Chúa Nhật, July 12th, 2015
Trở Về Nền Tảng, 14
Luca 14: 26–27, 33
Tại các Hội-thánh địa phương ở Mỹ ngày nay, làm thành viên của một Hội-thánh thì không khó. Vì trong một khu vực có nhiều nhà thờ, nếu tín hữu không thích nhà thờ nầy thì gia nhập nhà thờ khác; với lý luận là chỗ nào cũng có Chúa, chỗ nào cũng là thờ phượng Chúa cả.
Về mặt lý thuyết thì có vẻ hợp lý; nhưng về phương diện thực tế thì không hẳn như người ta vẫn suy luận. Bởi vì vấn đề mấu chốt trong tình trạng sự sống của một Hội-thánh địa phương tùy thuộc vào tình trạng của mối liên hệ giữa các tín hữu với Chúa và với nhau trong Hội-thánh.
Có nơi được sự sống của Chúa tuôn tràn khiến cho đời sống tâm linh của tín hữu được tươi mới; chỗ khác thì khô hạn, nội bộ lủng củng và mức tăng trưởng của Hội-thánh thì yếu ớt hay không có.
Nhiều người không biết rằng có sự khác biệt rất lớn, hay một khoảng cách bao la, giữa lòng sùng kính đối với Chúa so với lòng nhiệt thành giữ các nguyên tắc hay nhiệt tâm về một lý tưởng nào đó. Hai lãnh vực nầy không bao giờ dung hòa được. Chỉ người thiếu hiểu biết mới bị lẫn lộn về vấn đề nầy.
Ví dụ như có một số giáo hữu rất năng nổ trong các công tác của Hội-thánh, hoặc ít khi vắng mặt trong các buổi nhóm thờ phượng; nhưng nếp sống tâm linh của những người nầy không biểu lộ được sự gần gũi với Đức Chúa Trời; tức là nếp sống đạo chỉ nổi trên bề mặt, còn sự sống tâm linh bề trong bạc nhược, không kết quả, là người không thật lòng sùng kính Chúa.
Đức Chúa Giêxu yêu qúy của chúng ta chẳng bao giờ bảo con dân Ngài phải trung thành hay nhiệt tâm với một lý tưởng, tức là theo đuổi một ý thích hay hạnh phúc nào đó. Ngài đòi hỏi mọi con cái Ngài phải bày tỏ lòng sùng kính nhiệt thành đối với Ngài.
Vì thế, nếu người nào cho rằng sự thờ phượng Chúa là việc đạo, còn các mối liên hệ khác của mình là việc đời, không liên hệ gì với nhau, thì người ấy chưa có mối liên hệ tương giao thật với Đức Chúa Giêxu, chưa nhận được sự ngự trị và chỉ dẫn của Đức Thánh Linh; bởi vì chẳng biết ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mình và gia đình mình là thế nào.
Cũng có người cố đóng vai tín đồ tin kính, mà không biết rằng mọi sự giả vờ của mình không qua mặt được các tín hữu tin kính chân thật.
Đức Chúa Giêxu muốn tất cả con dân Ngài đều phải trở thành môn đồ của Ngài. Chúa chẳng bảo các sứ đồ hãy đi khắp thế gian dẫn người ta vào đạo, nhưng Ngài truyền lệnh: “Hãy đi, khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Ma-thi-ơ 28:19).
Có nghĩa là mỗi tín hữu phải có mối tương giao cá nhân nhiệt thành và sùng kính đối với Ngài, để có đủ khả năng dẫn dắt thêm nhiều người khác thành môn đồ của Đức Chúa Giêxu.
Cho nên, nếu có mối liên hệ nào giữa tín hữu với ai đó trên đời nầy quá gần gũi và qúy báu, đến nỗi lòng thương yêu người ấy quá mạnh, khiến nó lấn át và giành mất tình yêu ưu tiên dành cho Đức Chúa Giêxu, thì Ngài công bố rằng người ấy không thể làm môn đồ Ngài (26).
Thế thì, Đức Chúa Giêxu đòi hỏi tình yêu thương và thái độ của ai muốn làm môn đồ đối với Ngài là: Vâng lời Ngài trong mọi hoàn cảnh.
Ai nói rằng mình quyết tâm làm môn đồ của Chúa, thì người đó phải biết trước cái giá mình phải trả để được Chúa kể là môn đồ của Ngài: “Ai theo Ta mà không yêu Ta hơn cha mẹ, vợ con, anh em chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đồ Ta” (26).
Đức Chúa Giêxu không nói làm môn đồ Ngài là theo đuổi một lý tưởng, cũng chẳng phải là gìn giữ các nguyên tắc nào đó. Lời Ngài phán rõ ràng là: Động lực thúc đẩy tín hữu làm môn đồ của Ngài phải là tình yêu sâu đậm đối với Chúa của mình.
Từ sự thật nầy, chúng ta sẽ nhận ra một số thực trạng trong lòng chúng ta lâu nay không đạt đến mức đòi hỏi của Chúa. Bởi vì dù chúng ta tự xưng mình là Cơ-đốc-nhân, nhưng thực tế thì chưa khi nào hết lòng nhiệt thành sùng kính Ngài cả.
Thực trạng nầy bị bộc lộ khi chúng ta bị đẩy vào một tình thế phải lập sự lựa chọn giữa vâng lời Chúa với những điều mình quan tâm.
Chắc chắn rằng những người thường xuyên thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa Nhật đều ngưỡng phục, tôn trọng và kính sợ Đức Chúa Giêxu. Nhưng chưa chắc đã yêu thương Chúa như Ngài mong muốn.
