Nền Tảng của Năng Lực Tâm Linh
1Giăng 4:9–10, 19
Tất cả quyền năng thuộc linh trong tín hữu đều đặt trên nền tảng mối tương giao giữa họ với Chúa. Thiếu mối tương giao cốt yếu ấy, tín hữu chẳng có chút năng lực tâm linh nào. Bởi vì sự sống của tâm linh được tái sinh trong tín hữu do Thánh Linh của Đức Chúa Trời sinh ra ngay lúc họ tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Đấng Cứu Tinh chuộc tội cho họ. Sự sống và sức lực tâm linh mới của tín hữu kể từ lúc đó tuỳ thuộc vào mối liên hệ tương giao giữa họ với Ngài, như nhánh nho phải dính vào gốc nho để nhận nhựa sống từ gốc nho cung cấp (Giăng 15:4). Mỗi con cái Chúa đều mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ của Đức Thánh Linh trong lòng mình, nhưng không có nhiều người kinh nghiệm được điều đó. Đại đa số không biết nguyên nhân tại sao việc ấy hầu như chỉ là nỗi ước ao vô vọng. Làm sao Đức Thánh Linh có thể hiện diện trong lòng một người không có chút liên hệ khăng khít nào với Ngài?
Trong lịch sử của Hội Thánh Chúa, nhiều người không biết phải làm thế nào để có được mối tương giao với Chúa và kinh nghiệm sự hiện diện quyền năng của Ngài. Họ áp dụng các phương pháp ép xác, khổ tu, vv., nhưng đều đã thất bại. Kinh Thánh dạy cho chúng ta bốn (4) nguyên tắc mà ai muốn thiết lập mối tương giao với Chúa đều cần phải hiểu biết:
Nguyên tắc 1: Chúa là Sự Sống của chúng ta (Phục. 30:19–20). Đây là một nhận thức vô cùng quan trọng. Chúng ta thường nghĩ rằng vì Chúa ban cho chúng ta sự sống thì chúng ta sở hữu nó và có toàn quyền sử dụng sự sống ấy theo ý riêng mình ưa thích hoặc cho là phải; nhưng câu 20b ghi rõ: “vì Ngài là sự sống ngươi …” nên đã nổi lên câu hỏi ai là sở hữu chủ sự sống ấy và quyền quyết định cách sống thuộc về ai? Cách trả lời câu hỏi nầy sẽ cho chúng ta thấy mình đã có mối tương giao với Chúa hay chưa có.
Nguyên tắc 2: Chúa là phía khởi xướng mối liên hệ yêu thương. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài; hầu cho hễ ai tin Con ấy, thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Nếu Chúa không chỉ ban cho chúng ta sự sống, mà Ngài là sự sống của chúng ta, thì có nghĩa là Ngài chủ động kéo chúng ta đến với Ngài. Chúng ta không phải là phía khởi xướng mối liên hệ yêu thương, mà Chúa là Đấng khởi xướng.
Nguyên tắc 3: Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài. “Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy đó là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta” (Giăng 14:21). Chúng ta thường nghĩ rằng vì mình đương nhiên được Chúa yêu thương; cho nên, đáp ứng hay không đáp ứng tình yêu ấy cũng chẳng sao. Có lẽ tâm lý nầy là nguyên nhân khiến chúng ta chẳng có chút quyền năng thuộc linh nào. Đức Chúa Giêxu phán rất rõ là Ngài muốn chúng ta đáp ứng tình yêu mà Ngài đã khởi xướng, để Ngài có thể khải thị chính Ngài cho chúng ta biết. Việc Chúa khải thị chính Ngài cho chúng ta biết là nguồn quyền năng tâm linh mà chúng ta có thể nhận được.
Để chúng ta có thể biết được Ngài, Chúa sẽ sẽ khải thị cho chúng ta những ý tưởng, ý muốn, mục đích của Ngài đã dành sẵn cho đời sống chúng ta; Ngài bày tỏ uy quyền và quyền phép vô cùng của Ngài mà chúng ta có thể nhận lãnh và thừa hưởng; Ngài bày tỏ sự tốt đẹp, thánh khiết tuyệt đối, công nghĩa vô song, cùng mọi mỹ đức khác của Ngài để chúng ta bắt chước. Ngài lại bày tỏ phương diện tuyệt vời nhất của cá tính Ngài là tình yêu bao la không bờ bến, thứ tình yêu làm kinh ngạc cả vũ trụ, và kẻ chống nghịch chúng ta phải sững sờ. Dù chúng ta đọc Kinh Thánh kỹ cách mấy đi nữa thì sự hiểu biết của chúng ta chỉ đạt tới một giới hạn nào đó. Nhưng khi Chúa bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, thì không có bí mật nào là kín giấu; chúng ta sẽ hiểu Kinh Thánh cách mới mẻ, và lời Chúa trở nên hấp dẫn, ngọt ngào, quý báu vô cùng.
