Chúa Nhật, May 24th, 2015

Trở Về Nền Tảng, bài 10


1Giăng 3: 9

Lý do mà nhiều người vui mừng tiếp nhận Đức Chúa Giêxu khi được nghe nói về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là vì họ biết rõ rằng họ không thể tự cứu mình ra khỏi sự hư vong vĩnh viễn.

Họ cũng biết rõ rằng chẳng ai trong nhân loại có thể cứu giúp họ được, bởi vì những người ấy chẳng thể tự giải thoát thì làm thế nào có thể cứu giúp người khác?

Sở dĩ chúng ta tin nhận Đức Chúa Giêxu vì được nghe giảng và đọc về các bằng cớ chứng minh Ngài đã thật sống lại từ cõi chết, đã về trời và sẽ trở lại để tiếp rước tất cả những ai thật lòng tin nhận Ngài. Thật ra, chưa ai trong chúng ta thấy Đức Chúa Giêxu tận mắt; chúng ta chỉ tiếp nhận bằng đức tin.

Sau khi tin đạo, mọi tín hữu được đọc Kinh-thánh và nghe giảng về những chuyện tích kể lại cuộc đời của Đức Chúa Giêxu, về những phép lạ Ngài đã thi thố, những việc phước đức Ngài đã thực hiện, những lời Ngài đã phán và giảng dạy, những mệnh lệnh Ngài đã truyền lại, sự chịu khổ đầy đau đớn và nhục nhã mà Ngài đã chịu để chết thay cho nhân loại, sự sống lại đầy vinh quang của Ngài, và cảnh tượng thăng thiên thần diệu của Ngài nữa.

Có nhiều người biết rất kỹ, thuộc lòng và có thể kể những chuyện tích ấy một cách thành thạo; điều đó rất đáng khen. Tuy nhiên, chúng ta tin Đức Chúa Giêxu bằng đức tin, chứ chẳng phải vì mình đã tận mắt thấy Ngài.

Sau khi tin, chúng ta mới bắt đầu từng trải sự sống mới, tức là tâm linh được biến đổi. Nhưng lý do nào khiến trình độ biến đổi tâm linh trong vòng các tín hữu chênh lệch nhau nhiều đẳng cấp?

Vì không ai trong chúng ta đã tận mắt thấy Đức Chúa Giêxu, hoặc quen biết Ngài một cách riêng tư, thì mối liên hệ giao tiếp giữa chúng ta với Ngài thân mật gần gũi tới mức nào không căn cứ trên mặt giao tiếp thể chất, mà phải tùy thuộc vào các điều kiện hay yếu tố nào khác thuộc cõi tâm linh.

Để hiểu vấn đề nầy, chúng ta phải tự hỏi mình rằng: “Sự hiểu biết của tôi về Đức Chúa Giêxu có phải do kết quả của linh hồn trong tôi nhận thức [biết] về Ngài một cách trực tiếp, hay do những điều tôi học được qua lời người khác nói cho tôi nghe?

Câu hỏi trên có nghĩa là buộc chúng ta phải xem xét kỹ càng niềm tin hiện thời của mình vào ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu có thành thật không, và mối liên hệ quen biết giữa mình với Đức Chúa Giêxu gần gũi tới mức nào.

Bởi vì sự quen biết gần gũi ấy sẽ chứng tỏ bằng các dấu hiệu biểu lộ ra con người mới đã thành hình trong tâm linh của chúng ta là tín đồ của Ngài.

Câu hỏi nầy phải đặt ra là vì, nếu một người thật lòng tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu, và được Ngài ngự vào lòng làm Chủ đời sống của người đó, thì phải có một yếu tố cụ thể nào đó kết hợp giữa người tin với Đấng Christ, khiến Ngài trở thành Chúa Cứu Thế của cá nhân người tín đồ của Ngài.

Lấy ví dụ một đôi nam nữ yêu nhau thì hoặc là họ gặp mặt nhau rồi thích nhau, hoặc là giao tiếp trò chuyện với nhau qua điện thoại, thư từ, vv. Người nầy phải thấy điểm nào đó về nhan sắc hay trong tính cách, tài năng của người kia khiến cho mình yêu thích, người kia cũng phải đáp ứng lại tình yêu đó, thì tình yêu giữa hai người mới thành hình, họ sẽ thật lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng ăn ở trọn đời với nhau.

Cũng vậy, vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đã bày tỏ ra qua ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu một cách hào phóng, nếu chúng ta thật lòng cảm kích tình yêu đó mà tiếp nhận món quà cứu rỗi của Ngài, là Đức Chúa Giêxu, với lòng biết ơn sâu đậm, thì trong lòng chúng ta có một tình yêu cụ thể gắn kết Ngài với lòng chúng ta; từ đó, tình yêu ấy phát triển cách thắm thiết hơn qua con người mới thành hình trong lòng ta.

Kinh-thánh cho biết: “Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin Danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12).

Đức Chúa Giêxu phải trở thành người yêu của mỗi cá nhân tín hữu. Nếu Ngài chưa trở thành người yêu trong lòng chúng ta, thì mối tương giao thân mật chưa thể thành hình.

Như thế, nếu lâu nay anh chị em chưa thấy một bằng cớ nào chứng tỏ mình có một mối liên hệ tương giao thân mật với Đức Chúa Giêxu, thì hoặc là anh chị em đã gia nhập Hội-thánh qua lời chứng đạo của một ai đó mà không được chỉ dẫn rõ ràng về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, hoặc là chưa thật hiểu rõ về niềm tin mà mình đang theo, hoặc là anh chị em tin đạo theo kiểu lý luận của lý trí chứ chưa dùng đức tin tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Chủ đời sống mình.

