Chúa Nhật, July 5th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 13


Phi-Líp 2:12–15

Sau khi người ta nhận biết tình trạng bi đát vì tội lỗi và bản chất xấu xa trong nội tâm mình, rồi hoan hỉ đón tiếp ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua sự chết hi sinh cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu và nhận được sự tái sinh, tức là tâm linh được tái tạo thành một người mới ở bề trong; thì người ấy sẽ phải trải qua một giai đoạn bị lúng túng trong sự bộc lộ hoặc phát biểu bằng lời nói về các ý tưởng mới hay các nhận xét mới, mà mình chưa quen trình bày; do tâm trí vẫn bị chi phối bởi cách lý luận của mình vốn có trước khi tin nhận Chúa.

Sự lúng túng phải xảy ra bởi vì, sau khi tâm linh được tạo thành người mới, tâm linh ấy phải tập tành cách bày tỏ sự mới mẻ ở trong lòng mình; mà sự mới mẻ ấy đến do sự thành hình của sự sống Chúa Cứu Thế trong lòng chúng ta. Tức là sự thành hình tâm tình của Đức Chúa Giêxu trong lòng ta (Philip 2:5).

Người ta bị lúng túng bởi vì lúc định mở miệng ra bày tỏ một ý nghĩ nào đó, thì tâm linh mới cho biết các ngôn ngữ mình vẫn dùng, hoặc cách biểu lộ trước đây, là trái ngược hay không thích hợp với tính cách thanh khiết của con người mới bên trong mình (Galati 5:17).

Đây là dấu hiệu rất rõ ràng, không thể lầm lẫn, để chúng ta biết chắc mình đã nhận một tâm linh mới, tức là được tái tạo thành một người mới rồi.

Người ta có thể giấu giếm tư tưởng hoặc các dự định tội lỗi trong ý tưởng mình đối với người đời ở quanh họ, nhưng không che giấu được con người cũ của họ đối với các anh chị em đã được tái sinh. Bởi vì lời nói hay cách hành xử của họ sẽ bộc lộ con người cũ trong họ vẫn còn sống mạnh; nó cai trị tâm trí và điều khiển các hành động của họ.

Do bị lúng túng, cho nên, người ở giai đoạn mới được tái sinh phải tìm các từ ngữ mới một cách khó khăn để trình bày ý nghĩ của mình.

Giai đoạn nầy giống như một cái cửa thông giữa hai khu vực khác nhau. Lắm người đi qua suôn sẻ tới các giai đoạn cao hơn của tiến trình được thánh hóa; nhưng vô số tín hữu ở lại ngưỡng cửa ấy và thoả mãn với một nếp sống đạo ấu trĩ, không biết tới những hạnh phúc huy hoàng của đời sống Cơ-đốc-nhân trưởng thành.

Chẳng phải Đức Thánh Linh không có khả năng chỉ dẫn những Cơ-đốc-nhân ấu trĩ, nhưng vì Ngài không ép buộc ai phải khép mình vào kỷ luật của Ngài. Chúng ta phải tự mình lập quyết định có chịu ở trong kỷ luật của Ngài hay không mà thôi.

Vì thế, người ta bị thất bại trên bước đường theo Chúa, là do họ không chịu khép mình vào kỷ luật rèn luyện tâm linh để được tương giao với Đức Chúa Trời.

Tiến trình thánh hóa chính là bước đường thực hành sự cứu rỗi, như sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Phi-lip 2:12b).

Rất nhiều sự trục trặc và thất bại trong đời sống tâm linh của chúng ta đều phát xuất từ bản chất con người cũ không chịu khép mình vào kỷ luật của Đức Thánh Linh; mà chúng ta thường đổ thừa cho sự cám dỗ hay sự quấy phá của ma quỷ.

Cho đến khi nào những anh chị em yếu đuối được dạy để hiểu biết sự thật nầy, thì tình hình của các Hội-thánh mới khởi sắc và hoạt động mạnh mẽ.

Chúng ta hãy suy nghĩ để thấy rõ các nguyên nhân kềm hãm sự tăng trưởng của Hội-thánh, phần lớn là do chính con cái Chúa trong Hội-thánh tạo ra, chứ chẳng phải vì quyền lực của ma quỷ quá mạnh.

Cái gì đã ngăn cản tín hữu mạnh dạn nói về Tin Mừng cho người khác? Ấy là nếp sống tâm linh bạc nhược!

Sự thật trên sẽ giải tỏa một số điều mà người ta thường hiểu lầm trên tiến trình thánh hóa của mình.

Sức mạnh và hiệu quả của sự cầu nguyện bằng đức tin là điều chắc chắn, không thể bác bỏ được. Tuy nhiên, có một số điều chúng ta không thể dùng sự cầu nguyện để giải quyết hoặc thay đổi chúng như nhiều người lầm tưởng.

Ví dụ như tánh khí hay tâm trạng cáu kỉnh trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cầu nguyện không bao giờ giúp làm tiêu tan tâm trạng cáu kỉnh, bực dọc trong lòng người. Bởi vì tâm trạng bực dọc, cáu gắt hầu như luôn luôn phát xuất từ tình trạng thể chất của con người; nó không có nguồn gốc từ bản ngã thật của chúng ta.

