Chúa Nhật, July 31st, 2011
Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 22
Tránh Xa Thần Tượng
1Giăng 5:18–21
Theo lời truyền khẩu, lúc sứ đồ Giăng đã già yếu, ông luôn luôn nhắc Hội Thánh: “Hỡi các con, hãy yêu thương nhau.” Ông cũng dặn dò một điều nữa quan trọng không kém: “Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng” (21). Hai lời khuyên ấy liên hệ nhau rất gần gũi. Chúng ta không thể yêu thương nhau nếu không có lòng yêu mến Đức Chúa Trời; còn người có liên hệ ràng buộc với các thứ thần tượng thì không thể yêu mến Chúa để có thể yêu thương anh em mình
Các thần tượng mà Giăng nói đến là những gì? Tín hữu đọc thư 1Giăng lúc ấy là người Do-thái hay ngoại bang đã chân thành tin Chúa. Tín hữu Dothái, là dòng dõi của những người trở về từ xứ lưu đày, rất gớm ghét thần tượng, vì chúng là nguyên nhân khiến dân tộc họ bị trừng phạt mất nước và lưu đày lâu dài. Những tín hữu ngoại bang sau khi tiếp nhận Chúa cũng rất ghê tởm các thứ hình tượng họ từng thờ cúng. Họ sẵn sàng tử đạo để khỏi bị buộc thờ hình tượng cũ. Sứ đồ Giăng biết rất rõ về tinh thần gớm ghét hình tượng của Hội Thánh chung. Lúc ấy giáo hội Lamã chưa thành hình; cho nên, Giăng không nói về các thứ hình tượng theo cách hiểu thông thường như các tượng thiên sứ, người chết được phong thánh, hoặc các thứ tượng ảnh bằng vàng, bạc, gỗ, đá được trưng bày trong các nhà thờ Chính Thống Giáo hay Công Giáo Lamã ngày nay.
Nhà lãnh đạo cải tổ giáo hội Martin Luther ở thế kỷ 16 nói về hình tượng như sau: “Thờ hình tượng không phải chỉ là sự tôn thờ các tượng ảnh…nhưng cũng là tin cậy vào công đức riêng và nương tựa vào sự giàu có với quyền lực.” Chúng ta đã công nhận rằng Đức Chúa Trời, là Thần chân thật duy nhất, Đấng sáng tạo và là trung tâm của mọi linh hồn. Ngài là nguồn và nền tảng của hạnh phúc thật ở đời nầy cũng như đời sau. Vì thế, Ngài phải là Đấng duy nhất mà lòng tín hữu phải hướng về. Thật ra, Đức Chúa Trời luôn luôn đòi hỏi điều đó và không hề ngừng tuyên bố là chúng ta thuộc về Ngài (Mathiơ 22:37). Vì Chúa mong đợi chúng ta trao phó tâm linh, cuộc đời chúng ta cho Ngài, nếu chúng ta hướng lòng mình về bất cứ điều gì khác, thì đó là sự thờ lạy hình tượng rõ ràng. Nếu chúng ta tìm kiếm hạnh phúc nào khác ngoài Chúa, thì Ngài xem đó là sự thờ lạy hình tượng.
Hãy suy gẫm kỹ càng để thấy rõ vấn đề: Trong bất cứ việc gì chúng ta toan tính, từ trang trí nhà cửa, mua sắm nầy nọ, quyết định về nghề nghiệp, chương trình kinh doanh làm ăn, vạch kế hoạch về công việc hiện tại hay tương lai, vv… Nếu chúng ta không dành cho Chúa một chỗ nào, không quan tâm chương trình của mình có ảnh hưởng ra sao đến công việc nhà Chúa, đến việc đi thờ phượng, cũng không hề cầu hỏi ý Ngài; hoặc Đức Chúa Trời không có chỗ nào trong tất cả những điều mình toan tính và ao ước đó, thì chúng ta bị Chúa xem là thờ hình tượng.
Giăng nói đến ba loại hình tượng mà người ta mê thích: 1) Dục vọng của thân xác. Loại nầy không chỉ thu hẹp trong ý nghĩa ham muốn nhục dục, nó bao gồm tất cả các giác quan. Nghĩa là tìm kiếm sự thoả mãn của một, nhiều hay tất cả các giác quan. Các ham muốn lộ liễu và thô tục thì quá rõ ràng, nhưng sự mê tham của xác thịt còn là ham muốn những khoái cảm nhục dục cách lịch sự, tự nuông chiều mà không làm hại gì tới sức khoẻ hoặc tiếng tăm, ví dụ, tìm cơ hội để khoe quần áo, trang phục, khoe giàu, khoe nhan sắc. Loại thờ lạy hình tượng nầy xảy ra ở mọi hạng người. Nếu Chúa không phải là mục tiêu chính trong mọi mặt của đời sống chúng ta, thì việc sa vào loại thờ hình tượng nầy là không thể tránh được.
2) Dục vọng của mắt tức là sự ham muốn chiếm hữu những thứ mà mình ưa thích: lớn, lạ, nhiều, đẹp, đắt tiền, vv. Người ta ham muốn có nhiều, thích những gì đẹp, cảnh vật thiên nhiên, vườn cảnh, tác phẩm mỹ thuật, trang phục quần áo, bàn ghế gường tủ kiểu cọ, sách vở thơ văn, nghiên cứu khám phá toán học, vật lý, nghiền ngẫm triết lý, vv. Nói tóm lại, tất cả các ham muốn đó nhằm làm thoả mãn thú đam mê của từng người. Nếu ai tìm kiếm sự vui sướng hoặc hạnh phúc qua những điều nói trên, thì chúng trở thành thần tượng của người ấy. Những gì bị Chúa xem là thần tượng, dù có được trần gian cổ võ hay thán phục, chúng ta đều cần phải lìa bỏ.