Nghĩa là, yếu tố cụ thể gắn bó mình với Đức Chúa Giêxu, tình yêu của lòng biết ơn, chưa thành hình trong lòng anh chị em.

Nếu chúng ta chỉ biết về Ngài, chưa thân mật với Ngài, thì những lời dạy dỗ của Ngài, các hành động của Ngài, đối với chúng ta nhiều lúc rất là xa lạ, thậm chí quái dị.

Dấu hiệu của giáo hữu chưa kinh nghiệm sự tái sinh và chưa nhận được đời sống mới là luôn luôn đặt các câu hỏi: “Tại sao làm tín đồ của Đức Chúa Giêxu thì không được phép vui chơi như tín đồ các đạo khác? Hay, tại sao tôi không được tham dự những cuộc hội hè của ngoại giáo hay không được làm điều nầy, điều nọ? Sao đạo Tin-lành khó khăn quá vậy?” Hoặc thắc mắc: “Làm điều nầy, điều kia có phạm tội không?” vv.

Giữa hai người hiểu biết tánh tình của nhau vì họ yêu nhau, thì khỏi cần phải hỏi gì hết. Chỉ cần thấy ánh mắt không bằng lòng hoặc buồn rầu từ người yêu, thì người kia hiểu hành động hay lời nói của mình đã vi phạm giao ước chung giữa đôi bạn.

Đức Chúa Giêxu muốn con dân Ngài sống trong sự thánh khiết và tránh dính líu vào những hoạt động bị ảnh hưởng của thế giới tối tăm, để Đức Thánh Linh không buồn rầu bỏ đi khỏi lòng ta.

Vậy thì, dấu hiệu của ơn tái sinh đang hành động có hiệu quả trong lòng ta là khi ta nhận ra tính chất đúng hay sai của vấn đề, và quyết định không phạm tội. Chẳng phải chỉ là có năng lực không phạm tội, mà là quyết tâm ngưng không phạm tội nữa.

Dấu hiệu đó rất rõ ràng, vì chúng ta nhất quyết không vượt qua những giới hạn về đạo đức, mà trước đây mình chẳng mấy quan tâm.

Sứ đồ Giăng tuyên bố: “Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người ấy, người ấy không thể cứ phạm tội, vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra” (1Giăng 3:9).

Tuyên bố nầy không có nghĩa là chúng ta không thể phạm tội, nhưng có nghĩa là nếu chúng ta thật sự có sự sống của Đức Chúa Trời trong lòng, tức là con người mới trong tâm linh đã thành hình và mạnh mẽ, thì không sự cám dỗ nào có thể ép buộc chúng ta phải phạm tội cả.

Nếu chúng ta thật lòng tin và tuyên xưng Đức Chúa Giêxu là Chủ lòng mình, mà chẳng ai đã từng gặp Ngài bằng xương thịt trong đời, thì mỗi người đều phải có một sự quen biết riêng tư với Ngài.

Yếu tố đó là nền tảng cho đời sống tâm linh của chúng ta. Qua sự quen biết riêng tư đó, người được tái sinh sau khi tin nhận Đức Chúa Giêxu sẽ bắt đầu thấy Nước của Đức Chúa Trời; tức là bắt đầu nhận thức và phân biệt được giữa thánh khiết với ô uế, giữa công việc của cõi Trời với các vấn đề phàm tục.

Đừng nghĩ rằng đến ngày tận thế thì chúng ta mới thấy Nước Đức Chúa Trời. Người nào đã được tái sinh, sẽ bắt đầu được thấy các dấu kỳ, phép lạ, cũng như những việc thuộc về cõi thánh khiết của Đức Chúa Trời, trong lúc họ đang sống ở trần gian. Càng thân thiết, gần gũi với Chúa chừng nào, càng được thấy và biết về Ngài nhiều chừng nấy.

Tái sinh tức là sự biến đổi LÒNG của chúng ta, để chuyển từ sự chú trọng những việc thuộc cõi trần tục sang sự chú trọng vào các việc thuộc cõi linh giới thần thánh của Đức Chúa Trời.

Tái sinh giúp cho chúng ta có một khả năng mới nhận biết rằng mọi việc trong đời của chúng ta đều được Đức Chúa Trời cai trị và điều khiển.

Không phải rằng sau khi tôi tin Chúa thì quyền tể trị của Ngài mới bắt đầu thực hiện trên tôi; quyền tể trị ấy đã luôn luôn có từ khi Ngài sáng tạo trời, đất và muôn vật, vì ấy là bản thể của Đức Chúa Trời.

Trước kia tôi không thể nhận ra quyền toàn trị của Ngài, nhất là quyền tể trị của Ngài trên đời sống tôi, cho đến khi tôi nhận được bản thể ấy của Ngài qua con người mới mà Ngài đặt vào trong tôi, thì tôi mới nhận biết và phục tùng Ngài.

Đó là ý nghĩa thật của sự tái sinh cho người nào tiếp nhận Đức Chúa Giêxu làm Vị Cứu Tinh và Chủ của đời sống mình. Chúng là các dấu hiệu không thể lầm lẫn của con người mới trong ta.

TroVeNenTang10.docx

Rev. Dr. CTB