Ngài cùng với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa. Phần chúng ta là phải ăn ở cách xứng đáng với Chúa, kết quả trong việc lành, thì nhờ quyền phép và sức lực mọi bề do Chúa ban, chúng ta sẽ có thể vui vẻ chịu đựng mọi sự gian khổ. Để có thể đạt đến một nếp sống thuộc linh có nề nếp, chúng ta phải thực hiện vài bước cần thiết:
a) Nương cậy vào Chúa: – Sự sống của Đấng Christ chỉ có thể thành hình trong lòng chúng ta do quyền phép của Đức Thánh Linh. Đây là công việc của quyền năng thiên thượng Ngài làm; cho nên không một nỗ lực nào của loài người có thể thay thế để đạt đến được. Ai tách rời khỏi Đấng Christ sẽ không làm được chi hết (Giăng 15:4–5). Vì thế, chúng ta phải phát triển một ý thức nương cậy trên quyền phép của Đức Thánh Linh trong mọi việc mình làm. Sứ đồ Phaolô khuyên tín hữu ở Galati hãy sống theo Đức Thánh Linh thì họ sẽ không còn làm theo ý muốn của con người tội lỗi mình. Và vì đã nhận được nếp sống mới từ Đức Thánh Linh, họ hãy bước đi theo Đức Thánh Linh (Galati 5:16, 25). Bước đi có nghĩa là mỗi việc làm trong nếp sống hàng ngày đều phải hoàn toàn nương cậy vào sự hướng dẫn của Chúa.
b) Kỷ luật và tiết chế: – Không bước tăng trưởng nào của nếp sống Cơ-đốc mà không cần kỷ luật và tiết độ. Sự trưởng thành thuộc tâm linh không tự động hoặc tức khắc xảy ra; nó phải qua một tiến trình phát triển và rèn luyện. Tất cả thư tín của các sứ đồ gửi cho các Hội Thánh đều có đầy những mệnh lệnh trong thư. Nếp sống tâm linh được rèn luyện dần qua những biện pháp kỷ luật của đời sống đức tin. Phaolô đã dùng các hình ảnh chiến sĩ, nông gia để diễn tả kỷ luật của nếp sống Cơ-đốc-nhân (2Timôthê 2:3–6; 1Côrinhtô 9:24–27). Đặc điểm sự trưởng thành thuộc linh là tạo ra khả năng nhận biết và áp dụng các nguyên tắc của Kinh Thánh vào nếp sống mỗi ngày. Lời Kinh Thánh trở nên sống động khi những giáo huấn trong đó được đem ra áp dụng. Điều đó sẽ không xảy ra nếu không có quyết định lựa chọn của con người. Chúng ta cần quyết tâm để cho tâm trí và tình cảm của mình được Đức Thánh Linh hướng dẫn và làm cho mạnh mẽ.
Một số người không thích chữ kỷ luật; vì đối với họ kỷ luật là một sự bắt ép, nô lệ. Nhưng nếu những người ấy chịu tra xem Kinh Thánh và nghiên cứu đời sống của các thánh nhân trong lịch sử của Hội Thánh thì sẽ thấy quan điểm của họ rất sai trật. Toàn thể sách Châm Ngôn nhằm dạy người đọc phải biết khép mình vào những lời giáo huấn để nhận được những ích lợi vượt quá sự hiểu biết bình thường. Ví dụ như sự khôn ngoan là một vốn liếng chỉ có thể phát triển qua sự áp dụng những giáo huấn và kỷ luật. Vốn liếng ấy là nghệ thuật sống dưới sự tể trị của Chúa, mà qua đó chúng ta được giải thoát khỏi bản ngã hư hoại của mình, để tự do trở thành dân mà Chúa định cho chúng ta trở thành. Việc theo đuổi sự khôn ngoan, dè dặt, hiểu biết, và tri thức về Chúa đòi hỏi không chỉ là lòng ưa thích mà còn là sự sẵn lòng trả giá nữa. Một nhạc sĩ tài danh phải bỏ ra nhiều năm khổ luyện mới đạt đến trình độ xuất sắc.
Đức Chúa Giêxu yêu quý của chúng ta đã tự khép mình vào những kỷ luật cổ điển như: một mình ở nơi tĩnh lặng, sống đơn giản nghèo khó, dành rất nhiều thì giờ cầu nguyện, sẵn lòng phục vụ, hi sinh, và thường kiêng ăn, vv. Các việc ấy không phải là việc lựa chọn tuỳ thích của người mong mỏi làm cho Chúa Cha vui thích và vinh danh, mà là những hành động của một tâm linh vâng phục. Bắt chước theo những gương của Đức Chúa Giêxu là mục tiêu mà mỗi con cái Chúa nên học đòi. Đức Chúa Cha rất vui thích khi con cái Ngài hiểu biết được điều nầy. Vì đời sống tâm linh có nề nếp là mục tiêu để con cái Chúa có thể trưởng thành và kết quả.
QuyenNangThuocLinh24.docx
Rev. Dr. CTB