Phúc Âm Giăng, bài 11

Giăng 3:22–36

Sau khi Đức Chúa Giêxu gặp gỡ Nicôđem, Ngài cùng các môn đồ qua xứ Giuđê và các môn đồ Ngài khởi sự làm phép báp têm (22). Sứ đồ Giăng lại đề cập tới Giăng Baptist, người đang tiếp tục làm phép báp têm cho dân Giuđa tại Ênôn gần Salim, là nơi có nhiều nước (23). Chi tiết và thời điểm nầy xảy ra khi Giăng Baptist chưa bị Hêrốt bắt giam (24); (chuyện Hêrốt bắt Giăng Baptist được tường thuật ở Mathiơ 14:3). Giăng tường thuật sự cãi lẫy giữa các môn đồ của Giăng Baptist với người Giuđa về lễ tinh sạch (25). Ông nói về việc những người ấy có ý đến mách với Giăng Baptist rằng Đức Chúa Giêxu cũng đang làm phép báp têm, và người ta đều chạy đến với Ngài (26). Chúng ta có thể đoán rằng họ tranh luận với nhau về phép báp têm. Có lẽ họ không cãi nhau về cách thức thực hiện, mà là vấn đề ai có quyền làm phép báp têm cho người khác.

Thật ra không phải Đức Chúa Giêxu làm phép báp têm, nhưng là các môn đồ Ngài (Giăng 4:2). Ngày nay phép báp têm được cử hành như một lễ nghi của các giáo hội, ít người hiểu tường tận về phép ấy. Phép báp têm là mệnh lệnh của Đức Chúa Giêxu Christ truyền cho Hội-thánh Ngài phải thực hiện “Vậy hãy đi, khiến muôn dân trở thành môn đồ Ta, nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh làm phép báptêm cho họ, và dạy họ vâng giữ mọi điều Ta đã truyền bảo các con” (Mathiơ 28:19). Vậy ý nghĩa và của phép báp têm là gì và gốc gác từ đâu mà có.

Thời Cựu ước, có nhiều người trong các dân ngoại muốn gia nhập cộng đồng Do-thái để thờ phụng Đức Chúa Trời chân thật. Có 3 nghi lễ mà họ phải chịu để được chấp nhận: phép cắt bì, dâng con thú sinh tế, và phép báp têm. Báp têm thời ấy là trầm mình trong nước, là biểu tượng đã chết đối với thế giới ngoại bang và sống lại trong một cuộc sống mới, làm thành viên của một gia đình mới, trong mối tương giao mới với Đức Chúa Trời. Khi Giăng Baptist thi hành thánh vụ dọn đường cho một Đức Chúa thánh khiết và đòi hỏi sự công nghĩa, thì ông rao giảng sự ăn năn tội và trở lại với Đức Chúa Trời, rồi ông làm báp têm cho họ như là một biểu tượng rõ ràng của sự tự nguyện trở lại của lương tâm trong lòng muốn thờ kính Đức Chúa Trời.

Ý nghĩa của phép báp têm bây giờ không phải chỉ là sự ăn năn, khác với phép báp têm bằng nước của Giăng và các môn đồ của Đức Chúa Giêxu đã làm ngày xưa. Bởi vì khi một tín hữu chịu phép báp têm trầm mình trong nước, thì không phải chỉ là biểu tượng về sự chết, chịu bị chôn, và đã được phục sinh của Đấng Christ, nhưng là sự tình nguyện hợp nhất của người đó với Đấng Christ trong sự chết, chôn, và sống lại ấy (Rôma 6:3–5). Do tính cách quan trọng của hình thức phép báp têm trầm mình trong nước, mọi tín hữu cần nắm vững sự hiểu biết nầy. Báp têm nhân Danh Đức Chúa Giêxu trầm mình trong nước, là biểu tượng cụ thể sự đồng lòng của mình muốn được liên hiệp tâm linh mình với Chúa trong sự chết của Ngài.

Kinh Thánh dạy: “Vì trong anh em, tất cả những ai đã chịu phép báp têm liên hiệp với Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ” (Galati 3:27); “Anh em được chôn với Ngài ngay trong lễ báp têm, và được sống lại với Ngài nhờ đức tin đặt vào năng quyền hành động của Đức Chúa Trời…” (Côlôse 2:12); “Hay anh em không biết rằng khi chúng ta chịu phép báp têm trong Đức Chúa Giêxu Christ, là báp têm trong cái chết Ngài sao?” (Rôma 6:3). Muốn đồng hưởng sự sống vinh quang của Đấng Christ trong con người mới thì trước hết phải chịu đồng chết với Ngài qua phép báp têm bằng nước và báp têm (rửa sạch) trong tâm linh, mới có thể được liên hiệp với Chúa trong sự sống lại của Ngài (Rôma 8:17).

Về phép báp-têm mà Đức Chúa Giêxu đã phán: “Có một phép báp têm mà Ta phải chịu, Ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành” (Luca 12:50), là ý Chúa muốn nói trước về sự hi sinh, chết và chịu bị chôn của Ngài, chứ không phải phép báp têm bằng nước như đang nói đến ở đây.

