Phúc Âm Giăng, bài 06
Giăng 1:18–34
Luca 1:80 và 3:2b–9 nói về sự chuẩn bị và thánh vụ của Giăng Baptist. Người ta ngạc nhiên khi họ thấy ông xuất hiện ở hoang mạc. Giăng chẳng nói gì về mình cho đến khi bị chất vấn. Ông không tìm cách khuyến dụ người ta theo mình, chỉ chú trọng làm điều phải chứ không tỏ ra mình xuất chúng. Người làm chứng cho Chúa hiệu quả nhất là khi nói rất ít về mình. Lúc Giăng bị chất vấn (19) thì: “Ông không chối gì hết, nhưng công nhận:’Tôi không phải là Đấng Christ’” (20). Cử chỉ nầy cho thấy Giăng cẩn trọng không nhận vai trò không phải của mình; ông không cần phản đối nếu người ta coi thường ông cách vô lý. Khi mấy thầy tế lễ và người Lêvi hỏi rằng ông có phải là Êli chăng, thì ông trả lời: “‘Không phải!’ Ông là nhà tiên tri phải không? Ông bảo ‘Cũng không phải!’” (21). Ông trả lời như vậy vì biết cách người Do-thái quan niệm về tiên tri Ê-li.
Ở điểm nầy chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề để không bị bối rối khi nhớ lại lời phát biểu của Đức Chúa Giêxu Christ xác nhận Giăng là Ê-li: “Vì tất cả các nhà tiên tri, và cả luật pháp nữa, đều tiên liệu cho đến thời Giăng. Nếu các ông muốn biết, Giăng chính là Ê-li, người phải đến.” (Mathiơ 11:13–14); và Ngài cũng phán: “‘Nhưng Ta bảo các con, Ê-li đã đến rồi, song người ta chẳng nhận biết người……’ Bấy giờ các môn đồ hiểu Ngài nói về Giăng Baptist” (Math. 17:12–13).
Giới lãnh đạo Do-thái-giáo nhớ lời hứa trong Cựu Ước “Nầy Ta sẽ sai nhà tiên tri Êli đến với các con trước khi ngày lớn và đáng sợ của Đức Giêhôva đến” (Malachi 4:5), và suy diễn rằng đó là lời Đức Chúa Trời hứa với người Dothái rằng Êli năm xưa sẽ từ trời trở lại sinh hoạt ở giữa họ, thực hiện những điều lớn lao, làm phép lạ, nói tiên tri, xức dầu cho Đấng Mếtsaia làm vua để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của người Lamã và phục hồi một vương quốc Israel hùng cường.
Thật ra Đức Chúa Trời không hứa như vậy. Thiên sứ Gápriên thông báo cho cha của Giăng là thầy tế lễ Xachari rằng: “Chính con trai đó sẽ đi trước mặt Chúa, với tâm linh và uy quyền của tiên tri Ê-li, sẽ làm cho lòng cha quay về với con, làm cho kẻ bội nghịch trở nên khôn ngoan như người công chính, chuẩn bị nhân dân sẵn sàng đón Chúa” (Luca 1:17). Vì Giăng phủ nhận mình là thân vị Ê-li từ trời trở lại, không theo ý người Do-thái mong đợi; vì thế, họ không nhận ra ông.
