Lột Bỏ Gánh Nặng

Hêbơrơ 12:1–3

Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về thiên đàng, tức là cuộc sống đạo của chúng ta, giống

như một cuộc chạy đua. Trong khi có người sống đạo cách dễ dàng thong thả, thì cũng có người

sống đạo giống như các lực sĩ vừa chạy vừa cõng trên lưng đủ thứ bao với túi nặng trĩu. Thậm

chí có người vì cõng nhiều túi quá, không ngóc đầu nổi để thấy đường trước mặt, nên chạy mà

không biết mình đi đâu.

Những thứ hành lý đó là biểu tượng của những sự âu lo và quan tâm về đời sống ở trần gian.

Satan, kẻ thù của chúng ta, đã, đang và sẽ làm mọi cách để khiến chúng ta bị quá tải về đủ thứ lo

toan và ham muốn trên đời. Ngược lại, Đức Chúa Trời muốn các con cái của Ngài được thong

thả nhẹ nhàng bằng cách rũ bỏ hết những gì không do Ngài ban cho. Đức Chúa Giêxu kêu gọi

chúng ta cùng gánh những gánh hết sức nhẹ nhàng của Ngài, để chúng ta thoải mái chạy cuộc

đua của mình (Mathiơ 11:28–30).

Đức Chúa Trời không bắt con cái Ngài mang những gì quá sức; vì mọi người, không loại trừ

ai, đều phải mang một số gánh nặng trong đời. Có 2 loại gánh nặng:

Một là từ hoàn cảnh sống hoặc do người khác đem đến cho ta;

Hai là những thứ mà chúng ta tự chất lên chính mình.

Trong đời luôn luôn có những điều không vừa ý hoặc đi ngược lại nếp sống bình thường của

chúng ta. Ví dụ như quy định của một công ty, luật lệ của chính phủ, án lệnh của toà án, chương

trình quy hoạch của chính quyền một thành phố, mà chúng ta thấy là bất công hay quá đáng;

nhưng chúng ta không thể thay đổi được những thực tế đó. Chỉ có sự can thiệp đặc biệt của Chúa

mới thay đổi được tình thế. Nếu chúng ta quá ưu tư quan tâm đến nó, thì nó sẽ trở thành gánh

nặng khó mang, còn mình thì bị phân tâm không còn chú ý theo Chúa nữa, kết quả là bị nản chí

sờn lòng.

Còn những thứ ham muốn không chính đáng trong lòng mà chúng ta cố ôm giữ, mối ác cảm

hay giận hờn đối với người nào đó, những mơ ước viển vông thiếu thực tế, quan điểm sai lạc

xung khắc với người khác, hoặc những hậu quả của tội lỗi mà người gây ra không biết rằng

huyết Đức Chúa Giêxu đã tẩy sạch tất cả các tội lỗi ấy rồi; vẫn còn bị dằn vặt ám ảnh bởi quá

khứ, là thứ gánh nặng tự chất lên vai mình, không chịu quên những gì mình có quyền quên.

Làm thế nào để giải quyết hai loại gánh nặng nói trên?

Những gì dễ từ bỏ thì quyết tâm từ bỏ, vì chẳng ai buộc mình phải mang vác những thứ đó.

Những điều còn lại thì hãy chú tâm vào Chúa và sự nhân từ thương xót của Ngài. Thay vì lo lắng

và ưu tư về những nghịch cảnh hay hậu quả của lỗi lầm, hãy để tư tưởng mình hướng về Đức

Chúa Giêxu cùng những điều thuộc về thiên đàng.

Đương nhiên là Đấng Toàn Tri biết rõ những gì đang chống nghịch chúng ta. Khi ở thế gian,

Đức Chúa Giêxu đã phải trải qua một cảnh ngộ mà không người nào trong nhân loại phải chịu

đựng: Đấng vô tội phải gánh hết tội lỗi của cả thế gian; trong khi đó, những người lãnh đạo Do-

thái-giáo thì âm mưu mượn tay người ngoại bang xử tử Ngài bằng án đóng đinh trên thập tự giá.

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy nghĩ đến Đức Chúa Giêxu và bắt chước tâm tình của Ngài mỗi

khi gặp nghịch cảnh khó khăn trong đời, vì Ngài là:

“Khởi nguyên và kết thúc đức tin của chúng ta.” (Hêb.12:3)


Đó là phương cách chịu đựng để không bị mỏi mệt sờn lòng. Gương mà chúng ta có thể thấy

ở đây là Đức Chúa Giêxu:

“Vì sự vui mừng đặt trước mặt, bền lòng chịu đựng thập tự giá, coi khinh sỉ nhục.” (Hêb.12:2b)

Ngài vui mừng vì sự khiêm nhường hạ mình hi sinh ấy được Cha Ngài hài lòng; vì Ngài thấy

trước sự hi sinh của mình sẽ đem hàng tỉ linh hồn vào nước trời. Chúng ta cũng có thể vui vẻ

chịu đựng, vì lòng kiên nhẫn và vị tha của chúng ta được Chúa hài lòng; quyết tâm cổi bỏ những

gánh nặng vô lý mà mình đang mang cũng đẹp ý Chúa; hơn nữa, qua sự chịu đựng của chúng ta,

biết đâu sẽ giúp vài linh hồn ai đó vào thiên đàng.