3) Kiêu ngạo của đời tức là mong muốn được người khác ca tụng, khen ngợi, hoặc khao khát vinh quang. Có thể có người không mang tâm trạng muốn được nổi tiếng hay bon chen tìm kiếm vinh quang, vì tự biết mình kém cỏi không thể hơn ai, cũng không thoát khỏi cái bẫy tinh vi nầy, vì sẽ cố gắng giữ gìn danh dự, danh giá của mình. Tất cả đều bắt nguồn từ ý muốn được người ta tôn trọng, thay vì được Chúa tôn trọng. Những cố gắng hành xử xuất phát từ một lương tâm tốt thì không sợ phạm tội gì. Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm sự vui thích hoặc thoả mãn con người bề trong của mình, vì sợ bị xấu hổ, thì chúng ta đang bị hiểm hoạ vướng vào sự kiêu ngạo của đời.
Lãnh vực tiền bạc có thể thuộc cả ba loại, vì có khi do lòng tham, có khi muốn có nhiều tiền để mua sắm những thứ mình ao ước, có lúc để khoe của hoặc chứng tỏ mình không thua kém ai. Có người thì chỉ muốn có tiền thật nhiều. Tiền là mục tiêu tối hậu, một nỗi đam mê không bao giờ thoả mãn. Đây là hình thức thờ lạy thần tượng thấp kém nhất (Côlôse 3:5). Có khi một người nào đó trở thành thần tượng trong lòng ta, nghĩa là đặt người đó ưu tiên trước Chúa. Muốn làm hài lòng chồng, vợ, hoặc con hơn là làm đẹp lòng Chúa, tức là yêu thương và đặt khát vọng của mình vào người nào đó, thì chính là sự thờ lạy thần tượng lộ liễu nhất. Để giữ mình khỏi sự thờ lạy hình tượng, chúng ta hãy suy gẫm về hai điều:
1. Biết rõ chúng chẳng thể đem hạnh phúc đến: Nếu có ai trên đời đã thoả lòng tìm được hạnh phúc qua nhưng thứ kể trên, thì chúng ta có thể tìm được hạnh phúc bằng vật chất trong thế gian. Nhưng xưa nay việc đó chưa bao giờ xảy ra, như tục ngữ có câu: “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.” Chưa ai nhờ thế gian mà thật được hạnh phúc. Người ta càng hiểu biết nhiều chừng nào, càng không thoả lòng chừng đó.
2. Kỹ lưỡng tự xét thực trạng của mình. Hãy bình tâm, tỉnh táo xem mình đang ở tình trạng nào, có thần tượng nào mà mình đang ưa thích, theo đuổi. Hãy rũ bỏ hết mọi thứ thần tượng nào mình đang có trong lòng; chọn phần tốt nhất, tức là tìm kiếm thứ hạnh phúc mình chắc chắn sẽ gặp được, không lo tốn công vô ích: Đó là tìm kiếm Đức Chúa Trời, nguồn hạnh phúc thật của chúng ta (Mathiơ 6:33). Hãy làm quen với Ngài, nhưng không phải bằng sức riêng do tu tập mà được. Hãy cầu xin Chúa bày tỏ cho ta biết rõ về chính mình; xin Ngài bộc lộ tất cả những tội lỗi và lầm lỗi của riêng ta. Vì khi nào chúng ta biết rõ con người thật của mình, thì các thứ thần tượng mất dần sự hấp dẫn của chúng.
Hãy tin cậy và kêu cầu Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi xích xiềng của các thứ thần tượng mà lòng chúng ta ham muốn vốn vẫn đang trói buộc chúng ta lâu nay. Hãy tin, vì Đức Chúa Giê -xu có phán rằng “Nếu ngươi tin, thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Giăng 11:40). Hãy hiểu rằng khi nào chúng ta tin và để Chúa làm Chủ đời sống, thì sự hiện diện của Ngài sẽ đẩy lùi mọi thứ thần tượng mà chúng ta vẫn đam mê trước đây. Đây là lãnh vực của chiến trường trong tâm trí, vì chúng là các đồn luỹ cho chính ta xây dựng và quyết liệt bảo vệ.
Đạp đổ và phá huỷ các đồn luỹ là bổn phận mà chúng ta phải làm nhờ sức toàn năng của Đức Chúa Trời (2Côrinhtô 10:4–5). Đức Thánh Linh sẽ dùng lời nhắc nhở để cảnh tỉnh chúng ta về sự hiện diện của các đồn luỹ trong ta. Vì thế, hãy tập luyện để có thể nghe tiếng Ngài cách rõ ràng, hầu cho chúng ta được biết rõ thứ đồn luỹ nào đang là thần tượng trong lòng mình. Phương cách đánh bại chúng thật ra không khó, vì như có chép: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Giacơ 4:7). Sau khi thắng, hãy chọn từ bỏ bất kỳ thú vui, ham muốn nào có thể làm chúng ta xa cách Chúa. Chọn phục vụ Chúa, Ngài sẽ giúp ta thành công.
QuyenNangThuocLinh22.docx
Rev. Dr. CTB