Thể chất bạc nhược của một người tạo nên một tánh khí hay buồn bực, cáu kỉnh, gắt gỏng với mọi việc xảy ra quanh mình. Vì thế, cầu nguyện xin Chúa cất bỏ tánh khí hoặc tâm trạng hay cáu gắt là một sự cầu xin vô ích, chẳng đưa đến kết quả mong muốn. Bởi vì nguồn gốc của nó không phải ra từ ma quỷ.

Vì lý do đó, chúng ta không được nhường bước cho tánh khí hay tâm trạng phiền muộn làm chủ mình. Hãy lập quyết định tống khứ nó ra khỏi đời sống, vì không ai nhờ cầu nguyện mà loại trừ được tánh khí của họ.

Biết lập quyết định và có khả năng loại trừ tánh khí khó chịu của mình là một phương diện rất quan trọng của tiến trình đổi mới đời sống chúng ta.

Bởi vì người nào đã được thành con cái thật của Chúa đều đồng ý với mọi điều Chúa phơi bày con người thật của họ. Nhưng trong xác thịt chúng ta có một bản chất khiến cho ta không có sức để làm những điều mà mình biết phải làm. Đó chính là ý chí bướng bỉnh của loài người.

Ý chí bướng bỉnh ấy nghịch lại ý muốn của Chúa cho đời sống chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thay thế cái nguồn điều khiển tâm tánh của mình, là ý chí bướng bỉnh, bằng ý muốn của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Sự tác động của Đức Thánh Linh trong lòng của con cái Chúa nhằm mục đích dắt họ tới chỗ vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài (13).

Tâm trạng của người muốn làm điều lành thì khác xa với tâm trạng của người bị bắt buộc làm điều lành. Có người khi đọc thấy câu: “Anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (12b), thì hết sức cố gắng thực hiện các lễ nghi và giáo luật của giáo hội, không dám sơ xuất.

Nhưng giữa người vui vẻ sống đạo với người cố gắng sống đạo thì kết quả của đời sống tâm linh họ hoàn toàn khác nhau.

Cố gắng sống đạo là nỗ lực làm việc lành để mong rằng “tạo được” sự cứu rỗi cho chính mình; là những nỗ lực vô ích và vô vọng. Vì chẳng ai trên đời làm được.

Nhưng sự vui vẻ sống đạo là bằng chứng biểu lộ về đức tin vững bền vào ơn cứu chuộc toàn hảo đã hoàn tất của Đức Chúa Giêxu Christ. Vì thế, sự vui vẻ sống đạo là “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Chúa,” bởi sự tác động của Đức Thánh Linh trong lòng.

Sự loại trừ tính khí thiên nhiên trong con người của chúng ta là một trong các bước then chốt của tiến trình thánh hóa. Bởi vì tất cả  chúng ta đều phải có đời sống “rạng ngời như sao sáng … … giữa một thế giới lừa đảo, đồi bại” (15b).

Khi Chúa đòi hỏi con cái Ngài phải đạt tới điều kiện chi đó, thì Ngài không bỏ mặc con dân Ngài phải nỗ lực một mình; nhưng Ngài cung ứng cho tất cả con cái Ngài bí quyết đạt tới mục tiêu ấy.

Để có thể loại trừ tánh khí thiên nhiên, thực hành sự cứu rỗi, bày tỏ sự sống thiên đàng, rạng ngời như sao sáng giữa trần gian đen tối, và đời sống đạo mở mang Vương quốc Chúa có kết quả, Đức Chúa Giêxu cho chúng ta biết bí quyết đạt tới trung tâm quyền năng ấy là: “Hãy cứ ở trong Ta” (Giăng 15:5, 7). Ở trong Chúa tức là dành cho Đức Chúa Giêxu trở thành Nguồn điều khiển và chi phối mọi điều chúng ta quan tâm.

Nếu chúng ta dành cho quyền phép cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu trở thành ảnh hưởng lớn nhất, mạnh mẽ nhất trên đời sống chúng ta, thì mọi phương diện của đời sống chúng ta sẽ kết quả cho Ngài.

Điều nầy có nghĩa là mọi điều chúng ta suy nghĩ hay hành xử đều dựa trên quyền năng trung tâm, tức là ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì mình cầu xin (Giăng 15:7).

Ơn cứu chuộc là công tác Đức Chúa Giêxu đã thực hiện trên thập tự giá để tha tội cho chúng ta; vì thế, khi làm bất cứ việc gì dựa trên quyền năng trung tâm, tức là căn cứ trên sự thật mình đã được tha tội, thì chúng ta mới vui mừng tiến bước trên con đường thánh hóa.

Hãy quyết chí nhờ sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để loại trừ tánh khí phát sinh từ tâm tánh xác thịt. Con người thế gian cũ ở bề trong đầy tính xác thịt của chúng ta thì chẳng có gì đáng yêu cả.

Hãy duy trì địa vị đã được ở trong Đức Chúa Giêxu, với tất cả các quyền lợi huy hoàng, để có thể thành công trên bước đường thánh hóa.Vì Đức Chúa Trời đang tác động trong lòng anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (13).

Đức Thánh Linh của Ngài vẫn chờ đợi để trợ giúp những người nào quyết chí nhờ cậy Ngài tống khứ tính khí xác thịt ra khỏi lòng mình.

Bước đường thánh hóa không quá khó khăn khi chúng ta chịu giữ mình luôn ở trong Đức Chúa Giêxu.

TroVeNenTang13.docx

Rev. Dr. CTB