Người Do-thái lại tiếp tục cật vấn Giăng Baptist (22), ông trả lời bằng Êsai 40:3–4 để họ biết ông là sự ứng nghiệm của lời Chúa hứa phán, và cũng xác nhận với họ rằng chức vụ của ông có thẩm quyền thiêng liêng yểm trợ. Ý ông muốn nói về chức vụ và sự lệ thuộc của ông vào Chúa: “Tôi là tiếng gọi của người trong nơi hoang vắng: Hãy đắp cho thẳng con đường của Chúa, như tiên tri Êsai đã nói” (23). Ở chỗ nầy, hãy để ý chức vụ của ông là tiếng gọi trong hoang mạc vắng vẻ tĩnh lặng, không bị chi phối bởi tiếng ồn ào của xã hội cùng sự hối hả của thế giới kinh doanh. “Hãy đắp cho thẳng con đường của Chúa” nói về 2 nhiệm vụ: a) chấn chỉnh lại những suy nghĩ sai lầm của người ta về đường lối của Đức Chúa Trời. Đường lối của Chúa luôn luôn chính đáng và đúng, nhưng sự giả hình và hủ bại của các thầy thông giáo và người Pharisi làm cho đường ấy trở thành cong quẹo. Giăng Baptist kêu gọi người ta trở lại với các luật lệ nguyên thủy. b) Chuẩn bị cho người ta sẵn sàng vui vẻ tiếp nhận Đấng Christ cùng phúc âm của Đức Chúa Trời.
Khi Giăng Baptist không nhận mình là Đấng Mếtsaia, Ê-li, hoặc tiên tri, thì giới lãnh đạo Do thái-giáo hạch hỏi ông rằng nếu không phải, tại sao dám làm phép báp têm về sự tẩy rửa? (24–25) Người Dothái nghĩ rằng Đấng Christ, Êli, và các tiên tri sẽ dùng lễ nghi báp têm để tẩy sạch ô tội thế gian. Giăng hướng họ về Đấng Christ trong lời đáp “Tôi làm phép báp têm bằng nước; nhưng ở giữa các ông, có một Đấng mà các ông không biết” (26). Câu nầy xác nhận sự thật đã nói ở câu 10 rằng dân Do-thái đã không nhận ra Đấng Cứu Độ đang đi lại, sinh hoạt ở giữa họ. Có bao giờ chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời rất thường ở gần mà chúng ta không nhận ra chăng? Bổn phận của Giăng là chỉ dẫn cho dân Israel biết Đấng Christ là ai. Lời của Giăng xác nhận chức vụ đến trước để dọn đường của Ê-li “Ngài sẽ đến sau tôi, tôi không xứng đáng mở dây giày Ngài” (27).
Hãy xem lại lời giải thích của Giăng Baptist: “Đây chính là Người mà tôi đã nói: Ngài đến sau tôi nhưng cao cả hơn tôi, bởi Ngài hiện hữu trước tôi” (15). Địa vị Giăng ở thế gian rất cao trọng. Đức Chúa Giêxu tiết lộ “Thật, Ta bảo các ông, trong số những người được sinh ra ở đời, chẳng có ai lớn hơn Giăng Baptist.” (Mathiơ 11:11). Tính cách vĩ đại của Giăng Baptist nằm ở chỗ ông luôn bộc lộ sự không xứng đáng của mình khi được ở gần Đấng Thánh của Đức Chúa Trời. Ông biết rõ mình được Đức Chúa Trời sai xuống thế gian, ẩn mình trong hoang mạc cho đến khi lời của Chúa bảo ông bắt đầu thi hành chức vụ. Nếu người rất được tôn trọng như Giăng Baptist vẫn thấy không xứng đáng được ở gần Đấng Christ, thì chúng ta sẽ ý thức thế nào về tình trạng của mình trước đây và hiện nay?
Giăng Baptist làm phép báp têm cho người Do-thái ở bờ đông của sông Giô-đanh thuộc làng Bêthani (28). Ông có hai vấn đề quan trọng để giới thiệu Đức Chúa Giêxu Christ. Trước hết, ông giới thiệu cho mọi người khi thấy Ngài đến với mình “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng gánh tội lỗi của nhân loại” (29). Chiên Con được dùng làm sinh tế chuộc tội theo lời chỉ dạy của luật pháp Môise. Khi nói rằng Chiên Con ấy là Đấng gánh tội lỗi của cả thế gian, thì Giăng muốn nói về Chiên Con của lễ Vượt Qua chuộc tội cho cả nhân loại như đã chép “Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt.” (Êsai 53:7), và “Người đã đổ mạng sống mình cho đến chết,…, đã mang lấy tội lỗi nhiều người.” (Êsai 53:12). Giăng nhắc lại một lần nữa “Đây chính là Đấng tôi đã nói: Có một Người đến sau tôi, cao cả hơn tôi, vì Ngài hiện hữu trước tôi” (30). Giăng lại trực tiếp giới thiệu Đấng Christ và mục đích của phép báp têm mà ông rao giảng “Tôi vốn không biết Ngài là Đấng Christ, nhưng tôi đến làm phép báp têm bằng nước, để cho nhân dân Israel thấy Ngài.” ( 31).
