Chúa Nhật, July 17th, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (20)

Chạy Có Chuẩn Đích

1Côrinhtô 9:24 – 27

Những thể tháo gia chuyên nghiệp hoặc người tham dự các cuộc tranh tài điền kinh đều phải luyện tập khó nhọc để mong có một lần được đứng trên bục chiến thắng.  Nhưng rồi giải thưởng sẽ bị lãng quên, và sẽ có những gương mặt chiến thắng mới.  Người dự thi nào cũng biết điều đó nhưng họ vẫn miệt mài tập luyện để mong đến giây phút vinh quang ngắn ngủi ấy.  Có một cuộc chạy đua mà mọi tín hữu đều phải tham dự mà không có chọn lựa nào khác.  Không phải chúng ta chạy đua để được vào thiên đàng, nhưng để nhận được phần thưởng. Thời khắc một người tiếp nhận Đức Chúa Giêxu vào làm Chủ đời mình là lúc người ấy bắt đầu cuộc đua.  Chẳng phải là cố gắng tranh đua với người khác, nhưng với chính mình. Vì chúng ta sẽ được Chúa đoán xét những gì chúng ta đã làm với những ơn phước và cơ hội Chúa đã ban cho chúng ta.

Nếu những ai là con cái Chúa đang luyện tập khổ nhọc để chơi thể thao cho giỏi, hoặc để giữ gìn nét đẹp của thân thể hay nhằm mục đích nào khác, biết chuyển sức lực, thì giờ, tiền bạc, ý chí và nỗ lực ấy sang cuộc đua thuộc linh, thì chắc chắn sẽ thắng cuộc.  Xã hội chẳng bao giờ sinh ra các vị thánh.  Không có thứ gì trong trần thế khuyến khích chúng ta trở thành những người thắng cuộc cho Đức Chúa Giêxu Christ. Ai muốn có được nếp sống thánh thiện, người đó phải dựa vào anh chị em mình trong Chúa để được rèn luyện.  Dù muốn hay không muốn, chúng ta đều phải dự cuộc đua để lãnh phần thưởng ở trên trời.  Vì vậy, hãy đua cách nào giỏi nhất; đây là cuộc đua mà ai cũng có thể thắng.  Trong các câu Kinh Thánh trên, Phaolô nêu ra các nguyên tắc luyện tập kham khổ để minh giải về những luật lệ mà chúng ta phải áp dụng trong cuộc sống mỗi ngày:

1. Có kỷ luật – Mọi cầu thủ trong một đội banh đều phải tập luyện theo một kỷ luật khắt khe.  Đội tuyển chỉ chọn lựa những người giỏi nhất và chịu tuân theo kỷ luật toàn đội.  Kỹ năng nhồi bóng và chiến thuật đồng đội đều phải nhuần nhuyễn.  Mọi con cái Chúa cũng phải như vậy; thử tưởng tượng mức độ trưởng thành của mình tới mức nào nếu mình thuộc làu Kinh Thánh, không biết mỏi mệt khi cầu nguyện, và nghiên cứu hiểu biết lời Chúa cách sâu nhiệm!  Kết quả là tâm linh chúng ta sẽ rất nhạy bén, những ‘cơ bắp’ thuộc linh thật mạnh mẽ và dẻo dai, những ý thích tâm linh sẽ hoàn toàn thánh thiện.  Những người như vậy sẽ sẵn sàng đương đầu với thế gian và ma quỷ mà không hề sợ hãi hay lùi bước.  Những người thất bại trong cuộc sống đạo thường là do thiếu kỷ luật với chính bản thân họ.

Kỷ luật tâm linh là như thế nào?  Không phải là chúng ta sẽ thêm chương trình tập luyện vào thời biểu cuộc sống vốn đã quá bận rộn, nhưng là bỏ bớt những việc mình đang ưa thích và mất thì giờ mà không bổ ích gì cho tâm linh.  Thay vào đó là kỷ luật với chính mình.  Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Tôi khép thân tôi vào kỷ luật, bắt nó phục tùng.  Nếu không, sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại bỏ” (1Côrinhtô 9:27).  Đâu có ai bị bệnh nặng mà không thèm để ý tới thân thể mình?  Trái lại, họ tìm đủ cách và dành mọi thì giờ cần thiết để chữa chạy.  Vậy thì nếu tâm linh của chúng ta đang bệnh hoạn mà không chịu chăm sóc, thì làm sao tránh khỏi hình phạt từ cõi trời?  Chẳng lẽ chúng ta không thể dành thì giờ và mọi thứ ưu tiên để lo cho linh hồn mình được hay sao?  Chẳng lẽ đời sống tạm bợ quan trọng hơn sự sống ở cõi vĩnh cửu?

Luyện tập kỷ luật ra sao?  Trước tiên hãy dành mỗi ngày 20 phút để cầu nguyện, suy gẫm và trò chuyện tương giao với Chúa; xem và suy gẫm vài câu Kinh Thánh để tập nghe Chúa phán chi cho mình.  Tham gia buổi nhóm học Kinh Thánh của Hội Thánh tổ chức để hiểu những phần khó hiểu; tham dự một tổ tình thương hoặc nhóm tế bào để tương giao với anh chị em tín hữu khác và thực tập về tinh thần trách nhiệm.  Những buổi họp mặt như vậy có chương trình hướng dẫn mọi tín hữu cách thức trình bày đức tin của mình cho người chưa tin sao cho hiệu quả và dễ dàng.