Có rất nhiều việc trong đời sống mà chúng ta không hiểu nổi. Thất vọng hay ngã lòng trước

các việc ấy sẽ trở thành gánh nặng mang không nổi. Đừng đặt câu hỏi tại sao nó lại xảy ra như

thế! Mỗi ngày có lẽ có hàng tỉ câu hỏi ‘tại sao’ gửi lên cho Chúa; Ngài chẳng bao giờ trả lời các

câu hỏi ấy. Những người có năng lực vượt qua khó khăn là loại người chấp nhận những điều họ

không hiểu. Đừng nghĩ rằng chỉ có mình là người có nhiều oan ức. Đa-vít, người được Chúa kể

là đẹp lòng Ngài, cũng đã đặt câu hỏi ‘tại sao’ rất nhiều lần.

Nếu chúng ta để cho những điều tự mình không thể thay đổi được trở thành gánh nặng chất

chồng, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên không chịu nổi. Người nào muốn có đủ sức chịu đựng

thêm các gánh nặng chắc chắn sẽ tới trong đời, thì người ấy phải biết bỏ bớt nhiều thứ mình đang

mang.

Thứ gánh nặng đầu tiên mà chúng ta không cần phải mang là gánh nặng buồn lo về tội lỗi

của chính mình.

Nếu ai thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Giêxu vào lòng và đã ăn năn các tội lỗi ấy, thì huyết

của Đức Chúa Giêxu đã tẩy sạch chúng rồi. Hậu quả của một số tội lỗi không còn tác dụng gì

trên tín hữu. Sự trừng phạt thể chất về các tội ác đã phạm không ảnh hưởng gì trên tương lai của

linh hồn tín hữu. Hậu quả của tội lỗi chỉ có tác dụng khi nào chúng ta cho phép nó hoành hành.

Hãy tiếp nhận sự tha thứ toàn vẹn của Chúa, vĩnh viễn ném bỏ tất cả những tội lỗi cùng sự thất

bại của mình.

Những điều không thể thay đổi được không thuộc phạm vi tánh nết, tình trạng nghiện ngập,

hay các cách sống tội lỗi do quyết định sai lầm, hoặc những việc thuộc lãnh vực tư tưởng, tình

cảm, hay sự xung khắc trong các mối liên hệ với người khác. Nói chung là các lãnh vực mà ta có

quyền lập quyết định giữ hay không giữ.

Sở dĩ phải nhắc tới việc nầy là vì có một lời cầu nguyện được cho là hay ho: “Xin Chúa giúp

con thay đổi được những gì có thể thay đổi, chịu đựng được những gì không thể thay đổi; và ban

cho con sự khôn ngoan để biết nhận ra cái gì không thay đổi được và cái gì có thể thay đổi

được.”

Tính chất nguy hiểm của ý tưởng nầy là nhiều người đã dựa vào đó để biện minh cho tánh

nết không chịu biến đổi của mình, tình trạng nghiện ngập, hay các cách sống tội lỗi do chọn lựa,

loại bỏ tiến trình thánh hoá. Đức Chúa Trời có quyền thay đổi mọi việc khi chúng ta chịu giao

chúng cho Ngài giải quyết qua tiến trình thánh hoá của chúng ta.

Satan tìm mọi cách giăng bẫy để khiến chúng ta phạm tội. Nếu bẫy của hắn không thể làm ta

cố ý phạm tội, thì hắn cũng tìm cách khiến chúng ta phạm tội vì vô ý, thiếu sót hay thiếu hiểu

biết. Chúa vẫn có cách giải quyết mọi tội lỗi khi chúng ta ăn năn.

Ăn năn là cách mà Kinh Thánh dạy để chúng ta có thể “cất bỏ gánh nặng và tội lỗi cản trở.”

Có thể có những điều không thể cản trở chúng ta thờ phượng phục vụ Chúa, nhưng nó có thể gây

khó khăn cho ta. Nếu kẻ thù không ngăn trở được, chúng sẽ gây khó khăn bằng những gánh nặng

khiến chúng ta bị mỏi mệt.


Chúng ta có đủ sức theo đuổi cuộc đua hay không, tuỳ theo chúng ta có khả năng lột bỏ gánh

nặng vướng víu hay không. Khả năng nầy sẽ có khi chúng ta biết chú tâm vào Chúa, Ngài sẽ ban

cho sự khôn ngoan để biết những gì phải mang và những gì phải cổi bỏ. Bí quyết là biết giữ thứ

tự ưu tiên trong cuộc sống đạo:

a) Mối tương giao với Chúa;

b) Liên hệ yêu thương và làm tròn bổn phận trong gia đình;

c) Thi hành thánh vụ và sự kêu gọi.

Việc đặt không đúng thứ tự ưu tiên sẽ trở thành gánh nặng không chịu đựng nổi. Hãy biết

phân biệt những gì là tạm thời với những điều thuộc cõi đời đời.

Tội lỗi dễ vấn vương là gánh nặng ngàn cân. Đừng giữ những gì đã trở thành ưu tiên trong

đời sống khi biết chúng không đáng giữ. Mang quá nhiều gánh nặng thì không thể chạy nổi cuộc

đua. Các thánh xưa, những anh hùng đức tin, tất cả các thánh đồ đã qua đời đều đang vây quanh

nhìn xem, hò reo, cổ võ cuộc đua của chúng ta.

Hãy biết cổi bỏ moị thứ gánh nặng không cần thiết, chạy giỏi để giật giải về sự lựa chọn trên

trời, “nhìn xem Đức Chúa Giêxu là khởi nguyên và kết thúc của đức tin” chúng ta để không bị

mỏi mệt, sờn lòng.

Rev. Dr. ChungTuBuu

(Xin đừng sao chép)