Thứ nhì, Giăng giới thiệu Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng sở hữu Đức Thánh Linh. Ông nói rõ: “Tôi đã nhìn thấy Đức Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, ngự trên Ngài” (32). Rồi ông giải thích thêm “Trước kia tôi chưa ý thức về Ngài, nhưng Đấng sai tôi làm phép báp-têm bằng nước có dạy tôi: ‘Con thấy Thánh Linh giáng xuống và ngự trên ai, ấy là Đấng sẽ làm báp-têm bằng Đức Thánh Linh’” (33). Điều ông tiết lộ là ông được chính Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông biết Đức Chúa Giê Xu là Đấng Christ, tức là Đấng Mếtsaia mà người Do-thái hằng chờ đợi, vì Ngài sở hữu Đức Thánh Linh, và sẽ là Đấng làm phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. Sự nhận biết nầy của Giăng Baptist là biết sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Cựu Ước: “Thần của Chúa ngự trên Ta …” (Êsai 61:1). Ngự trên ai đó có nghĩa là giáng xuống và lưu lại.
Có sự khác nhau rõ ràng giữa phép báp têm bằng nước với phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. Mathiơ 3:11 và Luca 3:16 có ghi chép lời chứng nầy của Giăng Baptist. Hơn nữa, trước khi về trời sau ngày phục sinh, Đức Chúa Giêxu lại xác nhận sự khác nhau ấy: “Vì Giăng đã làm lễ báp-têm bằng nước, nhưng ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng đức Thánh Linh” (Công vụ 1:5). Vấn đề nầy là hết sức quan trọng đối với mỗi con cái Chúa. Ai chưa được báp têm bằng Đức Thánh Linh thì vẫn còn thiếu nhiều tố chất cần thiết của người phải làm chứng cho Đấng Christ; thường là thiếu khả năng phản chiếu sự sáng vì chưa hết lòng giao cho Chúa quyền làm Chủ nên chưa được nhận lấy quyền năng của con cái Đức Chúa Trời. Giăng đã thấy nên chứng thực (34).
Giao cho Chúa quyền làm Chủ nghĩa là mình không còn tự lập quyết định về cuộc đời mình, mà hoàn toàn phó thác đời sống mình trong cuộc phiêu lưu với Chúa. Có ba ví dụ minh giải vấn đề: Ngồi ở bãi biển che dù hóng gió mát, thoải mái, không sợ bị sóng cuốn đi, rất an toàn. Hoặc lặn dưới biển có ống thở và kính nhìn dưới nước, thấy vô vàn thứ đẹp đẽ, so với người ngồi trên bờ chẳng bao giờ được thấy. Cuộc phiêu lưu ấy kỳ thú mà vẫn giữ được quyền tự chủ. Nhưng sự giao cho Đức Thánh Linh quyền làm Chủ là quyết định nhảy ùm xuống biển sâu, chẳng trang bị gì hết, biết rằng dưới chân mình là đáy sâu thẳm, không có chi để nhờ cậy, chỉ biết phó thác đời mình cho Đức Thánh Linh, là Đấng giữ mình sống sót và an toàn. Gương mẫu của Giăng Baptist là sống một đời hoàn toàn theo ý muốn Đấng sai mình, khiêm nhường trước Chúa của mình.
PhucAmGiang06.docx
Rev. Dr. CTB