Không chỗ nào trong Kinh-Thánh Tân Ước nói về báp têm rảy nước hoặc thoa nước; nhưng luôn mô tả là sau khi người ta chịu báp têm, thì từ dưới nước bước lên bờ (Mác 1:10; Công Vụ 8:39). Đó cũng là lý do Giăng Baptist làm phép báp têm ở Ênôn gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước (23). Những lý luận của những người thuộc một số giáo hội hay hệ phái về việc rảy hoặc thoa nước, thường là nhằm bênh vực cho truyền thống của giáo hội hoặc hệ phái nào đó, không có sự hỗ trợ của Kinh-Thánh Tân Ước. Về sau nầy, một số giáo hội dùng lễ nghi của luật pháp Cựu Ước để cử hành các nghi lễ của Hội Thánh ngày nay, như rảy nước thánh cho người hoặc đồ vật, điều đó vẫn không đúng, vì thời Cựu Ước các thầy tế lễ rảy nước pha với huyết con sinh tế.

Giăng Baptist nói rằng thánh vụ của ông không phải của riêng ông mà là một món quà từ Đức Chúa Trời “Nếu trên trời không cho, không một người nào nhận được gì cả” (27). Ông cũng tái xác nhận rằng ông không phải là Đấng Christ (28). Ông giới thiệu một danh hiệu quan trọng của Đức Chúa Giêxu là chàng rể, và có lẽ nói đến Hội-thánh là nàng dâu; còn Giăng Baptist chỉ là bạn của chàng rể. Mặc dù bạn chàng rể có vai trò quan trọng trong việc sửa soạn sắp xếp đám cưới, nhưng vai chính vẫn là chàng rể (29). Một lần nữa Giăng Baptist lại giới thiệu Đức Chúa Giêxu Christ. Ông xác nhận vai trò của ông là người được sai đến để dọn đường “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống ” (30); và xác nhận nguồn gốc cũng như tính cách tối thượng của Đức Chúa Giêxu “Đấng đến từ nơi cao là cao cả hơn mọi người. Còn người từ dưới đất là người phàm, chỉ nói chuyện trần gian. Đấng đến từ trời cao cả hơn mọi người” (31).

Khi Giăng Baptist nói ông ‘nghe‘ (29) có nghĩa là nghe và vâng lời. Ông nói vậy để giải thích cho các môn đồ mình về vai trò cao trọng của Đức Chúa Giêxu so với ông. Ông nói rằng khi ông thấy Đấng Christ, là chàng rể, bắt đầu thánh vụ để chuẩn bị nàng dâu của Ngài, thì ông rất vui mừng vì đã hoàn thành được nhiệm vụ.

Đức Chúa Giêxu thấy và nghe những gì để thuật lại cho loài người? (32). Vì Ngài là Đấng từ trời đến, cho nên chỉ một mình Ngài mới thấy, biết, và nghe Đức Chúa Trời; do đó lời Ngài thuật lại là thật (33). Xưa nay có vài người nói chuyện trên trời nhưng chỉ là đoán mò; vì một lẽ rất căn bản là: Họ không bày tỏ được cõi trời và những việc đã nghe, thấy, và biết từ trên trời. Họ chỉ là người phàm, nghĩa là từ thế gian mà ra. Ý tưởng của những người nầy không thể giúp loài người tìm ra con đường nào tự giải thoát mình khỏi tội lỗi và hậu quả của nó. Người nào phải đi tìm chân lý và ú ớ về chân lý, thì người đó rõ ràng chưa biết chân lý, cũng chẳng phải là chân lý.

Các triết thuyết vô thần đều lý luận theo quan điểm của những người, nếu bị ra khỏi bầu khí quyển của trái đất, thì không thể sống sót. Không triết lý nào của con người có thể nói rõ về cõi thần linh trên trời. Chỉ có Đức Chúa Giêxu là Đấng từ Đức Chúa Trời đến để rao truyền lời của Đức Chúa Trời (34). Đó là lý do mà mọi lời dạy của Đức Chúa Giêxu đều cao siêu vượt trội hơn tất cả những người tự xưng hoặc được người ta tôn làm giáo chủ. Hơn nữa, các lời dạy của Chúa đều hướng dẫn người ta đến một giải pháp được cứu độ rõ ràng. Vì Ngài từ Chúa Cha mà xuống nên Ngài được ban Thánh Linh của Đức Chúa Trời đầy dẫy, không giới hạn (34); có nghĩa là mối tương giao liên lạc giữa Ngài với Thánh Linh Đức Chúa Trời không bao giờ gián đoạn.

Đức Chúa Giêxu đã được Đức Chúa Cha yêu mến và giao cho trọn quyền (35). Một lần nữa, Giăng lặp lại chủ đề về vấn đề tin và sự sống. Ai chưa biết hoặc chưa kinh nghiệm về Đức Chúa Giêxu thì chưa kinh nghiệm sự sống; hơn nữa người ấy còn phải chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời bắt đầu từ lúc người ta có đức tin, còn sự hư vong vĩnh viễn cứ tiếp tục trút lên người nào không tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến. Sứ đồ Giăng nói rõ là ai không tin Đức Chúa Giêxu sẽ phải mang sự chết vĩnh viễn ngay trong thời hiện tại, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn duy trì trên người ấy bao lâu người đó từ chối Đấng Chirst (36).

PhucAmGiang11.docx

Rev. Dr. CTB