Thư Philip, bài 03
Điều Cần Thiết Hơn
Philíp 1:21–30
Trong phần nầy Phaolô bộc lộ những suy nghĩ của lòng ông về sự sống và sự chết: “Đối với tôi, sống là Christ, chết là lợi ích” (21). Mọi tín hữu chân chính của Chúa đều cần phải suy nghĩ về điều nầy: Vinh quang của Đức Chúa Giêxu phải là mục tiêu đời sống chúng ta nhắm tới, ân điển của Ngài là nguyên tắc sống của chúng ta, và lời dạy của Ngài là luật lệ chúng ta noi theo. Người nào sống vì Đấng Christ như vậy, thì chết là lợi ích cho họ, lợi ích vĩ đại, lợi ích vĩnh cửu. Đối với người thế gian thì chết là sự mất mát quá lớn, vì mất hết thoải mái và mọi hi vọng. Song đối với Cơ-đốc-nhân thiện hảo thì chết lại là lợi ích, vì nó là sự chấm dứt mọi sự yếu đuối và khổ sở của anh ta, và là sự hoàn thành những điều anh ta vẫn hằng hi vọng; giải thoát anh ta khỏi cái ác của đời sống, và đưa anh ta vào lòng Đấng Toàn Thiện. Phaolô đã nhất quyết:“Dù sống hay chết, thân nầy cũng tôn vinh Đấng Christ” (20).
Độc giả có thể suy luận: nếu chết là lợi ích đối với Phaolô, thì chắc ông cũng chẳng cần sống mà nôn nả muốn mau chết! Cách nghĩ của Phaolô thì khác: “Nhưng nếu còn sống trong thân xác nầy, công việc của tôi còn đem lại kết quả” (22). Ông được Chúa dùng để mở mang ích lợi và làm vinh danh Vương-quốc Đấng Christ trên thế gian. Khi con cái Chúa đem lại vinh quang cho Đức Chúa Trời và ích lợi cho Hội Thánh qua sự sống mình, thì thật xứng đáng để tiếp tục sống ở trần gian. Không phải Phaolô “bị ép giữa” hai điều ác, mà là hai điều tốt lành, hai điều phước hạnh. Sống vì Chúa hoặc về ở với Ngài, ông “không biết phải chọn bên nào.” Định ý của ông là chết “để được ở với Đấng Christ (điều nầy tôi rất mong muốn), là điều tốt hơn nhiều” (23). Những ai đã biết giá trị của Đấng Christ và thiên đàng, sẽ sẵn sàng về nơi ấy, vì biết rằng nó tốt hơn bội phần so với trần gian nầy. Vì ở đó không còn vất vả chống trả tội lỗi, chẳng còn rắc rối.
Cân nhắc giữa việc ra đi hay ở lại, Phaolô quyết định ở lại vì “còn ở lại trong thân xác nầy là điều cần thiết hơn cho anh em” (24). Chúa cũng muốn những đầy tớ trung thành của Ngài sẵn lòng ở lại, vì “mùa gặt thật trúng, mà thợ gặt thì ít” (Luca 10:2). Những ai nghĩ mình xứng đáng ra đi, phải xem gương nầy mà suy nghĩ lại. Vì nếu Đức Chúa Trời vẫn còn giao nhiều công tác cho làm, thì hãy sẵn lòng thực hiện cho đến khi nào hết việc. Ý muốn của Phaolô không phải là phân vân giữa việc sống ở trần gian với sống ở thiên đàng. Sự sống giữa hai cõi không thể so sánh với nhau được. Sự phân vân của Phaolô là phục vụ Đức Chúa Giêxu Christ ở thế gian nầy hay vui về với Ngài ở thế giới bên kia; nghĩa là lòng ông vẫn luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Để mở rộng lợi ích của Nước Chúa và Hội Thánh, ông sẵn sàng nán lại ở trần gian. Điều nầy chỉ có nghĩa là nếu Phaolô được phép lựa chọn. Không phải là ông có quyền quyết định mình sống hay chết.
Bất cứ ai gặp hoàn cảnh khổ nạn, nếu biết chắc bên kia thế giới mình sẽ bội phần hạnh phúc hơn, thì chẳng ai muốn lưu lại thế giới nầy làm gì. Nhưng khi Phaolô được phép lựa chọn giữa đi hoặc ở, thì ông quyết định chọn ở lại, vì các Hội Thánh non trẻ cần ông hơn. Khả năng phục vụ và các ân tứ của ông thật là cần thiết cho các Hội Thánh tân lập. Tâm tình ấy của Phaolô là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo; vì chọn sự ở lại là phải đối diện với những sự chống đối, bắt bớ, hoạn nạn, gian khổ, khó khăn trăm bề. Không có nhiều người sẵn lòng nhẫn nại chịu đựng khó khăn để bảo vệ bầy chiên. Thực tế cho thấy rất nhiều người chăn bầy thấy khó khăn, hoạn nạn đã tìm cách thoát thân, bỏ mặc bầy chiên cho muông sói tàn sát.
“Vì tin như thế nên tôi biết chắc tôi còn ở lại, tiếp tục ở với anh em, giúp anh em tiến bộ và vui mừng trong đức tin” (25). Lòng tin của Phaolô thật là vững vàng vào ơn Thiên Hựu của Chúa, rằng ơn ấy sẽ dành mọi điều tốt lành nhất cho ông. Qua lòng tin của vị sứ đồ vẫn luôn được Đức Thánh Linh cảm thúc, chúng ta biết rằng bất cứ điều gì tốt nhất cho Hội Thánh, thì chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ thực hiện. Chúng ta cũng tin điều chi cần thiết để gây dựng thân thể của Đấng Christ, Ngài cũng sẽ cho chúng ta biết các vấn đề ấy ra sao và cách thực hiện như thế nào. Ai đi, ai đến đều do Ngài sắp đặt và chỉ định. Chúng ta thường không biết rõ các nhu cầu tâm linh của mình ra sao, cho tới khi Đức Chúa Trời tạo cơ hội cho chúng ta thấy các nhược điểm của mình là trầm trọng như thế nào. Điều mà chúng ta luôn luôn cần là “tiến bộ và vui mừng trong đức tin.”
