Chúa Nhật, July 24th, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (21)
Lột Bỏ Tâm Tánh Xác Thịt
1Côrinhtô 2:12 – 15
Trong Hội Thánh của Chúa, một số tín hữu đã được biến đổi tâm tánh xác thịt của họ thành tâm tánh thiêng liêng; nhưng một số đông khác vẫn tiếp tục mang tâm tánh xác thịt. Ném bỏ các thứ hành lý cồng kềnh vướng víu không dễ dàng như nhiều người tưởng. Bởi vì rất nhiều người không biết những giáo huấn nào của Kinh Thánh có thể giúp người ta quăng bỏ những thứ không cần thiết để bước vào cửa hẹp, viễn du trong cuộc phiêu lưu đầy ngoạn mục với Chúa. Thường thì đời sống tâm linh của chúng ta có hai giai đoạn rõ rệt: Một giai đoạn được gọi là xác thịt hay ấu trĩ thuộc linh. Nghĩa là người ở vào giai đoạn nầy có cách suy nghĩ, phản ứng, và mang tánh tình của con người thiên nhiên, chưa được thay đổi. Giai đoạn kia là lúc có tâm linh trưởng thành hơn, được gọi là tín hữu thiêng liêng, hoặc tín hữu tin kính.
Phaolô nói về loại tín hữu thuộc giai đoạn đầu như sau: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi không thể nói với anh em như người sống theo Thánh Linh, nhưng như người sống theo tính xác thịt, như trẻ sơ sinh trong Đấng Christ. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho thức ăn đặc, vì anh em chưa ăn được. Cho đến bây giờ anh em cũng vẫn chưa ăn được” (1Côr.3:1–2). Như vậy, giảng dạy những vấn đề thiêng liêng cho những người ấu trĩ thuộc linh, mang nặng tâm tánh xác thịt, là những cố gắng vô dụng. Những người ấy đã thật sự là tín hữu, vì họ có tin rằng Đức Chúa Giêxu đã chết thay cho tội lỗi của họ và mong muốn nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời. Nhưng vẫn còn rất ấu trĩ trong đời sống đạo vì chưa lột bỏ nổi tâm tánh xác thịt; hễ bị chạm tới tự ái, thì ngay lập tức họ để cho con người cũ trỗi dậy làm chủ, sinh ra đủ thứ hờn giận thù oán.
Sứ đồ Phaolô nói rằng ông không thể dạy những người như vậy về các chân lý thuộc linh, vì họ không thể nhận được những vấn đề phải hiểu theo cách thiêng liêng. Không phải những người nầy ngu dốt. Họ có thể có đầy tri thức thế gian và rất khôn khéo trong các việc trần tục, nhưng vì họ không thể hiểu những sự dạy dỗ thiêng liêng đến từ Đức Thánh Linh. Điều nầy bộc lộ rõ một sự thật rất đơn giản: Tất cả những rắc rối trong Hội Thánh giữa các tín hữu, là những người nhận được ơn phước vào một lúc nào đó rồi lại đánh mất ơn phước ấy, chỉ vì họ vẫn còn nuôi tánh xác thịt. Các tín hữu đó cần hiểu rằng những ơn phước ấy có thể duy trì mãi bằng nếp sống tin kính.
Làm thế nào có thể được biến đổi từ xác thịt sang tâm tánh thiêng liêng – hay nói cách khác, có thể nào một người có tâm tánh xác thịt lột bỏ được tâm tánh ấy để khoác vào tâm tánh thiêng liêng được không? Nếu được thì làm thế nào để được? Điều đầu tiên là những người đó cần có một chút khái niệm về một đời sống thiêng liêng và có chút đức tin vào việc ấy. Nếu lòng người không biết rằng đang có những đời sống thiêng liêng hiện hữu giữa Hội Thánh, cũng không nghĩ rằng mình có thể trở thành những người thiêng liêng, thì họ sẽ không tin. Bởi vì sự vô tín luôn luôn có sẵn trong lòng con người.
1Côr. 3:1 nói rõ là có hai loại tín hữu, tín hữu sống theo xác thịt, và tín hữu sống theo Thánh Linh. Nghĩa là có hai quyền lực đối chọi nhau trong đời sống tâm linh của tín hữu. Người bị cai trị bởi tánh xác thịt tức là những người chưa thắng nổi quyền lực của tội lỗi, vì họ vẫn còn là ‘trẻ sơ sinh trong Đấng Christ,’ tuy đã nhận được ơn cứu độ nhưng chưa mời Đức Thánh Linh vào làm chủ cai trị đời mình nên không đủ sức chống ma quỷ (Mathiơ 12:44). Đức Thánh Linh là sự sống của Đức Chúa Trời đến chiếm ngự lòng của tín hữu khi nào họ chịu cho con người cũ chết và bị chôn với Đức Chúa Giêxu Christ để cũng được sống lại với Ngài (Rôma 6:6–8). Lúc ấy Đức Thánh Linh nắm quyền cai trị trong lòng tín hữu khiến sự sống của Đấng Christ trở thành sự sống của họ (Galati 2:20). Một khi Đức Thánh Linh cai trị trong lòng họ, Ngài sẽ thay họ thực hiện mọi việc. Lúc ấy họ trở thành tín hữu sống bởi Đức Thánh Linh (Rôma 8:11).
