Chúa Nhật, November 18, 2012

Những Động Lực Kín Đáo Trong Lòng

1Côrinhtô 14:20–25

Khía cạnh quan trọng của ơn tiên tri là bộc lộ những điều ẩn giấu trong lòng của những ai chưa tin Chúa, để chứng minh rằng Chúa thật đang hiện diện giữa Hội Thánh. Nhưng đặc điểm nầy không thể dùng để lập nên một thứ tín lý cho rằng tất cả các lời tiên tri từ thời Tân Ước tới nay phải bộc lộ những bí mật trong lòng của những người sẽ được nhận lời tiên tri. Thường thì người ta sợ hãi khi nghe rằng những lời tiên tri sẽ bộc lộ nhiều tư tưởng hắc ám ở trong trí mình. Đừng bao giờ sợ điều đó, vì Đức Chúa Trời không chú ý làm cho con cái Ngài bị xấu hổ ngượng ngùng trước người khác. Ngài chỉ quan tâm đến tấm lòng của chúng ta và các động lực nào đang thúc đẩy cách chúng ta hành xử hay quyết định. Vì thế, Chúa dùng các lời tiên tri hay lời tri thức để đánh động lòng của chúng ta, không phải chỉ khuấy động tâm trí. Khi những tri thức đó thấm vào lòng chúng ta, chúng sẽ khiến chúng ta phải giải quyết các tội lỗi ẩn giấu của mình, chưa cần sự nhắc nhở trực tiếp của Chúa.

Một trong những lý do mà Chúa dùng lời tiên tri để bộc lộ những điều kín đáo trong lòng ta là để chúng ta chú ý tới sự kêu gọi của Ngài trên đời sống chúng ta. Kín đáo có nghĩa là chỉ một mình ta biết các việc mà lời tiên tri nói ra; không một người thứ hai nào biết đến vấn để ấy. Mọi người được kêu gọi đều sẽ phải đương đầu với những thử nghiệm và khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ có thể vượt qua những nan đề đó cách dễ dàng khi mình khởi đầu làm công việc với một sự hiểu biết vững chắc rằng Chúa thật đã kêu gọi chúng ta vào công việc. Mục tiêu tối hậu của Chúa không phải chỉ để thay đổi tâm trí chúng ta, mà còn để thay đổi tấm lòng của chúng ta nữa. Nơi sâu thẳm của lòng chúng ta là nơi hoàn toàn kín đáo đối với người ngoài, thậm chí có lúc mình chẳng hiểu nổi mình. Những lời tiên tri chạm đến những bí mật ấy cũng giúp giải thoát chúng ta được tự do làm những điều mà chúng ta vốn không có đủ tự tin để làm.

Những lời tiên tri quá mới lạ đối với người nhận thì thường có lời tiên tri từ người khác xác nhận. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên tắc bất di bất dịch. Bởi vì lời tiên tri xác nhận thường được Chúa sai liên quan đến sự kêu gọi vào một thánh vụ nào đó; một lần nữa, đây cũng không phải là nguyên tắc áp dụng cho tất cả các sự kêu gọi đều phải có mức độ xác nhận như nhau. Sự hiểu biết tổng quát về lời tiên tri xác nhận là: hễ càng cụ thể và nhiều chi tiết chừng nào, thì mức độ khó khăn của công tác nhiều chừng nấy. Điều nầy không phải là công việc sẽ quan trọng đến đâu, nhưng là nó sẽ khó khăn đến mức nào.

Trong lịch sử Hội Thánh, nhiều người hầu việc Chúa rất hiệu quả, làm xong công tác của họ mà chẳng nhận được sự xác nhận tiên tri nào cho thánh vụ của họ cả. Ngược lại, nhiều người liên tiếp nhận được những lời tiên tri xác nhận và lời khích lệ trên đường phục vụ của mình, mặc dù có thể không nhận biết đó là những lời tiên tri. Chúng ta cần phải hiểu rằng Chúa kêu gọi con cái Ngài bước đi bằng đức tin, vì đức tin chân thật giữ chúng ta nương dựa vào Ngài. Dù cho có thể chúng ta được Chúa ban cho những lời xác nhận cụ thể ly kỳ nhất, Ngài vẫn luôn luôn chừa cho đức tin có chỗ vận hành. Chúng ta thường mong muốn nhận được các lời chỉ dẫn cụ thể từ Chúa về mọi công việc mình muốn làm, nhưng đối với Chúa đó không phải là điều có lợi nhất.

Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị ghiền các lời tiên tri. Việc chúng ta tăng trưởng đức tin và sự khôn ngoan là quan trọng hơn nhận được các chỉ thị tiên tri. Khi nào Chúa chỉ dẫn cho chúng ta những điều hết sức cụ thể, thì thường là vì mức độ hết sức khó khăn mà chúng ta phải đương đầu – vì chúng ta cần có những sự xác nhận đặc biệt để thành công. Sự liên tiếp nhận các lời chỉ dẫn và giúp đỡ từ Chúa không phải là dấu hiệu của sự trưởng thành, nhưng do còn ấu trĩ. Giống như các ấu nhi luôn luôn cần được trông chừng và chỉ dạy; còn những đứa trẻ lớn hơn thì không cần phải được thường xuyên trông chừng nữa. Về mặt tâm linh của chúng ta cũng giống như vậy. Các sứ đồ trong Kinh Thánh không cần được Chúa nắm tay dẫn đi – họ được Ngài sai đi như những sứ giả thuần thục. Họ sở hữu tâm trí của Đấng Christ. Họ thường có thể lập quyết định hợp với ý Chúa mà không cần những lời tiên tri hay sự xác nhận nào.

