Phúc Âm Giăng, bài 08

Giăng 2:1–12

Đức Chúa Giêxu Christ, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, xuống trần thành xác thịt ở giữa thế gian, là chiếc thang bắc liền loài người dưới đất với Đức Chúa Trời trên thiên đàng cao cả. Ở đầu sách, sứ đồ Giăng giới thiệu Ngôi Lời với tất cả những sự cao diệu của thần học về Ngôi Lời nhập thể, đột nhiên tác giả chuyển thẳng qua một đám cưới ở một làng nhỏ hẻo lánh xứ Galilê. “Đến ngày thứ ba, có đám cưới tại làng Cana, xứ Galilê. Mẹ Đức Chúa Giêxu có mặt tại đó. Đức Chúa Giêxu và các môn đồ được mời dự tiệc cưới” (1-2). Câu chuyện nầy cho thấy bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Giêxu, hình như có trách nhiệm gì đó trong đám cưới, không phải chỉ là một khách được mời. Sự giải thích hợp lý nhất có lẽ là bà có liên hệ họ hàng với gia chủ; mặc dù không có gì để chứng minh điều đó. Có người cho rằng có lẽ chàng rể là một người cháu của bà. Nếu vậy họ cũng có liên hệ họ hàng với Đức Chúa Giêxu về phần xác.

Đám cưới làng quê ở xứ thánh thời đó là một sự kiện xã hội quan trọng. Dù cuộc sống ngày thường rất đạm bạc, người ta tổ chức đám cưới rất linh đình, thường kéo dài cả tuần. Người ta hoan hỉ ăn mừng hôn nhân để thực hiện mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đã truyền cho loài người “Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất…”(Sáng Thế 1:28). Sự kiện Đức Chúa Giêxu tham dự một tiệc cưới cho chúng ta thấy rằng Ngài xác nhận giá trị của gia đình và hôn nhân, thay vì chỉ đi giảng đạo hoặc cầu nguyện. Sự kiện nầy nhắc lại Ngôi Lời trở thành xác thịt và thoải mái dự vào những sinh hoạt căn bản nhất của đời sống chúng ta là thiết lập hôn nhân (1:14).

Rượu giữ một vai trò rất quan trọng không thể thiếu trong tiệc cưới của người Dothái. Thiếu rượu là một mối nhục lớn cho gia chủ, vì tiếp đãi khách như vậy là tệ bạc. Việc bà Mary thông báo cho Đức Chúa Giêxu chuyện thiếu rượu đãi khách không phải là một lời bình phẩm (3). Đức Chúa Giêxu hiểu rằng đôi vợ chồng mới cưới nầy và gia đình họ sẽ mang sự xấu hổ đến trọn đời vì đã không cung cấp đủ rượu cho tiệc cưới. Tuy nhiên, lý do nào khiến bà Mary không nói việc hết rượu cho gia chủ mà đem nói với Đức Chúa Giêxu? Có lẽ vì bà biết họ nghèo và không cách chi mua được thêm rượu vào lúc ấy; hoặc bà tin rằng chỉ có Chúa mới giải quyết được tình trạng khó khăn nầy. Có lẽ cả hai lý do là nguyên nhân thúc đẩy bà đến nói với Đức Chúa Giêxu.

Lời đáp của Đức Chúa Giêxu là: “Mẹ ơi, việc ấy có liên can gì đến mẹ và Con? Giờ của Con chưa đến” (4). Ý Chúa nói rằng chưa đến lúc Ngài tiết lộ mình là ai và lý do nào Ngài xuống sống ở giữa họ. Chúng ta không thể biết được lý do tại sao Chúa quyết định thi thố phép lạ. Có thể là để cứu gia đình nầy khỏi bị xấu hổ; cũng có thể là để xác nhận tính cách quan trọng của gia đình và hôn nhân. Điều mà chúng ta biết ấy là Ngài đã can thiệp để giải quyết tình trạng bối rối và cung cấp số rượu đang cần. Đấng sáng tạo vũ trụ hiểu biết sinh hoạt của đời sống con người. Ngài đã thi thố phép lạ hóa nước thành rượu, quan tâm chăm sóc một phương diện của đời sống mà chúng ta thường bỏ qua.

Lời đáp của Chúa cũng làm sáng tỏ một sự thật: Khi Đức Chúa Giêxu lìa gia đình để công khai thi hành thánh vụ, thì người mẹ phần xác không giữ vai trò gì, cũng không có quyền gì trên thánh vụ của Ngài. Bà Mary nghe lời đáp thì hiểu. Có lẽ lời đáp ấy nhắc cho bà nhớ lại lúc thiên sứ Gápriel báo tin, lời các mục đồng, lời của các bác sĩ từ đông phương, lời Đức Chúa Giêxu nói trong đền thờ lúc 12 tuổi. Bà đã suy gẫm và ghi nhớ trong lòng tất cả các sự kiện ấy; cũng có thể là một lời quở trách, vì nhắc Chúa như vậy là không biết gì về sự toàn tri của Đức Chúa Trời. Bà Mary đã hiểu cho nên mới dặn những kẻ hầu bàn phải vâng lời Đức Chúa Giêxu sai bảo (5).