Ai để cho Ngài cai trị, hướng dẫn và sử dụng, thì người ấy mới thành con cái thật của Đức Chúa Trời (Rôma 8:14). Đây là đời sống mà Đức Chúa Giêxu đã chuộc chúng ta về để nhận lãnh và Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta hãy bước vào. Ai tin quyền năng của huyết Đức Chúa Giêxu có khả năng tẩy sạch tội, và quyền phép của Đấng Christ phục sinh vinh hiển sẽ ban Đức Thánh Linh cho chúng ta, thì người ấy đang đi đúng hướng.
Không phải tín hữu chỉ biết và thấy cần phải có một đời sống thiêng liêng là đủ, họ còn phải nhận ra tánh xác thịt đang hoành hành trong lòng họ. Đây là một nhận thức hết sức cần thiết. Có sự khác biệt rất lớn giữa tội lỗi của người chưa tin với tội lỗi của tín hữu. Người chưa tin bị cáo trách bởi tính cách gớm ghê của tội lỗi và ý thức về hình phạt dành cho tội lỗi, nhưng họ không ý thức chi hết về tội lỗi ở bên trong tâm linh con người. Đức Chúa Trời chưa ban sự hiểu biết đó ở giây phút một người tiếp nhận Đức Chúa Giêxu. Nhưng sau khi Đức Thánh Linh được mời vào lòng người tin, Ngài bắt đầu cáo trách về tâm tánh và cách sống xác thịt của tín hữu. Bởi lý do đó con cái thật của Chúa bắt đầu thấy đau đớn, khổ sở và xấu hổ về tánh xác thịt của mình, và thông cảm với tiếng than thở thống thiết của Phaolô: “Thật khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể chết chóc nầy?” (Rôma 7:24). Rồi cũng giống như Phaolô, chúng ta khám phá ra rằng chỉ một mình Đức Chúa Giêxu Christ mới có thể thực hiện việc đó cho chúng ta mà thôi.
Không một ai vẫn mang tâm tánh xác thịt có thể từ đó lớn lên thành một người thiêng liêng. Tín hữu phải lìa bỏ vị trí của người xác thịt, bước ra khỏi đó để bước sang vị trí của người thiêng liêng. Chỉ cần một quyết định và quyết tâm thực hiện quyết định ấy, thì chúng ta có thể chuyển từ người xác thịt sang người thiêng liêng. Vì tánh xác thịt là căn bệnh cầm giữ không cho người ta trưởng thành. Trở thành người thiêng liêng không có nghĩa là trưởng thành về mặt thuộc linh ngay lập tức. Một tín hữu non trẻ trong đạo, dù được đầy dẫy Đức Thánh Linh, không thể sánh bằng một người đã được đổ đầy Đức Thánh Linh hai mươi năm rồi. Muốn được như người nầy, tín hữu non trẻ cần phải có thời gian để lớn lên và trưởng thành trong nếp sống tâm linh. Khuyết điểm của một số vị lãnh đạo trong các Hội Thánh Ân Tứ thiếu kinh nghiệm và nóng vội là: Tung hô những người như vậy quá sớm, khiến họ sa vào sự kiêu căng mà vấp ngã, gây biết bao thương tổn cho Hội Thánh và những người ủng hộ họ.
Thiêng liêng không có nghĩa là đã đến điểm trọn vẹn. Vẫn còn cần nhiều sự tăng trưởng hơn nữa. Dấu hiệu rõ ràng của người thiêng liêng là đã đầu phục Đức Thánh Linh để được Ngài dẫn dắt. Không ai có thể tự lột bỏ con người xác thịt, chỉ có Đức Chúa Giêxu mới có thể thực hiện việc đó cho chúng ta. Làm thế nào để được Chúa thực hiện thay cho ta? Rôma 6:4–5 cho biết là nếu chúng ta chịu trao phó đời sống mình cho Chúa, hoàn toàn thuộc về Ngài, thì Ngài sẽ thuộc về chúng ta. Nếu ta bằng lòng ở trong Ngài, thì Ngài sẽ bày tỏ quyển phép của thập tự giá để ban cho chúng ta sự chiến thắng đối với tâm tánh xác thịt. Trao phó và ở trong Ngài là gì? Nghĩa là xưng tội mình ra và nhìn nhận mình hoàn toàn bất lực trước tội lỗi, thì Đức Chúa Giêxu sẽ cho ta sự giải thoát khỏi con người xác thịt của chúng ta.
Tóm lại, chúng ta phải thấy đời sống thiêng liêng là ra sao; nhận biết tội lỗi của mình, xưng nó ra và ăn năn sâu xa về tình trạng ấy. Chỉ cần một bước, chúng ta có thể từ người xác thịt trở thành người thiêng liêng; và dùng đức tin quyết định rằng Đức Chúa Giêxu có đủ quyền gìn giữ chúng ta trong con người thiêng liêng. Sự sống của Chúa sẽ truyền vào chúng ta, ta sẽ vững vàng đối phó với sự cám dỗ, kinh nghiệm sự sống của Đấng Toàn Năng trong cuộc sống. Hãy tin rằng Đức Chúa Giêxu sẽ thực hiện những gì mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện trong lòng chúng ta. Phần của chúng ta là thẳng thắn, thành tâm suy xét để nhận ra cái gì trong chúng ta là vật chướng ngại lớn nhất không cho ta trở thành người thiêng liêng. Sau khi nhận ra rồi, hãy xin Chúa dẹp bỏ và bằng lòng cho Chúa dẹp bỏ chúng. Đừng tiếc rẻ con người hư hỏng tai hại ấy.
QuyenNangThuocLinh21.docx
Rev. Dr. CTB