Trong chuyến truyền giáo thứ nhất của mình, sứ đồ Phaolô nhận được các chỉ thị tiên tri rất cụ thể (Công vụ 16:6–10). Nhưng chuyến truyền giáo thứ nhì của ông, mặc dù đã không có lời chỉ dẫn cụ thể nào của Đức Thánh Linh là đoàn của ông phải đi đến những đâu, lại được kể là rất thành công. Ông chỉ cảm biết rằng phải trở lại thăm các Hội Thánh địa phương mà ông đã thành lập. Khi chúng ta còn non trẻ, chúng ta cần được người đi trước nắm tay dẫn dắt. Khi đã trưởng thành, Chúa có thể sai chúng ta đi. Khi vị sứ đồ đã thành thục thì ông không cần các sự khải thị cụ thể cho mọi việc ông phải làm; ông cứ lập các quyết định như là một vị đại sứ hiểu biết tâm trí của Đấng Christ. Dĩ nhiên là ông hết sức sẵn sàng nhận các lời tiên tri chỉ dẫn, nhưng ông không bị lệ thuộc là phải có lời tiên tri mới làm.

Khi Phaolô nghe những lời tiên tri rất cụ thể từ tiên tri Agabút về những khó khăn mà ông sẽ gặp phải khi về Giêrusalem (Công Vụ 21:10–13), thì ông hiểu rằng đây là những lời từ Chúa để giúp ông chuẩn bị sẵn sàng cho cảnh ngộ mà ông sẽ phải đối diện; những lời ấy không nhằm mục đích khiến ông thay đổi chương trình như các bạn đồng hành với ông đã tưởng khi họ nghe lời tiên tri. Tính chất của lời tiên tri không phải là một chỉ thị, nhưng chỉ nhằm giúp ông biết trước các biến cố trong tương lai để chuẩn bị chịu đựng. Trong lúc các bạn đồng hành của ông xem lời tiên báo ấy như một chỉ thị từ Chúa bảo ông đừng lên Giêrusalem, Phaolô hiểu cách khác và quyết tâm đi lên Giêrusalem để đương đầu với những cuộc xử án mình.

Trong thánh vụ của Phaolô chúng ta cũng thấy có sự mặc khải chỉ thị; đó là giấc chiêm bao chỉ dẫn ông phải qua Maxêđoan (Công Vụ 16:9–10). Phaolô không biết chỗ đó đã sẵn sàng đón Tin mừng, cho đến khi Đức Chúa Trời ban cho ông khải tượng. Vì đã biết ý Chúa rõ ràng, Phaolô và Sila vẫn có thể hát ngợi khen Chúa dù đã bị đánh đập và cùm trong ngục tối tại Philíp. Sự trưởng thành tâm linh được chứng tỏ khi chúng ta sẵn sàng dành cho Chúa quyền truyền phán và chỉ dẫn chúng ta theo cách Ngài chọn; đồng thời cũng đủ khôn ngoan tiến hành những gì mình phải thực hiện khi Chúa không ban cho sự chỉ dẫn cụ thể phải làm như thế nào về các việc đó.

Tuy nhiên, đừng lầm lẫn sự trưởng thành thuộc linh về phương diện nầy với sự đoán mò. Có nhiều nơi nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ không nghe Chúa chỉ dẫn cụ thể; cho nên, tự vạch chương trình, kế hoạch mà không cần cầu hỏi ý Chúa, rồi xin Chúa chúc phước cho điều mình đã quyết định. Những Hội Thánh hay thánh vụ hoạt động kiểu nầy thì có nhan nhản ở khắp nơi. Đó là những chỗ chưa bao giờ biết cầu hỏi ý Chúa vì họ hoàn toàn không có khả năng nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh. Có một trình độ trưởng thành thuộc linh mà Chúa rất thích con cái Ngài tự động thực hiện những điều họ nên làm, không cần phải bị sai bảo.

Khi tín hữu vâng lời khuyên giục của mục sư mình làm chứng đạo cho bạn bè thân quen, thì sự vâng lời ấy khiến người chăn bầy rất vui lòng. Nhưng mục sư sẽ vui mừng bội phần khi khám phá ra nhiều anh chị em trong Hội Thánh tự động sống một đời chứng đạo không cần tới sự thúc giục của mục sư. – Đối với Chúa cũng vậy; mặc dù chúng ta luôn luôn ở dưới uy quyền cai quản của Ngài, vì Ngài là Chúa và Vua của chúng ta, Ngài sẽ rất hài lòng khi thấy chúng ta làm những điều đúng mà không cần Ngài phải ban sự chỉ dẫn từng chút một. – Trong thời đại gần tận thế, sẽ xảy ra nhiều nan đề rất lớn mà thế giới chưa từng biết. Vì thế, trong thời gian nầy chúng ta sẽ cần được ban cho những lời tiên tri cá nhân, lời tri thức, lời khôn ngoan, và ơn biện biệt các linh, hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử của Hội Thánh. Dù cho chúng ta sở hữu tín lý đúng và chính xác nhất, cũng không giúp được gì nếu chúng ta không nằm trong ý muốn của Chúa.

HieuBietOnTienTri13.docx     (Sách tham khảo: The Prophetic Ministry, by Rick Joyner)

Rev. Dr. CTB