2. Quyết tâm – Đoạn 11 của thư Hêbơrơ nói về các anh hùng đức tin như Ápraham, Giôsép, Môise, và nhiều người khác nữa.  Câu 1 của đoạn 12 khuyên chúng ta noi gương những người ấy để có thể chạy đến đích; vì họ đã thắng, chúng ta cũng có thể thắng.  Nhờ noi theo gương quyết tâm của họ, chúng ta sẽ thành công miễn là biết mình đang chạy về hướng nào. Hướng mà chúng ta phải tiến tới là chăm chú nhìn Đức Chúa Giêxu, Đấng khởi đầu và hoàn tất đức tin của chúng ta (12:2).  Quy tắc đầu tiên của sự quyết tâm trong cuộc đua là phải quăng hết những gánh nặng.  Nghĩa là dứt khoát bỏ hết khỏi đời sống những thứ hành lý cồng kềnh vướng víu.  Vì có một số điều có thể không phải là tội lỗi, nhưng là những gánh nặng.  Ví dụ một số thói quen, ý thích hay hành động không cần thiết nào đó chiếm quá nhiều thì giờ, đến nỗi không còn thời gian cho việc đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện trò chuyện tương giao với Chúa (trang điểm quá kỹ, dành quá nhiều thì giờ dọn dẹp lau chùi tô điểm nhà cửa, vv.)  Quy tắc tiếp theo là giữ cho đôi chân thong thả, khỏi vướng víu.  Thứ làm vướng chân chúng ta trên thiên trình là tội lỗi, khiến chúng ta vấp ngã và thua cuộc.  Vì vậy phải quyết tâm chăm chú theo gương Đức Chúa Giêxu để không phải mang một gánh nặng và tội lỗi nào.

3.  Nhắm thẳng mức đến – Lực sĩ chạy đua không để bị thứ gì làm chi phối, xao lãng, phân tâm.  Họ nhắm thẳng mức đến.  Đứng trước bài học lịch sử của dân Israel xưa kia khi được Chúa cứu ra khỏi xứ Aicập, vì cứng cổ phạm tội mà bị trừng phạt (1Côrinhtô 10:1–11), sứ đồ Phaolô cho biết rằng ông “khép thân vào kỷ luật, bắt nó phục tùng.  Nếu không, sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại bỏ” (1Côr.9:27).  Dân Israel đã nhận được toàn những ơn phước không diễn tả nổi, họ đã bắt đầu cuộc đua với những nguồn ơn đặc biệt đi theo bảo vệ họ. Thế nhưng họ đã vấp ngã thảm hại không thể đạt tới mức đến.  Chẳng những họ đã không tới được đất hứa, lại cũng không thể sống thành công ở sa mạc, nơi Chúa cung ứng mọi nhu cầu cho họ.  Tất cả chỉ vì họ đã không sống đẹp lòng Đức Chúa Trời do phạm đủ thứ tội (1Côr. 10:5, 7–10).

Ngày nay chúng ta cũng có thể vấp phải những lỗi lầm giống như thế.  Nhưng chúng ta có hi vọng vì được ban cho cơ hội để ăn năn không tái phạm.  Vì thế, hãy mang theo trong đời sống ta một tinh thần sẵn sàng ăn năn khi nhận ra mình có lỗi hoặc phạm tội.  Hãy xin Đức Thánh Linh chỉ ra cho chúng ta thấy những tội lỗi nào đã ngăn trở không cho ta chạy giỏi.  Vì nếu một người như Phaolô mà còn sợ bị loại trừ, hạng tín đồ yếu đuối trong mọi việc như chúng ta ngày nay còn dễ bị loại trừ biết chừng nào!

Những người dự các cuộc tranh đua ở thế gian vì ước muốn được khoác vòng dây vải có treo tấm huy chương sẽ bị lãng quên nhanh chóng.  Các lực sĩ ngày xưa tranh đua vì muốn đoạt được vòng hoa chiến thắng chóng tàn héo.  Chúng ta dự cuộc đua vì ao ước mão triều thiên vinh quang không hề hư nát ở trên trời, mà hễ ai tham dự cuộc đua cho đến đích đều có thể được thưởng.  Sứ đồ Phaolô không ngại ngùng bày tỏ mục đích ông nhắm tới là mão miện vinh quang từ Chúa ban cho khi ông gặp Ngài: “Ta đã chiến đấu anh dũng, chạy xong cuộc đua, giữ vững đức tin.  Hiện nay mão triều công chính đang để dành cho ta.  Chúa, vị Thẩm Phán công chính sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó; không những cho ta, nhưng cũng cho tất cả những ai yêu mến sự hiện đến của Ngài” (2Timôthê 4:7–8).

Sự mong mỏi được Chúa chuẩn nhận cuộc đua trong nếp sống đức tin của mình, cùng với vinh dự kèm theo, không phải là một ao ước tham lam, ích kỷ, không thiêng liêng. Có một doanh nhân đặt trên bàn làm việc một tấm bảng nhỏ khắc lời phát biểu như sau: “Nếu hai mươi năm sau bạn sẽ phải hối tiếc: ‘Ước gì ngày ấy mình đã thực hiện việc đó!’  Thì hôm nay hãy làm việc ấy ngay đi!”  Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn chạy tới mức đến.  Vậy, dù trả giá nào, hãy bắt đầu chạy cách nghiêm túc.  Nếu nhiều thứ hành lý cồng kềnh đang làm vướng chân chúng ta, thì hãy quyết tâm rũ bỏ chúng, đừng nuối tiếc.  Hãy lập quyết định bắt đầu luyện tập ngay hôm nay.

QuyenNangThuocLinh20.docx

Rev. Dr. CTB