Trong điều răn thứ nhì của 10 điều răn, Đức Chúa Trời công bố sẽ ban ơn phước đến ngàn đời cho con cháu người nào kính mến Ngài (Xuất Aicập 20:6). Ơn phước từ thiên đàng quý báu hơn rất nhiều so với những thứ phước vật chất ở trần gian. Được của cải trần gian chúng ta còn mừng rỡ biết bao, huống chi được nhận lãnh ơn phước Chúa. Trong ơn phước ấy có quyền năng thuộc linh để sống đạo thành công, làm chứng nhân thành công, quyền phép để đánh bại thế giới tối tăm, làm tiêu tan tật bệnh, giải trừ tai hoạ và hoạn nạn, triệt tiêu chướng ngại trên đường đời. Nguyên tắc thứ ba nầy về tình yêu đối với Chúa là cực kỳ quan trọng, vì là chìa khoá để mở cửa các kho ơn phước mà Chúa đã dành sẵn cho mọi người yêu mến Ngài. Là tín hữu mà không có mối liên hệ yêu thương với Chúa, chẳng khác nào nhánh nho bị cắt đứt khỏi gốc nho, bị lìa khỏi nguồn cung cấp sự sống. Ai muốn nhận được mọi thứ phước lành mà tín hữu nào cũng ao ước, thì phải biết ơn cứu chuộc của Chúa, thiết lập mối liên hệ tương giao với Ngài và yêu mến Ngài. Con cháu của những người yêu mến Chúa cũng được che chở dưới bóng các ơn phước ấy.
Nguyên tắc 4: Đức Chúa Trời không chấp nhận bất cứ thứ gì tranh giành tình yêu của chúng ta dành cho Ngài (Mathiơ 6:24). Tín hữu không thể chia xẻ tình yêu của mình cho nhiều đối tượng khác nhau. Đây không phải là tình yêu giữa vợ chồng, trai gái, mặc dù nó rất giống về tình thân mật. Khi Chúa hi sinh chính mạng sống quý báu của Ngài để bày tỏ tình yêu vô bờ bến của Ngài đối với chúng ta, Ngài đã không giữ lại một chút gì cho Ngài dù phải chịu chết một cách vô cùng nhục nhã; thì Ngài sẽ không chấp nhận tình yêu của ai chỉ dành cho Ngài một phần nào đó, phần còn lại dành để theo đuổi những ham muốn của lòng họ. Mặc dù ai đó có thể sống hoặc ăn nói cách giả hình để lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối được Đấng Toàn Tri. Hơn nữa, Đức Thánh Linh trong lòng những tín hữu yêu mến Chúa cũng bày tỏ cho họ biết tâm địa thật của loại tín hữu giả hình; hãy nhớ rằng tình yêu của Chúa đối với chúng ta rất mãnh liệt:
1Giăng 4:9–10 chép “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm sinh tế chuộc tội chúng ta.” Đức Chúa Trời phán: “Phải, Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến” (Giêrêmi 31:3), và “Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến” (Ôsê 11:4). Đức Chúa Giêxu phán “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi…” (Giăng 15:16). Giăng viết: “Bởi đó chúng ta nhận biết tình yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống” (1Gi.3:16).
Vì Đức Chúa Trời không chấp nhận thứ tình yêu xẻ hàng chục mảnh của chúng ta, nên ai có thứ tình yêu đó sẽ không nhận được chút quyền năng thuộc linh nào. Lòng yêu bản ngã của loại tín hữu ích kỷ chẳng những ngăn trở chính họ, mà còn làm cho không khí thân ái của Hội Thánh bị nhiễm độc. Phaolô mô tả về họ: “lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ. Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi” (Philíp 3:18–19). Thế thì, để nhận được quyền năng thuộc linh hầu cho có thể tiến bước cách mạnh mẽ trên con đường thánh hoá, mỗi tín hữu cần hiểu biết bốn nguyên tắc đã đề cập: Chúa là sự sống của chúng ta; Chúa là phía khởi xướng mối liên hệ yêu thương; Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài; và Chúa không chấp nhận bất cứ thứ gì tranh giành tình yêu chúng ta dành cho Ngài.
Hiểu biết và áp dụng các nguyên tắc nầy vào đời sống tâm linh của mình, có nghĩa là chúng ta thiết lập cho mình một nền tảng vững chắc, để trên đó Chúa sẽ giúp chúng ta xây dựng một đời sống thánh hoá đẹp lòng Ngài. Yêu mến Chúa là cộng tác với Ngài trên tiến trình thánh hoá; yêu mến và chiều theo những ham muốn tầm thường của con người trần tục của mình, khinh bỏ hết những lời cảnh cáo của Kinh Thánh, là con đường ngắn nhất dẫn xuống hoả ngục.
Rev. Dr. CTB
(Xin đừng sao chép)