Sáu cái vại đá mỗi cái thường chứa đuợc từ 18 tới 24 gallons (6). Một vài nhà thần học cho rằng con số 6 mang một biểu tượng quan trọng. Vì số 7 tượng trưng cho sự hoàn thành hoặc đầy đủ, nên 6 có nghĩa là thiếu một, tượng trưng cho sự thiếu hụt của Do-thái-giáo. Số 6 cũng được coi là biểu tượng về loài người với tất cả sự bất toàn của mình. Đối với người Giuđa, nước đựng trong vại đá đặt trước sân nhà dùng để rửa chân cho khách là một thứ tục lệ lễ nghi trải qua nhiều đời. Và theo thông tục của họ thì các vại không bao giờ chứa đầy nước lên tới miệng. Chỉ chứa khoảng từ một nửa tới hai phần ba dung lượng của vại.

Sáu cái vại đá ở tiệc cưới làng Cana là điển hình hoặc biểu tượng cho lễ nghi của Do-thái giáo, cũng là hình bóng của lòng những người tin Chúa theo hình thức. Nước xài cho nghi lễ sẽ mãi mãi là nước. Nước lưng chừng trong vại cũng vẫn chỉ là nước có ích lợi cho hình thức lễ nghi. Nhưng khi Đức Chúa Giêxu bảo những người hầu bàn múc nước đổ đầy tới miệng vại (7), thì nước biến thành một vai trò khác. “Ngài lại bảo: ‘Bây giờ múc ra, đem cho người trông coi bàn tiệc!’ Họ đem cho ông. Ông chủ bàn tiệc nếm nước đã biến thành rượu nho, không biết rượu nầy lấy ở đâu (còn các người giúp việc đã múc nước đều biết rõ), nên gọi chú rể” (8–9). Không ai biết rõ nước hóa thành rượu ở giai đoạn nào, chỉ biết rằng lời phán của Ngôi Lời có khả năng sáng tạo. Nếu mỗi vại chứa 18 gallons thì sáu cái cộng lại là trên 100 gallons rượu. Đức Chúa Giêxu đã làm phép lạ một cách hào phóng; Ngài đã cho nhiều hơn là nhu cầu cần đến.

Ý nghĩa hình bóng ở phân đoạn nầy khá rõ ràng. Rượu gợi cho chúng ta hình ảnh giống như bị say rượu của các môn đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần sau khi được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Nước hoặc rượu đều là biểu tượng về Đức Thánh Linh. Tâm linh của người chưa được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giống như hình ảnh cái vại đá chứa nước tới lưng chừng, chỉ có thể thực hiện công việc nghi lễ, không tác động gì được trên đời sống người khác. Người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giống như nước đầy tới miệng vại, là những người được Chúa dùng để tạo ảnh hưởng trên tâm linh của người khác. Người trông coi bàn tiệc trách móc:

Ai cũng đãi rượu ngon trước, đến khi tân khách uống say rồi, mới đem rượu kém ngon ra. Nhưng anh lại giữ rượu ngon cho tới bây giờ!” (10). Nước được Chúa biến thành rượu lại ngon hơn bất cứ thứ rượu nào. Cũng vậy, nếu chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì phẩm chất và khả năng phục vụ của chúng ta sẽ vượt lên trên tất cả những gì mà trần gian đã biết. Mục tiêu của mỗi chúng ta là phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Chẳng ai nên duy trì tình trạng chỉ có thể dùng cho lễ nghi, không ích lợi gì đối với nước Đức Chúa Trời. Chúng ta cần được đổ đầy để nước biến thành chất rượu có khả năng làm hưng phấn người nào chạm đến.

Đức Chúa Giêxu thi hành phép lạ nầy cho ai xem hoặc biết? Chắc chắn không phải cho những người dự tiệc biết, cũng không phải cho người trông coi bàn tiệc hoặc gia chủ; bởi vì chẳng ai trong họ biết việc gì đã xảy ra, và rất ít người chú ý đến Đức Chúa Giêxu. “Đó là phép lạ đầu tiên Đức Chúa Giêxu đã làm, tại Cana xứ Galilê, tỏ ra vinh quang của Ngài” (11). Nếu chỉ có những người hầu bàn biết Đấng đã sai họ múc nước đổ đầy tới miệng sáu chiếc vại, rồi bảo họ múc đem cho người trông coi bàn tiệc, thì các môn đồ đầu tiên của Ngài không biết. Nhưng tác giả cho biết rằng “nên các môn đồ tin Ngài.” (11b). Như vậy, mục đích Đức Chúa Giêxu thi thố phép lạ là để cho các môn đồ vừa đến theo Ngài tin rằng Ngài là Đấng Mếtsaia, sau khi họ thấy được Ngài tỏ bày sự vinh hiển của Ngài trong phép lạ thứ nhất.

Sau đó Ngài với mẹ, các em trai và các môn đồ cùng xuống thành Ca-bê-na-um, ở lại đó ít ngày” (12). Câu nầy nhắc đến mẹ và các em trai của Đức Chúa Giêxu. Hai sách Phúc Âm khác cũng đề cập rõ việc nầy: “Có người thưa: ‘Thưa Thầy, mẹ và anh em Thầy đang đứng bên ngoài, muốn nói chuyện với Thầy’” (Mathiơ 12:47); “Đến ngày Sabát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong nhà hội. Nhiều người nghe, lấy làm ngạc nhiên, nói: ‘Bởi đâu Người được những điều nầy? Làm thế nào Người khôn ngoan như thế ……Có phải người là thợ mộc, con bà Mary, anh của Giacơ, Giôsép, Giuđa và Simôn? Các em gái Người cũng đều đang ở đây với chúng ta phải không?’ Và họ vấp phạm vì cớ Ngài” (Mác 6:2–3). Bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Giêxu dù rất được tôn trọng, nhưng giữ vai trò rất giới hạn, không phải thần thánh như một số người quả quyết.

PhucAmGiang08.docx

Rev. Dr. CTB