Để tín hữu đạt được điều đó, Đức Chúa Trời sử dụng những người mà Ngài có thể dạy dỗ và ban cho khả năng và ân tứ đặc biệt để giúp đỡ nhiều anh chị em khác. Hơn thế nữa, sự tiến bộ và vui mừng trong đức tin là dấu hiệu tâm linh chúng ta gần với thiên đàng hơn. Càng có nhiều đức tin chừng nào, càng thêm nhiều niềm vui chừng nấy. Và càng thêm đức tin và vui mừng, chúng ta càng tiến xa hơn trên linh trình về thiên quốc. Hội Thánh phải có những người có thánh vụ ổn định, quyết tâm phục vụ Hội Thánh lâu dài như một thành viên trung thành với gia đình. Không phải chỉ nhằm mục đích cứu vớt tội nhân, mà còn để gây dựng các thánh đồ, giúp họ tiến xa hơn, cao hơn trên bước đường đức tin để đạt đến những thành tựu tâm linh cao nhất, tốt nhất.
Phaolô quyết tâm làm một người hầu việc Chúa như vậy, và trông chờ ngày ông được trả tự do“để khi tôi trở lại thăm, anh em sẽ vì tôi mà vui mừng bội phần trong Đức Chúa Giêxu Christ” (26). Mọi tín hữu nào ước ao thấy Hội Thánh được tăng trưởng, lớn mạnh về mọi mặt cần thiết và cũng thường quan tâm tới các lợi ích của Hội Thánh địa phương mình, phải là những người vui mừng khi thấy người lãnh đạo tinh thần của mình quyết tâm gắn bó với Hội Thánh, tiếp tục phục vụ không mệt mỏi. Niềm vui của chúng ta phải đặt trong Đức Chúa Giêxu Christ, có nghĩa Ngài là điểm tận cùng của niềm vui mà chúng ta mong đợi. Tín hữu cũng vui mừng trong Đấng Christ vì mình có những mục sư chân chính. Họ chính là những người bạn của ‘Chàng Rể’ đến để giới thiệu ‘Chàng Rể’ cho ‘nàng dâu.’ Hãy vì Chúa mà tiếp nhận những người như vậy.
Để kết thúc đoạn nầy, Phaolô đưa ra 2 sự khuyên giục: 1. “Phải sống xứng đáng với Tin lành Đấng Christ,” tức là tin mừng của Chúa được bày tỏ ra qua cách sống của mình: “Để dù có đến thăm anh em hay vắng mặt, tôi vẫn được nghe anh em đứng vững vàng với đồng một tinh thần, một lòng chiến đấu cho đức tin của Tin Lành” (27). Ba điều Phaolô mong thấy nơi họ là sẵn sàng chiến đấu cho đức tin của Tin Lành, đồng một tinh thần, một lòng đoàn kết, và đứng vững vàng. Như vậy, sống xứng đáng với Tin-lành không phải là làm các công tác tôn giáo hay lễ nghi, mà là bày tỏ Tin-lành qua cách ăn ở, cư xử của mình cho mọi người chung quanh đều thấy.
2. Sự khuyên giục thứ nhì là “không việc gì phải sợ hãi kẻ thù” (28). Người truyền giáo phải thường xuyên đối diện với sự chống đối của những người đang ở dưới quyền sai khiến của tà ma. Sự không sợ hãi của chúng ta “chính là dấu hiệu Đức Chúa Trời cho [để] chứng tỏ” cho những kẻ thù nghịch với phúc âm biết rằng “họ sẽ bị hư vong, nhưng anh em được cứu rỗi” (28). Những ai đang tìm cách làm tổn hại cho Tin-lành của Đấng Christ và những người được Ngài sai đi, thì bị định cho sự huỷ diệt thể xác và hình phạt vĩnh viễn của linh hồn; trái ngược với sự sống vĩnh cửu được bảo đảm cho mọi con dân chân chính của Đức Chúa Trời. Việc hiểu biết sự thật ấy là bằng cớ chứng minh dấu hiệu bạo dạn, không biết sợ hãi của chúng ta đối với những kẻ bắt bớ đạo Chúa và công kích đức tin của chúng ta.
Đặc ân mà chúng ta nhờ Đấng Christ nhận được là “tin nhận Chúa, … chịu gian khổ vì Ngài và được tham dự cuộc chiến” (29–30). Người đời có câu: “Chiến thắng không gian nan là chiến thắng không vinh quang.” Nếu đặc ân mà chúng ta nhận được là nhàn hạ, được bảo vệ yên ổn, vô tư không lo lắng, mọi chuyện đã được sắp xếp sẵn để thừa hưởng, nếp sống tiện nghi sung sướng và dễ chịu, thì chẳng có gì cho chúng ta hãnh diện. Từng trải gian nan, phải chiến đấu nhọc nhằn vất vả, thì sự chiến thắng mới thật vinh quang. Chúng ta hãy cố gắng nắm vững hai món quà mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta vì Đấng Christ là: tin nhận Chúa bằng đức tin Ngài ban, và sẵn sàng chịu gian khổ vì Ngài; để chúng ta nắm chắc phần thưởng của mình.
Philip03.docx
Rev. Dr. CTB