Nếu Đức Thánh Linh chẳng ban tình yêu ấy vào lòng chúng ta để chúng ta vui vẻ vâng theo lời dạy của Ngài, thì không một người nào trên thế gian nầy có lòng yêu mến Chúa nhiệt thành.
Bởi vì Đấng vô cùng yêu mến Đức Chúa Giêxu là Đức Thánh Linh; như có chép: “Vì Đức Thánh Linh, Đấng Chúa đã ban cho chúng ta, đem tình yêu của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta” (Rôma 5:5).
Cho nên, bí quyết mấu chốt giúp chúng ta bước đi vững vàng trên tiến trình thánh hóa là lòng yêu kính Đức Chúa Giêxu.
Mỗi khi tín hữu lập sự lựa chọn làm theo điều lòng mình yêu thích hay sợ bị lên án, rồi đẩy bổn phận thờ phượng Chúa xuống hạng nhì, ba, thì việc làm ấy bộc lộ rõ nguyên nhân là tình yêu đối với Chúa chưa đủ mạnh để thắng hơn những thứ tình cảm khác trong đời sống mình.
Đức Chúa Giêxu phán rất rõ rằng để được Chúa kể là môn đồ Ngài, thì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải lớn hơn tình yêu đối với cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa.
Bản dịch cũ của Việt ngữ dịch là: phải ‘ghét’ các mối liên hệ nói trên, thì không đúng với tinh thần của lời Chúa phán, cũng như không thích hợp với bối cảnh của câu chuyện: “Có rất đông người đi theo Đức Chúa Giêxu trên đường. Ngài quay lại nói với họ: ‘Ai theo Ta mà không yêu Ta hơn cha mẹ, vợ con, anh em chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta. Ai không vác cây thập tự mình mà theo Ta, cũng không thể làm môn đồ Ta’” (26–27).
Cũng có một số người dùng kinh nghiệm của họ đã gặp trong sự hầu việc Chúa ở xã hội Âu Mỹ, đưa ra những lời cố vấn cho những người hầu việc Chúa, về việc sắp xếp những điều ưu tiên trong đời sống.
Họ nói rằng, các mục sư phải dành ưu tiên một cho gia đình, ưu tiên hai cho công việc Hội-thánh, và ưu tiên ba cho cá nhân mình. Hầu như các mục sư có tiếng ở Mỹ đều khuyên như vậy.
Nhưng, các lời khuyên nầy không có một nền tảng Kinh-thánh nào hết. Người ta chỉ lý luận rằng, gia đình có hạnh phúc thì sự hầu việc Chúa mới kết quả.
Theo lý luận nầy thì nhiều bà vợ của các mục sư Mỹ chỉ muốn được chồng chăm sóc, chứ chẳng có lòng yêu mến Chúa hoặc chăm lo cho Hội-thánh chút nào hết. Vì thế họ dễ bất mãn, gây khó dễ cho chồng rồi sẵn sàng ly dị để tìm chồng khác biết chăm lo cho họ.
Nếu thế, các mục sư đang phục vụ ai?
Các sứ đồ, thánh đồ và người hầu việc Chúa thời xưa thì không nghĩ như vậy. Họ dùng Kinh thánh làm nền tảng cho đời sống tin kính và thờ phượng Chúa.
Vì thế đối với họ, Đức Chúa Giêxu luôn luôn là đối tượng yêu quý, ưu tiên nhất; bởi một lẽ đơn giản: Họ muốn được làm môn đồ của Ngài. Họ cầu xin Đức Thánh Linh ban cho họ một lòng yêu mến Chúa nồng nhiệt và tận tâm hầu việc Ngài.
Đối với những tấm lòng như thế, hễ khi nào Đức Thánh Linh thấy một cơ hội làm vinh danh Đức Chúa Giêxu qua các môn đồ thật của Chúa, thì Ngài sẽ sử dụng toàn thể những gì có trong người ấy làm cho tâm linh và công tác hầu việc Chúa của người ấy bùng cháy cho chính nghĩa của Đức Chúa Giêxu và Tin Mừng của Ngài.
Làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu không có nghĩa là phải khăng khăng giữ đúng với giáo lý nào đó của giáo phái hay giáo hội. Điều rất ngạc nhiên là người ta rất trung thành với giáo lý hay giáo điều của giáo hội hay giáo phái họ, nhưng chẳng quan tâm bao nhiêu đến mối liên hệ tương giao với Đức Chúa Giêxu hoặc ý muốn của Ngài là như thế nào.
Những người như thế chứng tỏ họ chưa bao giờ có lòng yêu mến Chúa, đừng nói gì tới việc yêu Chúa hơn mọi thứ trên đời. Đức Chúa Trời cần phải phá tan tành những thành kiến kiêu căng cố chấp ấy, trước khi Ngài ban cho họ cơ hội trở thành môn đồ nhiệt thành của Đức Chúa Giêxu Christ.
Đức Chúa Giêxu luôn kiên định trong mối tương giao thân mật với Đức Chúa Cha. Điều ấy dạy chúng ta phải kiên định giữ mối liên hệ nồng thắm với sự sống của Con Đức Chúa Trời ở trong lòng ta.
Hãy sẵn sàng lột bỏ thứ tình cảm nào thường tranh chấp với tình yêu mà ta dành cho Chúa yêu qúy của mình. Người yêu kính Chúa sẽ tiến trên đường thánh hóa cách dễ dàng.
TroVeNenTang14.docx
Rev. Dr. CTB